Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Gò Đàng, Tiền Giang. Ảnh: Trung Chánh
Mỗi năm tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng hải sản của Việt Nam đạt 1,9-2,2 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang EU chiếm khoảng 16-17%.
3 lựa chọn cho doanh nghiệp Việt
Khi bị áp dụng “thẻ vàng”, tần suất kiểm tra nguồn gốc khai thác của các container hàng sẽ tăng lên, thậm chí lên mức 100%, đồng thời bị giữ lại từ 3-4 tuần để kiểm tra. Như vậy, dù được thông quan thì doanh nghiệp cũng mất khoảng 600-700 EUR/container chi phí neo đậu cảng, bến bãi trong 4 tuần kiểm tra. Trường hợp bị trả về, riêng tiền vận chuyển cho mỗi container đã mất 4.000- 5.000 EUR, chưa tính tới thiệt hại hàng hóa. Việc “đội” chi phí quá lớn sẽ khiến doanh nghiệp Việt Nam khó có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước khác khi cùng xuất khẩu vào EU.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), các khách hàng tại EU sẽ rất e ngại việc bị phạt theo quy định IUU của Ủy ban châu Âu (EC) nên sẽ giảm hoặc ngừng mua hàng của các quốc gia đang bị “thẻ vàng”. Tên quốc gia bị cảnh báo sẽ được công khai trên các tạp chí và website chính thức của EU. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh, uy tín, thương hiệu của hải sản Việt.
Từ nay đến ngày 23/4/2018, để cải thiện những khuyến cáo từ EU, Việt Nam sẽ có ba lựa chọn: Thứ nhất, nếu Việt Nam triển khai đầy đủ các quy định của EC thì tình trạng cảnh báo sẽ được dỡ bỏ. Thứ hai, nếu việc triển khai các quy định của EU về IUU có tiến bộ, EC có thể gia hạn để hoàn thiện các nội dung còn thiếu. Thứ ba, trong trường hợp cảnh báo của EC không được thực hiện, EC sẽ “cấm cửa” các doanh nghiệp Việt xuất khẩu thủy sản vào một trong ba thị trường lớn nhất hiện nay của EU.
Cách thoát “cửa tử” của EU
“Thẻ vàng” sẽ ngay lập tức gây bất lợi cho ngành thủy sản. Nhưng ở góc độ lớn hơn, động thái của EU sẽ khiến ngành thuỷ sản Việt phải thay đổi cái nhìn về phát triển thuỷ sản bền vững. Theo đó, ngành thuỷ sản Việt Nam phải điều chỉnh thói quen khai thác, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để thoát “cửa tử” của EU.
Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành thủy sản Việt Nam cần thực hiện quyết liệt những kiến nghị của EU, thông qua các quy phạm pháp luật chứng minh cho cộng đồng châu Âu thấy rằng Việt Nam đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EU về hệ thống thể chế.
“Việc các doanh nghiệp cần làm là tập trung thay đổi quy trình về xác nhận, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, chứng nhận nguồn gốc nguồn lợi thủy sản. Đảm bảo các thông tin minh bạch được kiểm tra một cách đầy đủ và cần phải tăng cường các hệ thống giám sát hoạt động trên biển. Đồng thời, cần tăng cường ngăn chặn tàu cá của Việt Nam đi khai thác ở vùng biển nước ngoài”, ông Tuấn nói.
Được biết, Thủ tướng Chính phủ đang xem xét phê duyệt “Kế hoạch hành động quốc gia về ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp”, các địa phương cũng có kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình này, hỗ trợ ngư dân, doanh nghiệp thay đổi phương thức khai thác thuỷ sản, xây dựng thương hiệu sản phẩm ngành thuỷ sản Việt Nam.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã