Theo đơn kêu cứu, các hộ dân thuộc tổ dân phố 10, ấp Bắc Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, TP HCM phản ánh nguy cơ ngập úng trên tuyến đường Bắc Lân 2 - thuộc chương trình Nông thôn mới do Ban Quản lý xây dựng Nông thôn mới xã Bà Điểm làm chủ đầu tư và Công ty TNHH Thương mại Thanh Hoàng thi công. Ngoài ra, các hộ dân cũng đề xuất chủ đầu tư thẩm định lại thiết kế và điều chỉnh, thay đổi hướng tuyến thoát nước, khôi phục mương thoát nước cũ (gọi tắt mương lệ) có từ hàng chục năm trước, hiện đã bị các chủ ruộng san lấp, trồng hoa màu.
Thiết kế ngược tự nhiên?
Ông Trần Văn Thanh, đại diện các hộ dân, lo lắng: “Người dân ủng hộ chương trình Nông thôn mới và sẵn sàng hiến đất làm đường. Thế nhưng, điều đáng nói là thiết kế hệ thống thoát nước con đường này đi ngược tự nhiên. Theo đó, hướng thoát nước từ đường Bắc Lân 2 sẽ đổ ra đường Nguyễn Thị Sóc và đi vào kênh T1 là không hợp lý bởi đi lòng vòng khiến nước thoát rất chậm và chắc chắn sẽ gây ngập úng khi mưa lớn”. Theo ông Thanh, hệ thống cống của tuyến đường Nguyễn Thị Sóc và kênh T1 đang quá tải vì phải gánh một lượng nước thải lớn từ chợ đầu mối Hóc Môn và rất nhiều khu dân cư đổ ra. Trong khi đó, hệ thống mương lệ có hàng chục năm nay, nếu khôi phục thì chỉ mất 400 m là đấu nối từ đường Bắc Lân 2 vào kênh T1, vừa hợp quy luật tự nhiên (nước chảy từ cao xuống thấp) vừa giảm gánh nặng cho đường Nguyễn Thị Sóc.
Thực tế, việc quá tải tại kênh T1 được người dân phản ánh từ 2 năm nay khi đường Nguyễn Thị Sóc mở rộng vì chỉ cần mưa lớn, rất nhiều hộ dân các ấp Bắc Lân và Tây Lân sẽ bị ngập. Ông Nguyễn Văn Thành (ngụ ấp Bắc Lân) cho biết gia đình ông và một số hộ ở gần miệng cống kênh T1 nên phải xây gờ cao hơn nửa mét để nước không tràn vào mỗi khi mưa lớn. Theo bà Võ Thị Thu (ngụ ấp Tây Lân), cứ mưa lớn là nước tràn vào nhà, hôi thối chịu không nổi. “Gia đình tôi phải xây gờ cao 0,5 m để chống chọi 2 năm nay” - bà Thu ngao ngán.
Xã đã có giải trình
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Ngô Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Bà Điểm, phụ trách chương trình Nông thôn mới và đại diện chủ đầu tư, cho biết xã đã có giải trình vụ việc lên UBND huyện Hóc Môn. “Toàn bộ hồ sơ thiết kế dự án được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, đã gửi đến Phòng Quản lý đô thị huyện cũng như Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP HCM và cả 2 đơn vị này đều thống nhất hướng tuyến thoát nước sau khi thẩm tra” - ông Việt nói.
Theo ông Việt, nhiều năm nay, kênh T1 đã quá tải nên một số hộ dân bị ngập khi trời mưa lớn. Để chuẩn bị cho mùa mưa tới, địa phương sẽ xin kinh phí từ huyện để nạo vét kênh T1 khi tuyến kênh này chuyển giao cho xã quản lý. Song song đó, địa phương cũng yêu cầu các chủ ruộng trồng hoa màu khu vực cuối nguồn kênh T1 không được ngăn dòng, giữ nước tưới làm hạn chế dòng chảy.
“Khi ngập thì nạo vét kênh”
Tại sao không khôi phục mương lệ như kiến nghị của các hộ dân? Nếu xảy ra ngập thì ai chịu trách nhiệm? Về vấn đề này, ông Việt cho rằng quy hoạch hiện nay đã thay đổi, khu ruộng có mương lệ đi qua là khu dân cư, chủ ruộng có quyền chuyển mục đích sử dụng, xây nhà... nên không thể buộc họ khôi phục mương lệ. Vì vậy, nếu xã tự ý làm mương lệ thì không có kinh phí vì không có chủ trương. “Khi xảy ra ngập úng, địa phương sẽ nạo vét kênh, thậm chí đề xuất nạo vét rạch Cầu Sa - nơi tiếp nhận nước từ kênh T1 đổ ra vốn đang bị bồi lắng” - ông Việt cam kết.
Bài và ảnh: THU HỒNG
Nguồn: nld.com
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã