Học tập đạo đức HCM

Dạy nghề cho nông dân và bài toán “đầu ra”

Thứ năm - 08/11/2012 03:17
Để Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp và đầu tư của trường nghề.

Nông dân và muôn nẻo học nghề

Tới trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành (Nghệ An), chúng tôi bắt gặp những nữ thanh niên trong đồng phục xanh, đang cần mẫn bên từng cây kim, sợi chỉ, cây kéo với âm thanh rộn ràng của tiếng máy khâu trong phòng học may; hay những chàng trai miệt mài với chiếc cờ-lê, kìm, búa… cạnh những chiếc máy công nghiệp, những chiếc giường tầng thành phẩm… trong xưởng sản xuất. Họ là con em của địa phương đang tham gia lớp học may công nghiệp, kỹ thuật hàn hơi, được tổ chức tại trường theo đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn huyện Yên Thành đến năm 2020”.

Em Nguyễn Thị Thảo, xã Nhân Thành, Yên Thành tốt nghiệp THPT năm 2012, thi đại học nhưng không đỗ, bố mẹ làm nông nghiệp, nhà lại đông anh chị em, được cán bộ xã hướng dẫn, Thảo quyết định đăng ký theo học nghề may công nghiệp tại trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành.

Những học viên lớp may công nghiệp

Nhìn đôi tay nhỏ nhắn với lát cắt thành thạo, không ai nghĩ em mới theo học được 2 tháng tại đây. Thảo cho biết, em sẽ cố gắng theo học nghề may, đạt tay nghề vững vàng để được nhận vào một công ty may của Nhật Bản đóng chân tại địa phương. Hoặc chí ít cũng trang bị cho mình “chiếc cần câu” để có thể tự thân lập nghiệp.

Là một học viên thuộc lứa tuổi “đàn chị” trong lớp, chị Nguyễn Thị Thu (sinh năm 1980, ở xã Hợp Thành, Yên Thành) cho biết: Vợ chồng chị đã có 2 con nhỏ, cháu lớn học lớp 3, cháu bé đi mẫu giáo. Ngoài 2 sào ruộng, chị tranh thủ chạy chợ kiếm thêm đồng ra đồng vào, tuy nhiên, thu nhập rất bấp bênh. Được gia đình ủng hộ, chị tham gia học lớp may công nghiệp với hy vọng sau này được nhận vào công ty may nào đó, có đồng lương ổn định, đỡ vất vả hơn.

Tiếp chúng tôi với đôi tay lấm lem dầu mỡ, Trần Văn Ninh (17 tuổi, ở xã Công Thành, Yên Thành) cho biết: Em học hết cấp 2 thì nghỉ học vì gia đình khó khăn, bố mẹ để 3 anh chị em Ninh cho ông bà nội rồi vào Bình Dương làm ăn. Ninh được địa phương tạo điều kiện cho theo học nghề cơ khí từ năm 2010, đến nay em đã tương đối lành nghề. Song, trước mắt chàng trai trẻ là nỗi lo tìm việc làm ổn định, có thu nhập tương xứng sau khi ra trường.

 

Hoàn cảnh đưa anh Phan Văn Bình, 54 tuổi nhà ở xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành đến với lớp học nghề có phần khá đặc biệt. Là một nông dân “chính hiệu”, gia đình anh hiện đang canh tác 4 mẫu ruộng và sở hữu trong tay 2 máy cày, 1 máy tuốt. Cách đây vài tháng, một trong những chiếc máy của anh bị hỏng. Tìm khắp trong làng, ngoài xã vẫn chẳng được thợ sửa máy, dù đã qua tuổi cắp sách đến trường từ lâu, nhưng anh vẫn quyết định đăng ký lớp học nghề ngắn hạn, với mong muốn tự sửa máy và có thể mở cửa hàng, phục vụ bà con địa phương.

Tạm biệt trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành, chúng tôi tới thăm cơ sở sản xuất nấm của anh Nguyễn Thọ Hạnh, ở xóm Sơn Thành, xã Nam Thành cùng huyện. “Khởi nghiệp” với cây nấm từ tháng 5/2011 – sau khi kết thúc khóa học trồng nấm do Ban Khuyến nông huyện Yên Thành tổ chức, đến nay, anh nông dân 31 tuổi này đã có trong tay một trang trại quy mô với đủ loại nấm như nấm mèo, nấm mỡ, nấm rơm, kể cả nấm linh chi… 6 tháng đầu năm nay, anh đã thu hoạch được 32 tấn nấm thành phẩm, cho lãi hơn 100 triệu đồng. Cả năm nay cơ sở nấm của anh hứa hẹn sẽ cung cấp khoảng 105 tấn nấm thành phẩm ra thị trường.

Anh Hạnh trong trang trại nấm

Anh Hạnh cho biết, sau khi theo học khóa trồng nấm đầu tiên của xã, anh được lãnh đạo xã tạo điều kiện cho mượn khu đất cũ của trường THCS Nam Thành, đồng thời xã hỗ trợ vốn 100% và 50% tiền giống. Đến nay, anh là một trong số 8 hộ gia đình tại Nam Thành chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ cây lúa sang trồng nấm. Về lâu dài, điều anh Hạnh và bà con Nam Thành mong muốn là cần có những cam kết mang tính dài hơi từ phía doanh nghiệp, bảo đảm vững chắc cho “đầu ra” của cây nấm.

Cần sự phát triển bền vững

Ông Nguyễn Viết Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Thành cho biết, để triển khai thực hiện Nghị quyết 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020, UBND huyện đã xây dựng Đề án “Đào tạo nghề cho lao động huyện Yên Thành đến năm 2020”. Đây là một trong 15 đề án, chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội huyện Yên Thành giai đoạn 2011 – 2020.

Đặc biệt, huyện chú trọng liên kết theo mô hình “4 nhà” (Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông). Theo đó, đến nay trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành đã tổ chức được 31 lớp cho 870 lao động nông thôn địa phương, với các nghề như: chăn nuôi thú y, may công nghiệp, hàn điện – hàn hơi, kỹ thuật trồng nấm, sinh vật cảnh, mây tre đan, kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản… Cơ sở dạy nghề đã liên kết, ký kết với các doanh nghiệp tìm “đầu ra” cho sản phẩm.

Đối với cây nấm, UBND huyện ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Trung tâm giống nấm Bắc Giang, bên cạnh đó, nhiều cơ sở tiêu thụ nấm đã được hình thành tại địa bàn, sẵn sàng chờ mùa thu hoạch. Huyện cũng tuyển dụng một kỹ sư là chị Nguyễn Thị Thu, là người địa phương, tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế năm 2006, về trực tiếp hỗ trợ kỹ thuật cho bà con trồng nấm.

Bà con tham gia lớp học trồng nấm

Đối với nghề may công nghiệp, hiện tại phần lớn số lao động được đào tạo nghề được bố trí làm việc tại Công ty TNHH may Lan Lan (Nhật Bản) tại tỉnh Thái Bình và các huyện lân cận như Diễn Châu, Đô Lương. Dự kiến cuối năm 2013, nhà máy may Lan Lan sẽ được hoàn thành và đưa vào hoạt động tại thị trấn Yên Thành. Đây thực sự là “điểm đến” lý tưởng của lao động nông thôn được đào tạo nghề may tại địa phương.

Ông Nguyễn Viết Hưng cho biết thêm: Gần đây, Công ty Jumine của Nhật Bản đã có đơn đặt hàng cho trường Trung cấp nghề kỹ thuật công nông nghiệp Yên Thành, trong đó năm 2012 là 50 lao động may công nghiệp. Phía Nhật Bản hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo và trang thiết bị. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng đối với những người làm công tác dạy nghề tại Yên Thành.

Với dân số 282.000 người, trong đó tổng số lao động 152.633 người với 71,90% trong lĩnh vực nông nghiệp, bài toán đặt ra cho Yên Thành là tạo công ăn việc làm có tính bền vững cho nông dân.

Tuy nhiên, theo các lãnh đạo địa phương, bài toán phát triển bền vững cho công tác dạy nghề - việc làm đối với lao động nông thôn ở Yên Thành nói chung, Nghệ An nói riêng còn rất nan giải, bởi lao động địa phương chưa thực sự mặn mà với học nghề; giáo viên thậm chí phải đi đến từng nhà “mời” học viên đến lớp.

Bên cạnh đó, giáo cụ dạy nghề còn lạc hậu, thiếu đồng bộ, cho nên học viên ra trường không bắt nhịp được với công việc; những dự án liên kết vẫn đang ở trong giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”. Do đó, điều quan trọng đặt ra là công tác dạy nghề cần gắn doanh nghiệp, cũng như sự vào cuộc của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương./.

Ngày 29/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 2011 – 2020, trong đó nêu rõ: Đến năm 2020, dạy nghề đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập325
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm324
  • Hôm nay48,974
  • Tháng hiện tại845,672
  • Tổng lượt truy cập90,909,065
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây