Đối với một tỉnh mà nông nghiệp vẫn còn giữ vai trò chính của nền kinh tế như Sóc Trăng, thì việc làm thế nào để nâng cao giá trị, hiệu quả và tính bền vững trong sản xuất nông nghiệp luôn là mục tiêu ưu tiên hàng đầu. Và để thực hiện mục tiêu đó, bên cạnh công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, thế mạnh gắn với thị trường thì việc kết hợp nông nghiệp với du lịch cũng được xem là một hướng đi khả thi và phù hợp với xu thế chung hiện nay.
Độc đáo và khác lạ sẽ là sức hấp dẫn đối với du khách khi đến với vùng tôm – lúa Sóc Trăng.
Cũng như một số tỉnh vùng ĐBSCL, ở Sóc Trăng, cây lúa vẫn là cây trồng có diện tích lớn nhất, nhưng lại có tính đặc thù riêng. Đó là vùng ngọt với cơ cấu 3 vụ lúa/năm, vùng phèn, trũng 2 vụ lúa/năm và vùng lợ là tôm – lúa. Tuy là vùng sản xuất lúa, nhưng nếu được tổ chức tốt, những vùng này vẫn có thể kết hợp phát triển du lịch, đặc biệt là vùng tôm – lúa.
Người viết đã có dịp đến với nhiều vùng tôm – lúa trong khu vực ĐBSCL, như Kiên Giang, Cà Mau hay Bạc Liêu và nhận thấy có sự khác biệt rất lớn giữa mô hình tôm – lúa của Sóc Trăng với những vùng còn lại trong khu vực. Đó là con tôm trong mô hình tôm – lúa ở Sóc Trăng được nuôi theo hình thức quảng canh cải tiến, còn các tỉnh khác hầu hết là nuôi quảng canh. Chính sự khác biệt này nên một nhà báo đã ví việc trồng lúa trên đất nuôi tôm ở Sóc Trăng như những “thung lũng” lúa. Và cũng từ sự khác biệt mang tính độc đáo này sẽ tạo nên sức hấp dẫn cho du khách mỗi khi đến tham quan vùng tôm – lúa.
Những vườn bưởi da xanh, Năm roi hay cam xoàn, quýt đường… trải dài từ Kế Sách, qua Mỹ Tú, đến Cù Lao Dung sẽ là nơi thư giãn, hít thở không khí trong lành và thưởng thức cây trái miệt vườn khó quên ở Sóc Trăng.
Bên cạnh vùng trồng lúa, Sóc Trăng còn có những vùng trồng cây ăn trái trải dài từ vùng ngọt cho đến những vùng mặn ven biển; từ đất liền cho đến những cù lao trên sông Hậu. Cây trái Sóc Trăng cũng rất đa dạng và có hương vị riêng từ điều kiện thổ nhưỡng. Những ai đã từng nếm qua trái nhãn Vĩnh Châu sẽ không thể quên được vị ngọt thanh, độ giòn dai và cả hương thơm không lẫn vào đâu được. Những vườn bưởi da xanh, Năm roi ở Kế Sách, hay cam xoàn, quýt đường ở Mỹ Tú, xoài cát chu ở Cù Lao Dung, mãng cầu xiêm ở Ngã Năm… luôn đậm đà hương vị khó quên. Đây cũng chính là những điểm đến trong tương lai của du khách trong và ngoài tỉnh, nếu được đầu tư khai thác hợp lý.
Tham quan sự đa dạng sinh học của rừng ngập mặn ven biển, di chuyển trên bãi bồi bằng dụng cụ đạp mông, thử làm ngư dân cào nghêu, bắt cá thòi lòi… ở Trần Đề, Vĩnh Châu hay Cù Lao Dung sẽ là những trải nghiệm khó quên khi đến những vùng đất này.
Đâu chỉ có cây ăn trái mới được sản xuất tập trung, cây màu ở Sóc Trăng cũng nổi tiếng với những vùng chuyên canh hình thành cách nay hàng trăm năm, như: vùng trồng hành tím, củ cải Vĩnh Châu, vùng sản xuất rau, củ, quả ở Đại Tâm (Mỹ Xuyên), Thạnh Trị… lúc nào cũng khoác lên mình màu xanh của đủ loại hoa màu đã và đang chuyển dần sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP rất có tiềm năng phát triển du lịch xanh theo mô hình homestay cho những du khách ưa thích khám phá và trải nghiệm văn hóa cộng đồng.
Nét độc đáo góp phần đưa nông nghiệp Sóc Trăng đến gần hơn với du lịch còn ở 72km bờ biển với những bãi bồi rộng hàng kílômét được phủ xanh bằng những cánh rừng ngập mặn. Ngoài khu vực bãi bồi An Thạnh Nam (Cù Lao Dung), Mỏ Ó (Trần Đề) hay Hồ Bể (TX. Vĩnh Châu) đang được tỉnh kêu gọi đầu tư vẫn còn rất nhiều nơi có thể phát triển loại hình du lịch sinh thái, như khu vực Hải Ngư, cánh đồng muối - artemia… (Vĩnh Châu); xóm đáy Mỏ Ó, cảng cá Trần Đề… (Trần Đề).
Sóc Trăng đang đẩy mạnh chương trình phát triển du lịch nhằm bảo tồn, phát huy thế mạnh văn hóa 3 dân tộc Kinh, Khmer, Hoa cùng các làng nghề truyền thống cũng như điều kiện tự nhiên đặc thù do thiên nhiên ban tặng, để phát triển nhanh kinh tế của tỉnh. Đây là một chủ trương đúng đắn và phù hợp, nhưng nếu khai thác thêm được loại hình du lịch nông nghiệp không chỉ làm cho du lịch càng mạnh thêm mà nông nghiệp, nông dân, nông thôn cũng sẽ có cơ hội nâng cao giá trị, hiệu quả và mang tính bền vững cao.
Tích Chu/baosoctrang.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã