“Nếu chị em có ý tưởng khởi nghiệp hãy biến nó thành hiện thực và phấn đấu để đạt được. Người trồng hoa, trước hết phải yêu hoa, chịu khó mới thành công”. Đó là chia sẻ của chị Nguyễn Thị Châm, sinh năm 1974, thôn Độc Lập, xã Đạo Đức, huyện Vị Xuyên (Hà Giang), người khởi nghiệp từ đam mê trồng hoa hồng Pháp.
Vườn hoa hồng Pháp đem lại thu nhập 200 triệu đồng/năm của gia đình chị Nguyễn Thị Châm.
Có sở thích đặc biệt với hoa hồng, khi còn nhỏ, chị Nguyễn Thị Châm đã tìm hiểu cách chăm sóc, trồng hoa để thỏa mãn đam mê.
Ngày ấy, dù chưa nhiều, nhưng ngôi nhà của gia đình chị lúc nào cũng cũng tràn ngập sắc hoa tươi, nhất là hoa hồng. Năm 2001, trong một lần đi tham quan vựa hoa hồng nổi tiếng ở huyện Mê Linh (Hà Nội), nhận thấy nghề trồng hoa có nhiều tiềm năng, chị Châm đã quyết định gây dựng “đứa con tinh thần” bằng việc trồng hoa hồng Pháp. Loài hoa này vô cùng khó tính, đòi hỏi người trồng phải thật tỉ mỉ, dày công chăm sóc bằng tâm huyết thật sự mới cho ra những bông hoa đẹp.
Mới đầu, chị Châm trồng 4.000 cây giống hoa hồng Pháp, dù đã nghiên cứu nhiều tài liệu về loài hoa này, nhưng quá trình trồng vẫn gặp không ít lần thất bại. Dần dần tích lũy được kinh nghiệm, chị đã nhân rộng vườn hoa lên quy mô 12.000 gốc, diện tích trồng 4.000 m².
Về kinh nghiệm trồng hoa hồng Pháp, kỹ thuật trồng hoa hồng Pháp, chị Châm cho biết: “Đặc tính hoa hồng Pháp hay bị chết do gặp sâu bệnh, vì vậy cần có kỹ thuật chăm sóc hợp lý. Trước hết, khâu làm đất phải tơi xốp, rồi mới lên luống. Để giữ cho cây tươi, sống lâu nên dùng phân hữu cơ, phân gà bổ sung dinh dưỡng, tưới tiêu định kỳ, hàng ngày cắt tỉa cho cây sinh trưởng, phát triển ổn định”.
Theo chị Châm, so với trồng lúa, ngô thì trồng hoa hồng Pháp đem lại giá trị kinh tế cao gấp đôi, thậm chí gấp 3. Thị trường tiêu thụ hoa tương đối lớn, các cửa hàng bán lẻ khu vực huyện Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và thành phố Hà Giang đều ký kết mua hoa hồng của gia đình chị. Để đáp ứng nhu cầu thưởng ngoạn, chơi hoa của khách hàng, chị còn trồng khoảng 1.000 chậu hồng Leo, hồng Đổi màu, hồng Tiểu muội.
Năm 2017, chị Châm được huyện Vị Xuyên hỗ trợ 63 triệu đồng làm nhà lưới với diện tích gần 1.000 m² trồng hoa cúc. Ưu điểm của trồng hoa nhà lưới là giảm sâu bệnh, hạn chế nắng nóng. Đây là cơ sở để chị tiếp tục phát triển mô hình trồng hoa, tạo nguồn thu nhập cao hơn.
Bà Lê Thị Tuyết Vân, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Vị Xuyên khẳng định: “Với sự nhạy bén, năng động, biết nắm bắt kịp thời cơ hội thị trường, việc trồng hoa chuyên canh của chị Châm đã cho hiệu quả cao. Đồng thời, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, hình thành quy mô sản xuất tập trung, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho chị em”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã