| ||
Cần sớm tạo điều kiện tiếp cận vốn ưu đãi để hộ cận nghèo không tái nghèo
Theo chuẩn nghèo mới (của Bộ LĐTB&XH), hộ cận nghèo là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000 đồng - 520.000 đồng/người/tháng (đối với khu vực nông thôn); từ 501.000 - 650.000 đồng/người/ tháng (đối với khu vực thành thị). Dù sinh sống ở khu vực nào thì hộ cận nghèo cũng luôn tiềm ẩn nguy cơ tái nghèo cao. Vì vậy, việc có những chính sách để tiếp sức cho họ từ nguồn tín dụng ưu đãi, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững là điều rất cần thiết. Khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy: một trong những nguyên nhân cơ bản của hiện tượng tái nghèo là do hộ cận nghèo thiếu vốn để đầu tư sản xuất. UBND tỉnh Đắk Nông cho biết: qua tổng điều tra năm 2011, tỉnh Đắk Nông hiện còn hơn 3 nghìn hộ cận nghèo, hầu hết đều thiếu vốn sản xuất. Trong điều kiện kinh tế hiện nay, nhóm đối tượng này chưa thoát nghèo bền vững và rất dễ bị tái nghèo. Cũng giống như Đắk Nông, tỉnh Quảng Bình hiện cũng còn rất nhiều hộ cận nghèo, hộ vượt qua ngưỡng nghèo có nguy cơ tái nghèo cao chưa được tiếp tục vay vốn ưu đãi để tái đầu tư mở rộng sản xuất, đặc biệt tại 8 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo... Tại huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn), kết quả rà soát năm 2011 cho thấy toàn huyện có 1.883 hộ nghèo và 1.393 hộ cận nghèo. Nhiều hộ cận nghèo cho biết: dù đã thoát nghèo nhưng vẫn chưa bền vững. Đa phần muốn được vay vốn ưu đãi lãi suất thấp để làm giàu, thì lại không thuộc diện đối tượng vay. Trong năm 2011, tại huyện này có 79 hộ từ diện không nghèo rơi xuống cận nghèo; 66 hộ từ không nghèo xuống nghèo và 61 hộ từ cận nghèo xuống nghèo… Tương tự như vậy, theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo của Nghệ An đến cuối năm 2011 cho thấy: vào thời điểm đó có đến 117.286 hộ cận nghèo, bao gồm cả hộ thoát nghèo những năm trước đó, chiếm 15,97% tổng số hộ (cao hơn mức bình quân của khu vực Bắc Trung Bộ 13,78%; cả nước là 6,89%). Số hộ cận nghèo chủ yếu tập trung vào các hộ thuần nông ở nông thôn, miền núi, vùng đồng bằng ven biển, các hộ tiểu thương nhỏ. Hộ cận nghèo vẫn khó tiếp cận vốn vay Theo NHCSXH các địa phương, hiện nay chưa có một chính sách cụ thể nào hướng dẫn cho vay vốn đối với đối tượng là hộ cận nghèo. Khoảng cách giữa hộ nghèo và cận nghèo là rất mong manh, nên nguy cơ vừa thoát nghèo lại trở thành hộ cận nghèo rất dễ xảy ra. Được biết, ngày 21-6-2012, Quốc hội khóa XIII có Nghị quyết số 26/2012/QH13 về việc tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó có những yêu cầu về tăng đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, đảm bảo vốn 5 năm sau cao gấp 2 lần 5 năm trước; Phát triển mạng lưới tín dụng nông thôn, tăng thêm các Điểm giao dịch của ngân hàng thương mại trên địa bàn nông thôn. Khuyến khích các ngân hàng, tổ chức tín dụng cho vay vốn với cơ chế ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp, nhất là tăng mức và kỳ hạn cho vay phù hợp với chu kỳ sản xuất của từng đối tượng, từng loại cây, con. Tăng thêm nguồn vốn cho NHCSXH để tăng mức cho vay, nhất là cho chăn nuôi, gia súc, gia cầm; mở rộng đối tượng hộ cận nghèo được vay vốn của NHCSXH, phát triển thêm các ngành nghề ở nông thôn. Nghiên cứu, đổi mới chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo nhằm giảm nghèo bền vững… Tại Quyết định 852 ngày 10-7-2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 cũng đưa hộ cận nghèo vào diện được vay vốn tín dụng ưu đãi. Tuy nhiên, đến nay việc xây dựng chính sách để hộ cận nghèo được vay vốn vẫn chưa được ban hành. Theo ông Hà Công Long - Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội, nguyên nhân của sự chậm trễ này là do phải chờ các ngành thống nhất về tiêu chí và rà soát lại đối tượng là hộ cận nghèo. Với Chương trình tín dụng HSSV, theo quy định hộ cận nghèo không thuộc đối tượng được thụ hưởng. Trong khi Luật Giáo dục lại quy định hộ có thu nhập thấp được vay vốn tín dụng ưu đãi cho con em đi học đại học, cao đẳng, trung cấp. Theo ông Long, việc điều chỉnh cho vay vốn ưu đãi đối với những hộ có 2 con đang học đại học, cao đẳng, trung cấp và đào tạo nghề vào diện được vay vốn tín dụng ưu đãi HSSV mà NHCSXH đang thực hiện cũng từ tiếp thu kiến nghị của cử tri. Trong Chiến lược phát triển ngân hàng giai đoạn 2011 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng đề ra mục tiêu tổng quát phát triển NHCSXH gắn liền với việc phát triển các sản phẩm dịch vụ hỗ trợ có hiệu quả hơn cho người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nếu mở rộng đối tượng thụ hưởng bên cạnh hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác thì nguồn vốn bố trí sẽ phải tăng lên. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của NHCSXH là chưa chủ động được nguồn vốn. Từ những kiến nghị của cử tri cả nước, hiện Ban Dân nguyện, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã đề nghị về việc thiết lập cơ chế tạo nguồn vốn tín dụng cho NHCSXH. Theo đó, việc ban hành chính sách cho hộ cận nghèo và bố trí nguồn vốn ổn định cho NHCSXH cần phải được tiến hành sớm để những hộ cận nghèo không phải chờ đợi quá lâu mới được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
Hoàng Minh |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã