Theo đó, các giống chè chất lượng cao, được nhân giống bằng phương pháp giâm cành đưa vào trồng như giống chè LDP1, Phúc Vân Tiên, Kim Tuyên...
Chè Thái vốn đã đóng đinh với thương hiệu chè Trung Du lá nhỏ từ lâu. Tuy nhiên, vườn chè Trung Du già cỗi khiến năng suất, chất lượng ngày một giảm sút.
Cơ cấu giống chè chuyển dịch mạnh mẽ mang lại hiệu quả trên cả 3 mặt là năng suất, chất lượng và giá trị cho sản phẩm chè |
Năm 2001 là mốc quan trọng định vị việc bắt tay vào công cuộc thực hiện dự án phát triển chè của tỉnh Thái Nguyên. Mục đích quan trọng của chương trình là cải tạo, trồng mới, trồng thay thế những nương chè Trung Du già cỗi có năng suất thấp, chất lượng sụt giảm. BQL Dự án chè của tỉnh được thành lập. Ban có trách nhiệm tổng hợp nhu cầu diện tích trồng mới, trồng thay thế chè hàng năm từ các địa phương, qua đó, xây dựng kế hoạch triển khai đến cán bộ Dự án chè của từng địa bàn.
Đơn vị kiểm soát chất lượng vườn chè đầu dòng, vườn giống gốc là Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật. Ông Lương Văn Vượng, Chi cục trưởng cho biết, điều kiện để sản xuất hom chè giống là vườn chè phải có nguồn gốc, xuất xứ, đủ 5 tuổi trở lên, không bị cớm. Chè không bị sâu bệnh, đạt năng suất, chất lượng cao; hom đẹp, bánh tẻ, không có hom cành tăng, nhỏ lẻ... Từ đó, đoàn thẩm định mới cấp chứng nhận cho chủ vườn đủ điều kiện sản xuất hom giống.
Nguồn hom chè được các chủ vườn ươm mua về giâm hom. Đến đây, một đơn vị khác được chỉ định lại tiếp tục kiểm soát chất lượng sản xuất của các vườn ươm. Ông Hà Trọng Tuấn, Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giống và vật tư hàng hóa nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên cho biết, hàng năm, đơn vị thực hiện 2 đợt kiểm tra đối với các vườn ươm.
Đợt 1 vào tháng 1 hoặc tháng 2 dương lịch. Nội dung kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ của giống, quy mô ươm và đánh giá tỷ lệ sống của hom chè giống.
Đợt 2 kiểm tra trước khi nhà vườn xuất bán, thường là vào tháng 7 dương lịch. Ngoài tiếp tục thẩm định các nội dung như đợt kiểm tra thứ nhất, lần này, Trung tâm kiểm định còn phải đánh giá các chỉ tiêu, yêu cầu kỹ thuật như chiều cao cây, số lá thật, tỷ lệ hóa gỗ, việc mở mái che để giúp hom giống thích nghi với tự nhiên, tỷ lệ xuất vườn... Trung tâm sẽ cấp giấy chứng nhận cho vườn ươm đủ điều kiện bán chè giống.
Chuyển dịch cơ cấu giống được coi là khâu đột phá trong thực hiện Đề án tổng thể phát triển chè của Thái Nguyên |
Khi vườn ươm được cấp chứng nhận thì BQL Dự án chè của tỉnh tổ chức đấu thầu để xây dựng hợp đồng cung ứng giống cho các địa phương. Việc phân bổ, cung ứng chè giống lại được hệ thống cán bộ của BQL Dự án chè từ tỉnh đến cơ sở giám sát chặt chẽ.
Ngoài xác định rõ bộ cơ cấu và phân giao nhiệm vụ cho cơ quan thường trực quản lý đường đi của giống chè, tỉnh Thái Nguyên còn xây dựng cơ chế chính sách để kiểm soát chất lượng nguồn giống. Ông Nông Văn Kiên, cán bộ Dự án chè tại huyện Định Hóa cho biết, dù chưa phải là vựa chè của Thái Nguyên song hầu hết người làm chè ở Định Hóa đều nhận biết được chất lượng của hom giống chè. Người dân có quyền không đồng ý, không nhận giống chè không đảm bảo chất lượng do nhà thầu cung ứng. Như vậy, chắc chắn là không có, càng không thể có việc bán lẫn giống kém chất lượng vào số lượng giống đã thẩm định và cho lưu hành.
Ông Dương Văn Lượng, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Linh Lượng, doanh nghiệp chuyên sản xuất, cung ứng giống cây trồng tại huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên cho biết, các nhà vườn ngoài việc được cơ quan quản lý Nhà nước thẩm định, cấp phép cũng tự biết là phải làm được chè giống đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng thì mới được người làm chè chấp thuận sử dụng.
Theo ông Hoàng Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên - Trưởng BQL Dự án chè, tỉnh ban hành hàng loạt chính sách khuyến khích cho cây chè, đặc biệt là việc thực hiện trợ giá giống cho diện tích trồng mới và trồng lại chè chất lượng tốt, mức trợ giá từ 30 - 100%. Chính từ nguồn ngân sách như vậy mà tỉnh đã chỉ định được các đơn vị quản lý Nhà nước kiểm tra tiêu chuẩn, thẩm định và cấp phép cho sản xuất, cung ứng giống chè. Những nhà vườn không tham gia vào quy trình trên thì không thể có nguồn hom giống gốc để sản xuất, nếu có cũng rất khó để bán giống vì quy mô diện tích đã được thống kê, khoanh vùng và có kế hoạch cụ thể cho từng xóm, từng xã.
Ảnh: Đ.V.T |
Việc chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu giống chè đã mang lại sự nhảy vọt cả về chất và lượng cho chè Thái Nguyên. Nếu như năm 1997, Thái Nguyên mới có 10.952 ha chè, năng suất bình quân đạt 31,48 tạ/ha thì đến năm 2009, diện tích là 17.309 ha, năng suất đạt 98,96 tạ/ha. Có thể thấy, sau hơn 10 năm, dù diện tích chưa tăng gấp đôi nhưng sản lượng chè đã tăng gấp 4 lần.
Đến năm 2011, Thái Nguyên có gần 18.200 ha chè, năng suất đạt gần 109 tạ/ha, cao hơn năm 2010 gần 2 tạ/ha/năm, sản lượng đạt trên 181.000 tấn (gấp hơn 7 lần so với năm 1997).
Bình quân mỗi năm, Thái Nguyên trồng mới và trồng thay thế chè bằng giống mới là 1.000 ha. Năm 2011, diện tích chè Trung Du chiếm 65,3%, chè giống mới chỉ chiếm 34,7% tổng diện tích. Đến năm 2015 diện tích chè giống mới đã chiếm 62,4%. Đến năm 2017, diện tích chè giống mới chiếm 71% đạt 15.480 ha (trong đó, giống chè LDP1 chiếm 70,2%; Kim Tuyên, Thúy Ngọc 12,1%; Phúc Vân Tiên 9%, giống TRI777 7%, các giống chè mới khác chiếm 1,7%.
Việc chuyển dịch mạnh mẽ nói trên cơ bản là do năng suất, chất lượng và giá trị của các loại chè giống mới, nhất là năng suất cao hơn hẳn so với giống chè Trung Du. Trong khi, chè Trung Du cho năng suất khoảng 70 - 80 tạ/ha thì năng suất trung bình của chè giống mới đạt từ 110 - 130 tạ/ha. Cá biệt chè LDP1 có thể cho năng suất đạt tới 150 - 160 tạ/ha.
Thái Nguyên đặt mục tiêu phấn đấu đưa ngành hàng chè đứng đầu cả nước về các chỉ tiêu sản xuất, giá trị và hiệu quả kinh tế, văn hóa xã hội và môi trường. Mục tiêu đến năm 2020, Thái Nguyên xác định chè Trung Du chỉ còn chiếm 20% diện tích; các giống mới chiếm 80% diện tích. Trong đó, các giống được ưu tiên để sản xuất chè xanh chất lượng cao là LDP1 và các giống chè nhập nội như Kim Tuyên, Phúc Vân Tiên... 100% diện tích chè thuộc vùng sản xuất nguyên liệu tập trung được áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất chè an toàn, chất lượng; ít nhất có 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP, GAP khác; thực hiện chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, Thái Nguyên đã thông qua và triển khai cơ chế chính sách. Nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; 50% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm; 100% cho đào tạo tập huấn về xây dựng, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên. Hỗ trợ 50% giá giống chè trồng mới và trồng thay thế; 40% kinh phí xây dựng mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ về vật tư, phân bón, chế phẩm sinh học... (Ông Hoàng Văn Dũng, Trưởng BQL Dự án chè, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thái Nguyên) |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã