Lập kỷ lục mới
Theo khảo sát, giá heo hơi 3 miền hôm nay tăng mạnh với mức khoảng 3.000 đồng/kg. Tại các tỉnh miền Bắc, giá heo hơi giao động trong khoảng từ 49.000 – 53.000 đồng/kg. Cụ thể, tại Hưng Yên, giá heo tăng 1.000 đồng/kg so với vài ngày trước, đạt 53.000 đồng/kg; riêng tại Ninh Bình, mức giá đạt 54.000 đồng/kg.
Ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, giá heo cũng đang đảo chiều, tăng mạnh. Tại Cần Thơ, nếu như mấy ngày trước, giá heo có xu hướng giảm thì hôm nay, tăng tới 3.000 đồng/kg, đạt mức 52.000 đồng/kg.
Tại Miền Trung, giá heo cũng tăng 1.000 – 2.000 đồng/kg, cụ thể tại Thanh Hóa đạt 53.000 đồng/kg, Thừa Thiên – Huế 53.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tiếp tục tăng 3.000 đồng/kg. Ảnh: I.T.
Tất nhiên, mức giá này sẽ khiến những người có heo đợt này mừng như bắt được vàng, nhưng ông Nguyễn Xuân Dương, Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cũng thừa nhận, tổng nguồn cung thịt đang đến từ các hộ nuôi quy mô lớn, trang trại và doanh nghiệp, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ giảm đáng kể.
Có thể thấy, đợt giảm giá heo từ cuối năm 2016 kéo dài suốt năm 2017 đã đánh một cú “trời giáng” vào những hộ nuôi nhỏ lẻ, thay đổi hoàn toàn cục diện ngành chăn nuôi hiện nay. Theo thống kê, năm 2016, cả nước có tới 3,13 triệu hộ nuôi lợn quy mô nhỏ, sau khi giá heo trượt dốc không phanh, số hộ còn giữ nghề không còn nhiều. Điều này dẫn đến hiện tượng thiếu nguồn cung cục bộ, đẩy giá heo lên cao.
Tuy nhiên, ông Dương cho rằng, đây là cơ hội để ngành chăn nuôi tái cơ cấu lại theo hướng đẩy mạnh liên kết chuỗi, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Hiện tổng nguồn cung thịt đang phục hồi, dự kiến, trong quý III/2018 tổng nguồn cung thịt lợn cả nước sẽ tăng 1,9%, nhiều khả năng sẽ tăng 2,5% vào cuối quý III. Nhìn chung, tổng nguồn cung thịt lợn cả năm có thể tăng gần 2% nên mức giá lợn hơi từ nay đến cuối năm sẽ không đáng lo ngại. Mức giá cao sẽ còn được duy trì.
Thêm nỗi lo
Dù vậy, ngành chăn nuôi đang đứng trước nỗi lo mới khi dịch bệnh tả heo châu Phi đang hoành hành ở nhiều nước trên thế giới và nguy cơ xâm nhiễm vào nước ta là rất cao. Theo thông tin của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), từ cuối năm 2017 đến ngày 10 tháng 9 năm 2018, đã có 17 quốc gia và vùng lãnh thổ báo cáo bệnh dịch tả lợn Châu Phi (bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người), với tổng số lợn buộc phải tiêu hủy là trên 500.000 con.
Tiêu hủy heo bệnh ngăn chặn dịch tả heo châu Phi. Ảnh: I.T.
Cũng theo OIE, từ đầu tháng 8.2018 đến ngày 09.9.2018, Trung Quốc báo cáo có 14 ổ dịch xuất hiện tại 6 tỉnh (bao gồm: An Huy, Hắc Long Giang, Hà Nam, Liêu Ninh, Giang Tô và Chiết Giang) với tổng số hơn 38.000 con heo các loại buộc phải tiêu hủy.
Nguy cơ bệnh dịch tả heo châu Phi từ nước ngoài xâm nhiễm vào nước ta thông qua các hoạt động vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, nhất là tại các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh, thành phố khác có chăn nuôi lợn với số lượng lớn là rất cao.
Trước tình hình nêu trên, để chủ động phòng, chống, ngăn chặn bệnh dịch tả heo châu Phi xâm nhiễm vào nước ta, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện khẩn yêu cầu các bộ, ngành, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai ngay các biện pháp như:
Nghiêm cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới.
Các tỉnh, thành phố và các cấp sở ngành tổ chức giám sát chặt chẽ tại các cửa khẩu, dường mòn và các phương tiện vận chuyển xuất phát từ các nước có dịch bệnh nhập cảnh vào Việt Nam.
Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất từ ngày 15/9 - 15/10/2018.
Tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi, thú y cơ sở tăng cường theo dõi đàn lợn, áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi (hằng ngày vệ sinh chuồng trại chăn nuôi; vệ sinh tiêu độc khử trùng người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi; định kỳ phun hóa chất tiêu độc khử trùng toàn bộ khu vực chăn nuôi; hạn chế tối đa việc ra, vào thăm cơ sở chăn nuôi nhất là tại các cơ sở sản xuất giống;…); cần tập trung đối với đàn lợn tại các địa phương giáp biên giới, có phương tiện vận chuyển đến từ nước đang có bệnh dịch tả lợn châu Phi và các địa phương có nhiều khách du lịch.
Với các trường hợp đàn lợn nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi, chết không rõ nguyên nhân, và các sản phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc thì cần lấy mẫu để xét nghiệm trước khi tiêu hủy.
Cũng có ý kiến cho rằng, việc phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi tại Trung Quốc sẽ khiến thị trường thịt heo trong nước chắc chắn có biến động trong thời gian tới. Dịch bệnh đang khiến đàn heo của Trung Quốc giảm mạnh, chúng ta có thể có cơ hội xuất khẩu heo sang Trung Quốc, đẩy giá heo trong nước tiếp tục tăng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã