Do không thực hiện nghiêm túc yêu cầu về bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hóa và đào tạo nghề, ngoại ngữ và những kiến thức cần thiết cho những người tham gia xuất khẩu lao động nên không ít lao động buộc phải về nước trước hạn. Họ không thích ứng được với điều kiện và môi trường hoàn toàn khác biệt ở nước ngoài.
Giờ đây, người lao động, chính quyền các huyện nghèo đều thấy…"sợ" với chương trình này. Một chính sách nhân văn đang đứng trước nguy cơ phá sản, gây mất niềm tin đối với người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số. Vậy cần phải làm gì để tiếp tục thực hiện Đề án này?
Hậu quả từ việc “đem con bỏ chợ”
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Quảng Nam, tính đến tháng 4/2014, số lao động đã về nước của địa phương này hơn 550 người, trong đó về nước trước thời hạn là 225 người. Đáng chú ý, huyện Nam Trà My có đến 191/392 lao động về nước trước thời hạn; huyện Tây Giang có 27/45 lao động về nước trước thời hạn. Còn theo Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, từ đầu năm đến nay đã có hơn 90 lao động về nước, trong đó có khoảng 40 lao động về nước trước hạn. Trên 80% số lao động về nước trước thời hạn không có điều kiện trả nợ.
Làng quê của đồng bào Cơ Tu ở huyện miền núi Tây Giang - Quảng Nam vẫn chưa thể thoát nghèo dù nhiều hộ dân được đi "xuất khẩu lao động"
Trước khi đi, người tham gia xuất khẩu lao động được bảo lãnh vay Ngân hàng Chính sách xã hội địa phương từ 23 đến 25 triệu đồng, nộp cho công ty môi giới xuất khẩu lao động. Số tiền này trang trải cho các chi phí như vé máy bay, phí môi giới, phí quản lý lao động… Vì vậy, khi buộc phải về nước trước thời hạn, họ bị thiệt đơn thiệt kép. Không những trắng tay, người lao động còn gánh khoản nợ ngân hàng hàng chục triệu đồng.
Như vậy, đồng tiền của Nhà nước đã không phát huy được hiệu quả như mục tiêu đặt ra, chưa thể tạo động lực để hộ gia đình, địa phương thoát nghèo bền vững. Đáng chú ý, một số doanh nghiệp trục lợi từ chính sách này cũng đã và đang phải trả giá đắt. Họ đánh mất hình ảnh, thương hiệu và cả uy tín ở nước ngoài vì đã cung cấp nguồn lao động chất lượng kém. Còn ở trong nước, trước sức ép của dư luận, những doanh nghiệp làm ăn theo kiểu chụp giật phải chạy đôn chạy đáo giải trình với các cơ quan chức năng, buộc phải hỗ trợ, trả lại tiền cho người lao động.
Nhiều doanh nghiệp tìm cách tháo chạy khỏi Đề án. Năm 2010, có 19 doanh nghiệp tham gia thực hiện thì nay chỉ còn 5 - 6 doanh nghiệp. Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số, lãnh đạo các huyện nghèo giờ cũng thấy… ngán ngẩm với chương trình này.
Ông Trần Duy Cường, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội - chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi cho biết, 8 tháng đầu năm nay, Ngân hàng này mới giải ngân khoảng 4 tỷ đồng cho 80 lao động đi xuất khẩu lao động, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm ngoái. “Chúng tôi bám sát định hướng cũng như chỉ tiêu xuất khẩu lao động trong năm 2014 mà tỉnh giao cho các địa phương. Trên cơ sở đó, chúng tôi phân bổ nguồn vốn và tạo điều tạo điều kiện cho các đối tượng vay vốn đi xuất khẩu lao động khi có đủ điều kiện. Tuy nhiên, hện nay, đối tượng đi xuất khẩu lao động ít hơn những năm trước” – ông Cường nói.
Với 7 huyện nghèo, tỉnh Thanh Hóa luôn dẫn đầu về xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, số lượng lao động xuất khẩu theo Đề án 71 cũng giảm rõ rệt. Nếu năm 2010, tỉnh này xuất khẩu được trên 820 lao động thì đến năm 2011 giảm xuống còn 450; năm 2012 là 310 người và năm 2013 chỉ đưa hơn 60 người đi xuất khẩu lao động.
Quyết định số 71/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 đặt ra chỉ tiêu: Đưa 10.000 lao động thuộc các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài để góp phần giảm 8.000 hộ nghèo trong giai đoạn 2009 - 2010; đưa 50.000 lao động, góp phần giảm 45.000 hộ nghèo trong giai đoạn 2011 – 2015… Tuy nhiên đến nay, số lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài mới đạt 30% chỉ tiêu của Đề án.
Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Quốc hội khẳng định, mục tiêu của Đề án đã bị phá sản và rằng nếu tiếp tục làm như hiện nay, nước ta sẽ dần đánh mất thị trường lao động ở nước ngoài. Ông Lợi khẳng định: “Mục tiêu đạt chỉ 1/3. Chúng ta không đáp ứng được yêu cầu. Rõ ràng, Quyết định 71 này bị phá sản. Một điều đáng phải suy nghĩ nữa là hiệu quả kinh tế của những người làm việc ở các nước mà chúng ta đưa lao động đi không cao và lần lượt phải trở về nước. Chúng ta ưu tiên giải quyết đời sống cho người lao động nghèo, xã nghèo, huyện nghèo. Nhưng khi họ trở về, họ lại bị nghèo thêm do phải gánh thêm nợ ngân hàng. Bằng mọi giá đưa người lao động đi xuất khẩu là hình thức “đem con bỏ chợ”.
Nước ta đang trong thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động rất lớn. Xuất khẩu lao động là cần thiết. Quyết định 71 đã mở ra cơ hội cho người lao động ở huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Cần khẳng định rằng, chủ trương của Chính phủ về hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động là đúng đắn. Nhưng với cách tổ chức thực hiện như hiện nay đã làm cho mục tiêu xóa nghèo trở nên... xa vời. Đã đến lúc, xuất khẩu lao động hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số không thể bằng mọi giá.
Quan trọng về chất lượng hơn số lượng
Bà Đinh Thị Như, Giám đốc Trung tâm Xuất khẩu Lao động và Tư vấn Du học, Công ty Cổ phần Đào tạo và Phát triển Hà Nội cho biết, đơn vị rất quan tâm và mong muốn được tham gia Đề án này. Rút kinh nghiệm sâu sắc về những thất bại của các doanh nghiệp đi trước, Trung tâm chỉ xuất khẩu những lao động đạt chuẩn.
Bà Đinh Thị Như cho biết: “Chúng tôi sẽ tập trung mạnh vào giáo dục định hướng cho người lao động trước khi xuất cảnh. Doanh nghiệp phải kiểm tra, ai đạt mới được đi còn không thì cũng vui vẻ dừng lại. Chúng tôi không quan trọng về số lượng mà quan trọng về chất lượng. Chúng tôi sẽ tuyển chọn đúng như yêu cầu của chủ bên kia, chứ không phải cứ lấy số lượng cho đạt chỉ tiêu”.
Ông Sơn Phước Hoan
Ông Sơn Phước Hoan, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cũng cho rằng, cần thắt chặt “đầu vào”, chỉ chọn những người có đủ trình độ văn hóa, ngoại ngữ, nghề và hiểu biết cơ bản về phong tục, tập quán của nước mà người lao động đến làm việc. “Phải nâng cao chất lượng, chú ý việc đào tạo cho tốt hơn. Làm được như thế sẽ bền vững được. Làm càng sớm, càng tốt. Nếu để kéo dài, tôi e sẽ lan rộng tâm lý đến cộng đồng, làm khó hơn trong việc tuyên truyền sau này đối với việc giải quyết việc làm bằng xuất khẩu lao động” – ông Sơn Phước Hoan khẳng định.
Khắc phục những bất cập trong việc thực hiện Đề án này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cần rà soát, điều chỉnh giảm chỉ tiêu của Đề án cho phù hợp với thực tế; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp từ khâu tư vấn, tuyên truyền, tuyển chọn đến đào tạo nghề, ngoại ngữ và quản lý lao động ở nước ngoài.
Bộ cũng nên xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu đánh giá, giám sát hoạt động của chương trình này làm cơ sở hướng dẫn các địa phương tiến hành kiểm tra, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh.
Mục tiêu của Đề án 71 là giúp hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số thoát nghèo. Đó là một chính sách nhân văn dành cho người nghèo. Vì vậy, đưa lao động thuộc hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số đi xuất khẩu lao động nhưng khi về nước, họ lại nghèo hơn đồng nghĩa là có tội với đồng bào”.
Theo VOV
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã