Với lợi thế về kinh nghiệm cũng như khí hậu thuận lợi, ngành nông nghiệp Việt Nam đang lọt vào tầm ngắm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt khi Hiệp định hợp tác Kinh tế chiến lược Xuyên Thái Bình Dương (TPP) giữa 11 nước, trong đó có Hoa Kỳ, được ký kết, sẽ mang lại rất nhiều cơ hội mới và sự phát triển cho ngành nông nghiệp định hướng xuất khẩu của Việt Nam.
Top 10 ngành có chỉ số CAGR trung bình cao nhất Bảng xếp hạng FAST500 năm 2015. Nguồn: Vietnam Report |
Cơ hội xuất khẩu nông sản của Việt Nam từ TPP
Việt Nam hiện có 10,3 triệu hecta đất canh tác, phần lớn trong số đó được sử dụng cho nông sản xuất khẩu. Xuất khẩu nông sản ở Việt Nam hiện chiếm khoảng 20% tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cả năm 2014 ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Thặng dư thương mại của ngành ước đạt 9,5 tỷ USD tăng 7,7% so với năm 2013. Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu đều tăng giá trị so với năm 2013, tiêu biểu như: thủy sản đạt 7,92 tỷ USD; đồ gỗ và sản phẩm từ gỗ 6,54 tỷ USD; cà phê đạt 3,6 tỷ USD; rau quả đạt 1,47 tỷ USD; hạt tiêu đạt 1,2 tỷ USD; hạt điều đạt 2 tỷ USD.
Các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay đang tăng cường tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam. Khi Hiệp định Hợp tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TTP) được ký kết, sẽ làm tăng thêm cơ hội xuất khẩu nông sản cho Việt Nam. Theo một nghiên cứu vào năm 2014 của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Việt Nam nên tận dụng "tiềm năng phát triển thương mại nông nghiệp còn khiêm tốn" từ việc thực thi hiệp định TPP. Các mặt hàng cà phê và cao su đã "nhận đủ" ưu đãi từ các Thỏa thuận thương mại trước đó, nên TPP có lẽ sẽ mang lại lợi ích không nhiều cho nhóm hàng này. Tuy nhiên, gạo, khoai mì, hồ tiêu, các thực phẩm chế biến sẵn, và mật ong sẽ có nhiều cơ hội xuất khẩu hơn, trong khi thịt, sữa, và hoa quả dường như sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn do Mỹ sẽ gia tăng xuất khẩu các sản phẩm này vào Việt Nam khi hiệp định TTP được thực thi.
Cơ hội thu hút đầu tư từ cổ phần hoá ngành nông nghiệp
Việc cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước lớn ở Việt Nam được bắt đầu từ Nghị định 37 năm 2014, đang ngày càng ảnh hưởng đến lĩnh vực nông nghiệp. Chính phủ đã lên kế hoạch rút 3,2 nghìn tỷ đồng (150,6 triệu đô la) từ 167 doanh nghiệp trực thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT). Trong năm 2014, Chính phủ đã cổ phần hóa 776,2 tỷ đồng (36,5 triệu đô la) từ 28 doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), và cổ phần hóa 54 tỷ đồng (2,5 triệu đô la) từ Tổng công ty Lương thực miền Nam, đạt 17% mục tiêu cổ phần hóa. Cũng trong năm 2014, Bộ NN&PTNT cũng đã cổ phần hoá Tổng công ty Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tổng công ty Thủy sản Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty chè Việt Nam, Tổng công ty Sản phẩm nông sản và trái cây, Tổng công ty Lâm nghiệp Quốc gia Việt Nam, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, Tổng công ty Lương thực miền Nam Việt Nam, và Công ty rau quả Quốc gia Việt Nam.
Bộ NN&PTNN hiện duy trì mức đầu tư 3,6 nghìn tỷ đồng (167,6 triệu đô la) tại 13 tập đoàn và công ty, đồng thời dự kiến sẽ tiếp tục cổ phần hoá Tổng công ty Lâm nghiệp, Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp, 3 đơn vị thuộc Tổng Công ty Công nghiệp Cao su Việt Nam, 7 đơn vị thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam, và 5 đơn vị thuộc Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà đầu tư có quan tâm tìm kiếm cơ hội đầu tư thích hợp cho mình trong thời gian tới.
Những thách thức và giải pháp trước mắt
Bên cạnh những cơ hội, ngành Nông nghiệp hiện đang phải đối mặt với các thách thức bao gồm công nghệ thiếu tính cạnh tranh, cơ sở hạ tầng nghèo nàn, lực lượng lao động thiếu kĩ năng, và chất lượng sản phẩm xuất khẩu thấp, bên cạnh những thách thức môi trường như sự thay đổi khí hậu, sự dâng lên của mực nước biển, nạn phá rừng và sự xói mòn đất... Theo Quỹ Quốc tế bảo vệ Thiên nhiên (WWF), Việt Nam đã đánh mất 43% lượng rừng che phủ từ năm 1973 đến năm 2009.
Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam đang từng bước cải thiện quy trình nông nghiệp một cách nghiêm túc, đồng thời tích cực tìm kiếm các phương pháp bảo vệ môi trường, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, bao gồm đường giao thông và hệ thống thuỷ lợi. Chính phủ Việt Nam đã làm việc với Chính phủ các nước khác, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, nhằm tăng cường sự trao đổi công nghệ giúp xuất khẩu của Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn. Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư vào khoa học nông nghiệp tại các trường Đại học và các công ty đầu ngành. Hơn 10.800 nhà khoa học làm việc trong ngành nông nghiệp, với hơn 1 nghìn tỷ đồng (46.9 triệu đô la) hàng năm được chi cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thông qua Bộ NN&PTNT. Số tiền này chiếm hơn 1/3 tổng ngân sách nhà nước dành cho nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.
Có thể thấy, tiềm năng tăng trưởng và thu hút đầu tư của ngành nông nghiệp Việt Nam là khá lớn. Tuy nhiên những hạn chế còn tồn tại cũng là bài toán khó khăn cho Việt Nam, đòi hỏi sự đổi mới của các doanh nghiệp trong ngành từ quản lý tới công nghệ, từ đó đưa ngành nông nghiệp Việt Nam trở thành ngành tiềm năng tăng trưởng và hấp dẫn đầu tư trong thời gian tới đây.
Theo vietnamnet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã