Học tập đạo đức HCM

Chủ động sản xuất hạt giống để lúa lai phát triển bền vững - Bài 1: Từng bước làm chủ công nghệ

Thứ tư - 18/06/2014 03:45
Với những đột phá về năng suất, chất lượng và ưu thế nổi bật của lúa lai, sử dụng các giống lúa lai trong sản xuất là ứng dụng thành tựu khoa học nông nghiệp quan trọng của nhân loại, được nhiều nhà khoa học coi như cuộc “cách mạng xanh” của thế giới lần thứ hai.

 

 

Ở Việt Nam, lúa lai đã được ứng dụng vào sản xuất từ giữa thập kỷ 90 của thế kỷ trước. Đến nay, diện tích lúa lai hàng năm đạt từ 650.000 - 700.000 ha, với năng suất cao hơn lúa thuần từ 10 - 15 tạ/ha/vụ. Từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn giống lúa lai nhập khẩu chủ yếu từ Trung Quốc, việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 cũng đang từng bước được các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân Việt Nam làm chủ.


Vụ đông xuân 2013 -2014, tổng diện tích lúa lai F1 trên địa bàn cả nước đạt gần 1.420 ha, được thực hiện trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố.

 

Là một trong những tỉnh trọng điểm về lúa ở đồng bằng sông Hồng, nông dân Nam Định đã tiếp cận với lúa lai từ hơn 20 năm nay, khi những giống lúa lai có nguồn gốc từ Trung Quốc lần đầu xuất hiện trên đồng ruộng nước ta. Thời điểm này, khi những cánh đồng sản xuất hạt giống lúa lai F1 giống CT16 ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đã vào giai đoạn chắc hạt, những nông dân trong Tổ hợp tác sản xuất giống lúa lai của xã Xuân Ninh cùng các cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH Cường Tân mới tạm “thở phào” sau một mùa vụ đầy lo lắng.

 

Cánh đồng lúa lai F1  tại xã Xuân Ninh,  huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định trong những ngày cuối tháng Năm (Ảnh: Hoa Trà)


Ông Đỗ Đức Thọ - nông dân tham gia mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1 giống CT16 ở xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường cho biết: Sản xuất lúa lai phụ thuộc chặt chẽ vào thời tiết, chỉ một bất thường nhỏ trong giai đoạn lúa sinh trưởng, phát triển cũng có thể dẫn đến nguy cơ trắng tay. Năm nay thời tiết ở các tỉnh miền Bắc rất khắc nghiệt. Ở giai đoạn gieo cấy, rét đậm, rét hại kéo dài bất thường; giai đoạn lúa làm đòng, thời tiết lạnh và âm u kéo dài. Việc chăm sóc và điều chỉnh để các tổ hợp nở hoa trùng khớp rất khó khăn, vất vả.

 

Mặc dù năm nay năng suất sẽ không cao, may lắm thì có những trà năng suất sẽ tương đương những năm trước, nhưng chúng tôi thực sự phấn khởi vì đã vượt qua được một mùa vụ đầy thách thức về thời tiết” - ông Thọ cho biết. Từ một nông dân chuyên một năm hai vụ với những giống lúa thuần trên đồng đất quê hương, trải qua nhiều năm miệt mài với mô hình sản xuất hạt giống lúa lai F1, niềm say mê với lúa lai cùng với tay nghề kỹ thuật dày lên theo từng mùa vụ khiến những nông dân như ông Thọ như trở thành những cán bộ kỹ thuật đầy kinh nghiệm về sản xuất lúa lai.

 

Ông Nguyễn Đình Hoan, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nam Định, cho biết: cây lúa lai gắn bó với nông dân Nam Định từ 22 năm qua. Ngay từ khi mới đưa lúa lai vào sản xuất đại trà, tỉnh đã đặt ra vấn đề làm thế nào có thể tự túc được hạt giống lúa lai để không phải phụ thuộc vào nguồn giống nhập khẩu. Chỉ sau 3 năm sản xuất lúa lai, Nam Định đã chỉ đạo các đơn vị trong tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý, nghiên cứu của Trung ương triển khai đề tài nghiên cứu sản xuất hạt giống lúa lai F1. Suốt thời gian đó, tỉnh luôn có sự hỗ trợ đặc biệt với chương trình sản xuất hạt giống lúa lai F1. Nỗ lực trong 19 năm ròng với nhiều thăng trầm về kỹ thật, đến nay việc sản xuất hạt giống lúa lai F1 ở Nam Định đã đi vào ổn định và phát triển với công nghệ sản xuất và quy mô ngày càng cao. Hàng năm tỉnh có khoảng 600 ha sản xuất hạt giống lúa lai F1 với chất lượng hạt lai được đánh giá cao. Đặc biệt thông qua chương trình đã đào tạo được đội ngũ cán bộ và nông dân có tay nghề kỹ thuật cao. Nam Định đã hình thành được những vùng trọng điểm về sản xuất hạt giống lúa lai F1 ở các huyện như Xuân Trường, Hải Hậu, Trực Ninh, Nghĩa Hưng… với các làng nghề, các HTX chuyên sản xuất hạt giống lúa lai, thu nhập và đời sống nông dân những nơi này cao hơn hẳn các vùng quê khác.

 

“Khi thực hiện đề án tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, việc sản xuất lúa lai được tỉnh Nam Định đặc biệt quan tâm. Cùng với sản xuất lúa chất lượng cao thì sản xuất hạt lai F1 sẽ là trọng tâm trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp ở Nam Định” - ông Nguyễn Đình Hoan nhấn mạnh.

 

 

Tổng diện tích lúa lai F1 vụ đông xuân 2013 -2014 trên địa bàn cả nước là gần 1.420 ha,

trong đó diện tích thuộc vùng Dự án khuyến nông là 455 ha. (Ảnh: Hoa Trà)

 


Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mặc dù điều kiện thời tiết vụ đông xuân 2013 -2014 không thuận lợi, tuy nhiên do các đơn vị đã tuân thủ nghiêm túc quy trình kỹ thuật, chỉ đạo kỹ thuật sát sao kịp thời nên các diện tích lúa sản xuất hạt lai cơ bản đạt kết quả khá. Hiện tại, các trà lúa đang ở giai đoạn vào chắc đến chín, một số diện tích trà sớm đã bắt đầu thu hoạch. Riêng các tỉnh phía Nam đã cho thu hoạch.


Mặc dù theo đánh giá sơ bộ của các đơn vị sản xuất giống, do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kéo dài trong giai đoạn trỗ bông - làm hạt, nên năng suất sẽ không cao, nhưng trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt như vụ đông xuân vừa qua, kết quả này cũng là một thắng lợi, không chỉ về mặt năng suất, mà quan trọng hơn là nông dân đã từng bước làm chủ các kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1 và chủ động ứng phó được với các điều kiện thời tiết bất lợi. Tổng hợp báo cáo của các địa phương và các đơn vị trực tiếp tổ chức sản xuất, tổng diện tích lúa lai F1 vụ đông xuân 2013 -2014 trên địa bàn cả nước là gần 1.420 ha, được thực hiện trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, trong đó diện tích thuộc vùng Dự án khuyến nông là 455 ha. Dự kiến sản lượng giống F1 toàn quốc vụ đông xuân đạt khoảng 3.600 tấn.

    

“23 năm sản xuất lúa lai, so với nhiều quốc gia khác, chặng đường chúng ta đi chưa phải dài, nhưng những gì chúng ta đã làm được rất đáng tự hào. Đặc biệt từ chỗ phải nhập khẩu hoàn toàn hạt giống lúa lai từ nước ngoài, Việt Nam đã từng bước nghiên cứu, chọn lọc, nhân các dòng bố, mẹ và hoàn thiện quy trình sản xuất hạt giống lúa lai F1 trong nước để giảm dần lượng giống nhập khẩu, đồng thời tạo thêm việc làm, thu nhập cho nông dân. Hiện nay, lượng giống F1 trong nước sản xuất đáp ứng khoảng 35% nhu cầu tùy từng vụ” 

Ông Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: 


Đánh giá về kỹ thuật sản xuất hạt giống lúa lai F1, TS Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, sau hơn hai thập kỷ nghiên cứu, thử nghiệm và sản xuất hạt giống lúa lai F1, chúng ta đã tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quan trọng. Số lượng dòng bố, dòng mẹ và số tổ hợp lai được chọn tạo, nhân dòng trong nước ngày càng tăng, trong đó có một số tổ hợp lai có nhiều đặc tính tốt cả về thời gian sinh trưởng, khả năng thích ứng rộng, năng suất. Chất lượng dòng bố, dòng mẹ sản xuất trong nước ngày càng được cải thiện và đạt tiêu chuẩn quy định. Trong số các tổ hợp lúa lai đang được sản xuất hiện nay, nguồn giống do Việt Nam chọn tạo hoặc chủ động nhân dòng bố, mẹ trong nước của các tổ hợp VL24, VL50, HYT100, HYT108, CT16, TH3-3, TH17, Thanh Hoa, HQ19, Nam ưu 604, Phúc ưu 868, Bắc ưu 903, HR182, Nhị ưu 838 chiếm tới 50% tổng diện tích sản xuất hạt giống F1. Đặc biệt, lực lượng cán bộ kỹ thuật của các doanh nghiệp, các HTX và nông dân tham gia sản xuất hạt giống đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm thực tiễn, thường xuyên được bồi dưỡng, cập nhật thông tin nên kiến thức và tay nghề khá vững, đa số đã làm chủ được quy trình công nghệ sản xuất hạt giống F1 đạt năng suất, chất lượng tốt.
 

(Còn nữa)

 

Phạm Thanh Hương

Nguồn khuyennongvn.gov.vn

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập515
  • Máy chủ tìm kiếm9
  • Khách viếng thăm506
  • Hôm nay85,805
  • Tháng hiện tại790,918
  • Tổng lượt truy cập90,854,311
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây