Quan tâm môi trường sống cho cá
Nếu như đầu tư một công đất trồng lúa, lợi nhuận cao lắm cũng chỉ 5 - 6 triệu đồng/năm thì đầu tư nuôi trồng thủy sản, lợi nhuận mỗi năm lên đến 30 - 40 triệu đồng/công, cao gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều người vẫn ngán ngại nuôi thủy sản bởi khi gặp dịch bệnh, có thể mất trắng, thua lỗ nặng. Để hạn chế tốt nhất vấn đề dịch bệnh cũng như rủi ro trong nghề nuôi thủy sản, người nuôi cần lưu ý đến điều kiện môi trường, kỹ thuật nuôi cũng như có biện pháp phòng ngừa sớm.
Trước hết, phải lựa chọn địa điểm nuôi để chủ động nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt, nguồn nước có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Khu vực nuôi thủy sản cần phải xa khu dân cư, tránh tiếng ồn để hạn chế cá bị hoảng loạn, chúi xuống bùn đáy ao mà chết. Ao phải thông thoáng, không có bóng cây che mát để hứng ánh sáng cho tảo quang hợp, đồng thời tiếp nhận gió tốt, giúp cho quá trình hòa trộn ô-xy trong không khí làm tăng dưỡng khí cho cá hô hấp và kiểm soát lượng tảo phát triển trong ao, hạn chế tảo nở hoa gây mất ô-xy về đêm.
Hệ thống ao nuôi phải có cống cấp và cống xả chủ động. Cống xả phải đặt sát đáy ao và được thiết kế ở nơi có đáy ao thấp nhất. Nếu có điều kiện, cống xả có thể được thiết kế thêm co mềm để có thể linh hoạt hơn trong việc xả các tầng nước mặt, giữa hoặc đáy. Xung quang mé bờ ao nên trồng cỏ chỉ để hạn chế sạt lở và rửa trôi khi trời mưa nhưng phải kiểm soát không cho cỏ mọc cao quá sẽ làm chỗ cư ngụ cho một số loài địch hại như ếch, nhái.
Trong quá trình nuôi thủy sản, việc diệt cá tạp là yếu tố quan trọng quyết định tỷ lệ sống và hệ số chuyển hóa thức ăn. Có thể cải tạo ao bằng cách bắt cá thủ công hoặc dùng dây thuốc cá đâm nhuyễn, vắt bỏ xát hòa vào nước tạt đều đáy ao, liều lượng 8-10kg/1.000m2 với mức nước 10-20cm. Rải vôi diệt khuẩn vào lúc trời nắng với định lượng 70-100kg/1.000m2, tùy thuộc vào vùng đất nhiễm phèn nhiều hay ít mà điều chỉnh cho hợp lý. Cấp nước vào ao sau khi phơi đáy 2-3 ngày. Dùng lưới cước bao đầu bọng, ngăn không cho cá tạp vào ao.
Việc lựa chọn con giống là rất quan trọng. Con giống đều cỡ là yêu cầu cần thiết quyết định sự thành công của vụ nuôi. Hiện nay, vướng mắc của người nuôi là tình trạng con giống có tỷ lệ đồng đều rất cao nhưng hoàn toàn là con giống đã qua chặt lồng nên đa phần là con giống đèo, đẹt. Gặp phải nguồn con giống này thì đầu tư thức ăn nhiều nhưng sản lượng thu lại không được bao nhiêu nên điều quan trọng nhất là phải chọn mua ở những cơ sở có uy tín, chất lượng.
Phòng bệnh là chính
Để thủy sản phát triển tốt, cần cho ăn theo nguyên tắc “4 định” (định chất, định lượng, định địa điểm và định thời gian). Chất lượng thức ăn được phối chế phù hợp với từng giai đoạn của cá nuôi. Nếu cho ăn không đủ hàm lượng đạm theo nhu cầu của cá sẽ gây nên tình trạng còi cọc, chậm lớn, chu kỳ nuôi kéo dài. Ngược lại, hàm lượng đạm cao sẽ gây nên tình trạng cá tiêu hóa không hết, thải phân nhiều gây ô nhiễm nguồn nước, dễ sinh mầm bệnh trong ao nuôi, lãng phí thức ăn, tăng giá thành nuôi. Mỗi giai đoạn cá nuôi đều có những kích cỡ thức ăn, hàm lượng đạm, khẩu phần ăn khác nhau. Do vậy, nên cho cá ăn theo hướng dẫn của nhà sản xuất, đồng thời định kỳ 2 lần/tuần trộn bổ sung men tiêu hóa để cá tiêu hóa tốt thức ăn. Chọn những công ty sản xuất thức ăn có uy tín, chất lượng, tránh tình trạng sản phẩm khi kiểm tra không đúng như nhà sản xuất công bố trên bao bì sản phẩm.
Trong quá trình quản lý và chăm sóc cá, cần tuân thủ theo nguyên tắc “phòng bệnh là chính”. Cá nuôi bị bệnh khi hội đủ 3 yếu tố là môi trường nuôi ô nhiễm, mầm bệnh phát sinh đủ số lượng và sức đề kháng cá nuôi suy giảm. Nếu kiểm soát được 1 trong 3 yếu tố trên, sẽ hạn chế dịch bệnh cho cá nuôi.
Môi trường ao nuôi được kiểm soát bằng cách định kỳ thay nước, tầng suất thay nước tăng dần theo giai đoạn phát triển của cá. Cần kiểm soát tảo phát triển ở giai đoạn nửa chu kỳ nuôi đến khi thu hoạch bằng các hóa chất như phèn xanh liều lượng 0,2-0,3ppm (200-300g/1.000m2). Định kỳ xử lý nửa tháng/lần vào lúc nắng lên là lúc tảo bắt đầu quang hợp sẽ đạt hiệu quả cao nhất. Định kỳ 2 lần/tuần trộn bổ sung Vitamin C vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá nuôi. Quản lý tốt nền đáy ao bằng hệ men vi sinh nền đáy định kỳ 2-3 tuần/lần.
Trước khi thu hoạch phải ngưng cho cá ăn 1-2 ngày để cá thải hết lượng thức ăn trong cơ thể. Cá trong tình trạng không no sẽ có sức sống tốt trước các hoạt động đánh bắt và vận chuyển, hạn chế thất thoát giá do cá chết, góp phần tăng lợi nhuận cho người nuôi.
Theo Báo An Giang Online
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã