Ngày 24/4, làm việc với Ủy ban Kinh tế Quốc hội (UBKTQH) về tình hình triển khai nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2014, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định hiệu quả thấy rõ của chương trình xây dựng Nông thôn mới, là niềm tin trong nhân dân được củng cố…
Chính sách không rõ ràng, không thể thu hút đầu tư
Trao đổi với Bộ trưởng Cao Đức Phát, các thành viên UBKTQH quan ngại những vấn đề còn tồn tại trong sản xuất nông nghiệp như: năng lực chế biến bảo quản sau thu hoạch, tổ chức thị trường tiêu thụ nông sản, phát triển thủy sản, đầu tư hạ tầng sản xuất nông nghiệp…
Chủ nhiệm UBKTQH Nguyễn Văn Giàu cho rằng trong những năm gần đây tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm, đầu tư hạ tầng dành cho sản xuất nông nghiệp còn yếu chưa đáp ứng được nhu cầu của nhân dân, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây Nam bộ nhu cầu đầu tư công trình thủy lợi rất lớn nhưng chưa có hoặc một số nơi đã có hồ đập nhưng không có kênh tuyến thủy lợi cấp hai nên sản xuất, nuôi trồng thủy sản còn gặp nhiều khó khăn.
UBKTQH đề nghị Bộ NN-PTNT có giải pháp nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp, phối hợp cùng các địa phương đầu tư hạ tầng sản xuất nhằm tháo gỡ khó khăn cho nông dân.
Lý giải nguyên nhân dẫn tới tốc độ tăng trưởng nông nghiệp suy giảm trong nhiều năm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết hầu hết các nhân tố tạo nên sự tăng trưởng của ngành nông nghiệp trong những năm qua đều giảm nên tất yếu dẫn tới khó khăn.
Thứ nhất, sản xuất nông nghiệp luôn gắn liền với nhân tố đất đai nhưng trong khoảng 10 năm trở lại đây đất đai phục vụ cho sản xuất nông nghiệp có xu hướng giảm.
Thứ hai, về đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nghị quyết QH đã quy định ngân sách nhà nước đầu tư nông nghiệp của 5 năm sau phải tăng gấp đôi nhưng thực tế hiện nay tổng giá trị đầu tư xã hội vào nông nghiệp lại giảm mạnh.
Thứ ba, các yếu tố tổng hợp gồm khoa học kĩ thuật, nhân lực và chính sách thì chỉ có khoa học kĩ thuật có tiến bộ còn về nhân lực không có dấu hiệu được cải thiện nhiều và cải cách thể chế cũng đang xu hướng chững lại. Vì vậy theo Bộ trưởng, muốn nông nghiệp tăng trưởng mạnh cần phải quản lý tốt tài nguyên đất, đảm bảo nguồn lực đầu tư và duy trì một chính sách ổn định.
Trong bối cảnh hiện nay, ngân sách nhà nước còn hạn chế thì việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực nông nghiệp rất cần thiết nhưng thời gian gần đây đầu tư FDI vào nông nghiệp lại giảm mạnh. “Đầu tư FDI giảm xuống là thất bại trong chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp. Nhà đầu tư cần nhất là chính sách ổn định nếu chính sách của chúng ta không rõ ràng thì không nhà đầu tư nào dám vào”, Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Bộ trưởng lấy ví dụ, thuế VAT là thuế đánh vào người tiêu dùng nhưng người nông dân đi mua phân bón, mua thức ăn chăn nuôi là vật tư đầu vào để sản xuất lại phải chịu thuế VAT, nên giá vật tư đầu vào tăng cao. Bất hợp lý hơn nữa là doanh nghiệp mua nông sản của người nông dân để xuất khẩu thì lại được hoàn thuế này. Đây là một trong những bất hợp lý của chính sách cần được sửa đổi. Bộ NN- PTNT cũng đã đề xuất rất nhiều chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho người nông dân tuy nhiên cần phải có sự ủng hộ của Chính phủ, QH và Bộ Tài chính. |
Đối với đầu tư trong nước, quan điểm của Bộ trưởng cũng cần phải có chính sách khuyến khích đặc thù cho phát triển nông nghiệp bởi mỗi đồng đầu tư vào hàng không, cảng biển có thể tác động đến 1 triệu người còn nếu đem đầu tư cho nông nghiệp sẽ tác động đến hàng chục triệu người. Một chính sách giảm thuế cho doanh nghiệp chế biến nông sản sẽ liên quan đến hàng triệu hộ nông dân, tuy nhiên cho đến nay các chính sách đầu tư nông nghiệp vẫn chưa thỏa đáng.
“Ngành tôm đem lại giá trị xuất khẩu trên 3 tỉ USD/năm nhưng chúng ta đã đầu tư được bao nhiêu cho ngành tôm?”, Bộ trưởng nói. Hiện còn tồn tại rất nhiều quy định bất cập không phù hợp với nhà nông nhưng chưa được giải quyết.
Nông thôn đang thay đổi
Về xây dựng nông thôn mới, UBKTQH đề cập đến khó khăn trong huy động nguồn lực tại các tỉnh miền núi. Nhân dân ở đây còn nghèo chỉ có thể đóng góp công sức, đất đai nhưng không thể đóng góp tiền để làm vốn đối ứng xây dựng các công trình đường sá, nhà văn hóa… Trong khi ở các tỉnh miền xuôi công tác xây dựng nông thôn mới lại nghiêng về phần đầu tư hạ tầng nông thôn mà chưa quan tâm nhiều đến đầu tư cho sản xuất.
Ông Cao Sĩ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN cho rằng sau hơn 3 năm triển khai, nhiều địa phương đã xây dựng được trụ sở ủy ban, đường, trường…, bộ mặt nông thôn đã trở nên khang trang hơn trông rất có khí thế nhưng phần đầu tư cho nông nghiệp chưa được rõ nét. Có lẽ vì đầu tư nông nghiệp là phần việc rất khó thể hiện nên lãnh đạo các địa phương chưa thực sự quan tâm.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, do điều kiện đặc thù của từng địa phương nên mỗi nơi có một phương pháp triển khai xây dựng nông thôn mới khác nhau, tuy nhiên có thể chắc chắn rằng nông thôn hiện nay đang thực sự thay đổi nhờ chương trình xây dựng nông thôn mới. Tại các địa phương, phong trào xây dựng nông thôn mới được biểu hiện rõ bằng hành động, các dự án đầu tư đúng tiến độ.
“Việc làm được hạ tầng cơ sở đã chứng minh các tổ chức Đảng của chúng ta đang làm thật và nói dân nghe. Như vậy là chúng ta đã đạt được nhiều mục tiêu cả về kinh tế, chính trị, xã hội”, Bộ trưởng nhận định. Đối với đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp là hoạt động lâu dài mà Bộ NN-PTNT vẫn đang từng bước phối hợp cùng các địa phương triển khai thực hiện.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã