Trong một cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên Báo Đại Đoàn kết cách đây hơn 1 năm, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã chia sẻ về mảnh đất “chôn nhau, cắt rốn” vốn xưa nay được cho là tỉnh nghèo. Tư duy của ông Hoài cho thấy một góc nhìn khác mà là khác xa với những gì chúng ta vẫn thấy; tức là thay vì đi khoe cái nghèo thì ông tiếp cận ở góc độ: Cần tìm ra lợi thế so sánh của địa phương để mà cùng nhau vươn lên và cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Nương chè trên cao nguyên Mộc Châu (Sơn La).
Tư duy ấy của vị Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình có thể coi là đột phá trong thời điểm này. Điều ấy càng được minh chứng khi ngay tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La và cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh này hôm 17/7, chính Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề cập khá rõ ràng.
Trong phát biểu của mình Thủ tướng đặt câu hỏi: Làm thế nào để tự cứu mình? Thủ tướng đã gợi ý hướng đi thoát nghèo cho Sơn La như: Phải thúc đẩy sản xuất hàng hóa trên địa bàn gắn với thị trường. Phát triển một số sản phẩm đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số, làm đặc sắc hơn nữa các sản phẩm du lịch địa phương.
«Hướng đi nữa để tự cứu mình là thúc đẩy nền sản xuất hàng hóa phát triển theo cơ chế thị trường, thay thế tư duy kinh tế kiểu tự cung tự cấp, manh mún, nhỏ lẻ. Tăng cường các mô hình liên kết hợp tác sản xuất”- Thủ tướng nói.
Tóm lại với một tỉnh nghèo như Sơn La tưởng chừng cứ phải cứu trợ hàng năm, nếu biết cách khơi gợi tiềm năng; biết cách tổ chức sản xuất và có lòng mong muốn vươn lên thì có thể thoát nghèo. Bởi Sơn La không chỉ có thế mạnh về nông nghiệp mà Sơn La còn có thế mạnh về du lịch.
Lại nhớ, trong một lần đến Yên Bái, dự khai mạc Lễ hội Năm Du lịch Yên Bái 2017 cách nay chưa xa, nghe những chia sẻ của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy mới thấy: Việc Yên Bái - một tỉnh cũng được cho là nghèo khác của vùng Tây Bắc thực ra cũng có những tiềm năng chưa được khai phá hết.
Yên Bái trong tư duy của Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái như một “người đẹp ngủ trong rừng”. Có tiềm năng du lịch với ruộng bậc thang Mù Cang Chải; có Thác Bà với vẻ đẹp hoang sơ; có vùng Suối Giàng nổi danh nhờ trà; có thương hiệu quế Văn Yên…
Nói tóm lại, nếu nhìn vào tiềm năng thì Yên Bái cũng có thể là một điểm đến hấp dẫn du khách lẫn nhà đầu tư. Vấn đề là nhận diện được tiềm năng và đồng sức xây dựng quê hương.
Mà không phải chỉ Sơn La hay Yên Bái, cả một dọc miền Tây Bắc trùng trùng điệp điệp, nơi nào cũng có những tiềm năng về du lịch; nơi nào cũng có tiềm năng về kinh tế dù là kinh tế nông nghiệp hay công nghiệp, vấn đề chỉ là cùng nhau khai thác tiềm năng thế nào mà thôi.
Chẳng hạn như với Sơn La, cũng xin được dẫn lại đây lời của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong Hội nghị hôm 17/7: “Mộc Châu có lợi thế rất lớn về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, phát triển dược liệu và các lĩnh vực dịch vụ khác. Khi Mộc Châu, Vân Hồ và cả tỉnh Sơn La đã tiếp tục là nơi đón lượng khách du lịch lớn nhất cả nước và thu nhập người dân nơi đây đang gia tăng nhanh chóng… Tôi muốn nói lại các tiềm năng như thế để các ngành từ y tế, đến nông nghiệp, du lịch và nhiều ngành khác cùng với tỉnh cùng phối hợp tìm ra một lối đi, một cách làm, cùng với Sơn La phát triển các thế mạnh ở đây”.
Vâng, cái thiếu có lẽ chính là thiếu một lối đi, một cách làm và một sự quyết tâm. Mà dù là lối đi, cách làm hay quyết tâm cũng đều cần sự vào cuộc trước tiên, trước hết của chính lãnh đạo địa phương. Những vị “quan đầu tỉnh” mà xốc vác và thể hiện rõ khát vọng, truyền khát vọng ấy được cho nhân dân thì bằng sức mạnh của mình, nhân dân sẽ góp phần quan trọng trong xây dựng một quê hương giàu đẹp hơn.
Tài nguyên chỉ là cái hữu hạn nhưng ý chí và quyết tâm của con người nếu là vô hạn thì sẽ góp phần tạo nên những của cải vật chất; giúp dân thoát nghèo thật sự. Bời dù nói gì thì nói, không có người dân nào từ trong sâu thẳm lại chỉ mong mình mãi nghèo và khoe cái nghèo để được hỗ trợ từ Nhà nước; nhưng với vị thế của dân không phải ai cũng có thể tự thân thoát nghèo nếu không có sự giúp đỡ của địa phương, của Nhà nước.
Lại nhớ tâm sự của ông Nguyễn Hữu Hoài với phóng viên Đại Đoàn Kết: Thật ra lâu nay, trong tư duy nhiều người, nhắc tới Quảng Bình là nghĩ ngay đến một tỉnh nghèo, một nơi thường xuyên chịu thiên tai, bão lũ, với “đặc sản” gió Lào, cát trắng, đất đai khô cằn. Nhưng không hẳn như vậy. Ở đây bốn mùa tươi tốt. Độ che phủ rừng của Quảng Bình đứng đầu toàn quốc, bạt ngàn rừng xanh. Quảng Bình được thiên nhiên ưu đãi rất nhiều sản vật, đặc biệt có một hệ thống hang động vô cùng quý hiếm.
Cho nên tư duy nghèo là một tư duy lạc hậu và rất nguy hiểm. Bây giờ đừng vỗ ngực “tự hào mình nghèo” vì cái nghèo là cái nhục. Cũng đừng nói Quảng Bình chỉ là thiên tai, lũ lụt vì nói như thế còn ai muốn đến? Nếu kêu nghèo để lấy cho được 10 -15 tỷ đồng tiền hỗ trợ bão lụt thì sẽ bỏ lỡ hàng nghìn tỷ đồng của nhà đầu tư muốn đầu tư vào đây. Cho nên phải thay đổi tư duy, phải vượt lên chính mình và biến những khó khăn thành lợi thế.
Vấn đề đúng là, “càng khó khăn càng phải vươn lên, càng phải có khát vọng. Đã đi đúng hướng rồi thì quyết tâm chỉ đạo đạt kết quả đến cùng”- như lời của Thủ tướng nói với Sơn La.
Một khát vọng là cần lắm để không mãi tự nhận là địa phương mình nghèo, mà phải có khát vọng mới vươn lên và mới tìm cách để vươn lên. Tư duy ấy giờ đang rất cần được truyền đi với cả niềm tâm huyết và quyết tâm cũng như hành động của lãnh đạo các địa phương còn nghèo, để nhân dân những vùng nghèo thêm động lực góp sức thoát nghèo.
Mai Loan/daidoanket.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã