Thiếu đầu tư, nhiều nông dân phải tự mày mò xây dựng trại giống. Trong ảnh: kỹ thuật viên của trại giống do ông Trương Đức Phú (Đà Lạt, Lâm Đồng) làm chủ đang sản xuất cây giống tại phòng nuôi cấy mô - Ảnh: MAI VINH |
Đó là ý kiến của nhiều đại biểu tại hội thảo tham vấn “Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn VN đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” do Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) và Đại học Mở TP.HCM tổ chức ngày 3-8 tại TP.HCM.
Có thật sự ưu tiên nông nghiệp?
"Nếu như chúng ta cứ tiếp tục phương thức sản xuất cũ (công nghệ, phân phối tư liệu sản xuất, đất đai...) thì không thể nào gia tăng được thêm năng suất cũng như đảm bảo được chất lượng" TS VŨ THÀNH TỰ ANH |
Các đại biểu cho rằng rất nhiều tuyên bố của các cấp chính quyền đưa ra trong thời gian qua là ưu tiên phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân nhưng thực tế lại không phải như vậy. TS Đặng Kim Sơn, viện trưởng Ipsard, cho biết nông nghiệp, nông thôn là nơi sinh sống của 70% dân số, đóng góp 20% GDP và 30% kim ngạch xuất khẩu nhưng được đầu tư không tương xứng. Trong khi đầu tư cho xã hội tăng lên ghê gớm từ hồi đổi mới đến nay thì đầu tư cho nông nghiệp rất ít, xét về tỉ lệ còn giảm đi.
TS Vũ Thành Tự Anh, giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, cho biết nhìn dưới góc độ tổng thể của nền kinh tế thì mức độ đầu tư cho nông nghiệp cách đây khoảng mười năm là 13-14% ngân sách nhưng hiện nay chỉ còn 6%. Như vậy, nếu nói về ưu tiên chính sách của Chính phủ thì không có nông nghiệp. “Bởi vì ưu tiên trong chính sách phải được thể hiện bằng ưu tiên trong ngân sách. Rõ ràng nông nghiệp không phải là lĩnh vực ưu tiên, và vì không ưu tiên nên khó khăn của nông nghiệp như hiện tại là điều hiển nhiên” - TS Vũ Thành Tự Anh nói.
Theo các chuyên gia, cần phải có sự đối xử công bằng với nông nghiệp như những gì mà ngành này đã đóng góp cho nền kinh tế. Nếu Chính phủ không nhìn lại một cách cơ bản về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng như nhìn lại những khiếm khuyết mà thời gian qua chúng ta đã làm sẽ không thể nào phát triển được.
Hướng về xuất khẩu
Theo TS Vũ Thành Tự Anh, nông nghiệp VN vẫn cần phải hướng về xuất khẩu, không chỉ để tạo ra công ăn việc làm, tạo ra nguồn ngoại tệ cho đất nước mà quan trọng hơn là tạo ra một động lực để nâng cao năng suất và tăng cường tính cạnh tranh. “Đó là điều mà doanh nghiệp VN đang rất thiếu và đang rất cần, đặc biệt khi chúng ta đang phải chịu sự cạnh tranh gay gắt” - TS Tự Anh nói.
PGS.TS Vũ Trọng Khải cho rằng nếu VN định hướng công nghiệp hóa thì đó phải là công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn tạo ra những đô thị nhỏ ở các vùng nông thôn, phát triển công nghiệp chế biến và dịch vụ cho kinh tế nông nghiệp nông thôn. Và để nâng cao sức cạnh tranh của nông nghiệp cần giải quyết hai vấn đề: tích tụ ruộng đất và đào tạo nông dân, trong đó giải quyết dứt khoát chính sách đất đai là bước đột phá. “Nếu cứ nhùng nhằng không rõ ràng về khái niệm chuẩn thì nông nghiệp nông thôn vẫn còn nhì nhằng trong phát triển” - PGS.TS Vũ Trọng Khải nói. Theo ông Khải, cứ cho đất đai là của sở hữu toàn dân nhưng phải coi quyền sử dụng đất là tài sản hàng hóa, tức là phải được trao đổi dẫn đến tích tụ ruộng đất. Nhà nước cũng cần bỏ khái niệm thu hồi đền bù đất mà phải mua quyền sử dụng đất của nông dân, tránh tình trạng lấy đất của dân một cách vô lý cho một số nhà đầu tư đầu cơ dự án. “Có như thế mới có những trang trại mới cơ giới hóa, sản xuất theo các tiêu chuẩn toàn cầu” - ông Khải cho biết.
Rất nhiều đại biểu cho rằng muốn thu hút đầu tư và phát triển nông nghiệp cần xem lại vấn đề quy hoạch. Theo ông Dương Nghĩa Quốc - giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp, quy hoạch về nông nghiệp là quy hoạch cho có vì “không đầu tư cho công tác đảm bảo quy hoạch, xử lý vi phạm quy hoạch”. Trong khi các chính sách để nâng cao năng suất không theo kịp thực tế.
TS Đặng Kim Sơn cho biết trong khi cả nước liên tục nhập siêu năm sau cao hơn năm trước thì nông nghiệp là ngành duy nhất thặng dư xuất khẩu ròng trong những năm qua. Đây là minh chứng mạnh mẽ nhất, rõ ràng nhất cho thấy lợi thế so sánh nổi bật của ngành nông nghiệp VN. Vì vậy, chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn mới mà Ipsard đang thực hiện để trình Bộ NN&PTNT cũng như Chính phủ sẽ gồm những giải pháp mang tính đột phá, hướng vào hai nội dung là phát triển giá trị gia tăng cao và bền vững thay vì tập trung vào tăng trưởng như trước đây.
Định hướng phát triển những năm tới * Trồng trọt: phát triển cây hàng hóa có khả năng cạnh tranh, hiệu quả cao phục vụ xuất khẩu và trong nước, phát triển ngành hàng mới có giá trị gia tăng cao như nấm, hoa, cây cảnh... * Chăn nuôi: phát triển theo lợi thế của từng vùng sinh thái theo hai phương thức sản xuất lớn, tập trung, công nghiệp và nâng cao chất lượng chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Xây dựng chuỗi chăn nuôi đồng bộ. * Thủy sản: ĐBSCL hình thành vùng chuyên thâm canh quy mô 20.000ha, tổ chức lại ngành thức ăn và thủy lợi thủy sản, nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ, nước ngọt... |
TRẦN MẠNH
- Theo VietnamNet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã