Trong thông cáo chung này, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và Bộ trưởng Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cùng nhấn mạnh: “Trong dịp Tết Nguyên đán, việc di chuyển đi lại của người dân cũng như việc tiêu thụ gia cầm đều tăng đáng kể, do đó cần có sự quan tâm đúng đắn. Nguy cơ phơi nhiễm với cúm gia cầm ở cả người và gia cầm đều cao hơn trong giai đoạn này. Chúng tôi khẳng định rằng gia cầm vẫn an toàn để tiêu thụ miễn là được chế biến đúng cách và nấu chín".
Từ khi bùng phát vào cuối tháng 4/2013 đến nay, cúm gia cầm A(H7N9) đã lây bệnh cho gần 250 người, 96 ca đã tử vong. Ảnh: Reuters. |
Hai Bộ trưởng khuyến cáo, thực hành vệ sinh tốt khi mua và chế biến các sản phẩm gia cầm là biện pháp hiệu quả nhất mà mọi người có thể làm để bảo vệ sức khỏe của họ.
Từ đầu năm đến ngày 28/1, Trung Quốc đã ghi nhận 96 ca nhiễm cúm A(H7N9), 19 trường hợp tử vong. Chưa có bằng chứng về lây truyền bền vững từ người sang người và khả năng lây lan của virus này trong phạm vi cộng đồng là thấp. |
Đến nay vẫn chưa phát hiện virus cúm A(H7N9) tại Việt Nam ở cả người và gia cầm.
Bộ Y tế Việt Nam đã kích hoạt tất cả các cấp của hệ thống y tế trên toàn quốc và tăng cường giám sát nhằm đảm bảo phát hiện sớm các trường hợp mắc cúm đầu tiên tại Việt Nam. Trung tâm Cúm Quốc gia tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh đang sẵn sàng tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm để chẩn đoán virus cúm A(H7N9) trên người.
Các bệnh viện và nhân viên y tế đã được chỉ đạo tăng cường các công tác phòng chống và kiểm soát lây nhiễm, báo cáo và theo dõi chặt chẽ các bệnh nhân bị nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng. Các cơ sở y tế đã được đôn đốc việc chuẩn bị thuốc men, trang thiết bị và phòng cách ly, sẵn sàng cho việc điều trị bệnh nhân.
Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành những chỉ thị về việc triển khai các biện pháp ngăn ngừa khẩn cấp tất cả các virus cúm gia cầm: H5N1, H7N9 và H10N8. Bộ đang thắt chặt kiểm dịch vệ sinh tại các chợ bán gia cầm sống và tăng cường nỗ lực kiếm soát buôn bán gia cầm trái phép tại các khu vực biên giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc đang hỗ trợ trong việc giám sát, xét nghiệm chẩn đoán và truyền thông nguy cơ. Tiến sỹ Takeshi Kasai, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam và ông Jong Ha Bae, trưởng đại diện FAO tại Việt Nam cùng tuyên bố: “Mặc dù virus cúm A(H7N9) chưa được phát hiện tại Việt Nam, chúng tôi kêu gọi việc đề cao cảnh giác hơn nữa trong dịp Tết Nguyên đán”.
Các tổ chức khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa như: rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước sạch, ăn các thực phẩm gia cầm nấu chín. Khi đến các chợ gia cầm sống nên sử dụng thiết bị bảo hộ đúng cách (găng tay, mặt nạ, quần áo bảo hộ).
Bệnh nhân nhiễm virus cúm A(H7N9) có các triệu chứng nhiễm trùng hô hấp cấp tính, có thể tiến triển nhanh, trầm trọng và dễ dẫn đến tử vong. Do đó, những người có triệu chứng về hô hấp cấp tính, sốt, ho và khó thở nên đi khám và được điều trị ngay.
Nam Phương
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã