Chúng ta đang tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm từng bước xây dựng đất nước ta trở thành một nước có nền công nghiệp hiện đại.
Trên thực tế nền sản xuất nông nghiệp của ta hiện nay còn rất manh mún, mỗi gia đình một mảnh ruộng, chỉ khoảng 3-5 sào, thử hỏi làm thế nào để nông nghiệp có thể trở thành nền sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh? Khảo sát ở nông thôn cho thấy, không ít hộ nông dân năng lực sản xuất còn rất hạn chế, thiếu vốn, thiếu kiến thức…
Trong khi đó có rất nhiều người có điều kiện mở rộng sản xuất thì lại không có đất. Muốn nông nghiệp trở thành sản xuất hàng hóa, trước tiên phải có quy mô đủ lớn. Nay Điều 124 Luật Đất đai sửa đổi lại quy định mức hạn điền như vậy thì những người có điều kiện năng lực sản xuất làm sao có thể tích tụ được ruộng đất để phát triển sản xuất? Và quy định như thế vẫn là không thoát khỏi tư duy sản xuất nhỏ, mâu thuẫn với chủ trương công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Gia đình tôi hiện đang sở hữu trang trại trồng cây công nghiệp gồm 40ha cao su và 10ha hồ tiêu. Diện tích được sở hữu này cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức tối thiểu. Trong điều kiện hiện nay, khi trình độ sản xuất, ứng dụng KHKT, khả năng về vốn… của người nông dân đã được nâng lên rất nhiều thì khung hạn điền, thời hạn giao đất cũ không phù hợp. Theo tôi, đất trồng cây công nghiệp dài ngày nên giới hạn ở khoảng 100ha, giao đất từ 50 năm trở lên.
Ông Ngô Công Đoan - chủ trang trại ở huyện Đức Cơ (Gia Lai)
Ngay như chủ trương phát triển cánh đồng mẫu lớn đang được hưởng ứng rất tốt ở các địa phương hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, cản trở vì ruộng đất quá manh mún.
Đừng lo bỏ mức hạn điền sẽ làm nảy sinh một tầng lớp địa chủ mới, và cũng đừng lo một bộ phận người nông dân sẽ trở thành người làm thuê… Bởi lẽ, đất đai vẫn thuộc sở hữu nhà nước, Nhà nước có quyền định đoạt. Hơn nữa, Nhà nước có công cụ trong tay - đó là có cơ chế chính sách để điều chỉnh các quan hệ.
Bỏ mức hạn điền không chỉ đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn mà còn tạo điều kiện cho những người sản xuất kinh doanh giỏi tích tụ được ruộng đất, phát huy được năng lực, trí tuệ của mình làm giàu cho mình và cho xã hội.
Ví dụ như một số hộ nông dân góp ruộng, đất vào cho một người có vốn, có kiến thức đứng ra tổ chức điều hành sản xuất, như kiểu thành lập một công ty, và họ trở thành cổ đông, được hưởng lợi tức thông qua giá trị vốn góp (ruộng đất) là điều nên làm lắm chứ. Ruộng đất của họ không mất đi, mà vẫn được hưởng thành quả từ ruộng đất của mình.
Cũng không nên có định kiến và kỳ thị người làm thuê trong nông nghiệp như thời phong kiến. Nông nghiệp mà không có lao động làm thuê thì chỉ bó hẹp trong quy mô gia đình và không thể đi lên sản xuất lớn được. Hơn nữa, xu hướng chung là lao động phi nông nghiệp mang lại thu nhập cao hơn lao động nông nghiệp.
Kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2010 của Tổng cục Thống kê (GSO) cho thấy việc làm phi nông nghiệp nhìn chung đem lại thu nhập cao hơn cho người dân (xem sơ đồ). Theo Tổng cục Thống kê, ở Việt Nam hiện nay, hộ càng giàu càng có nhiều lao động làm công, làm thuê và tự làm phi nông nghiệp. Trong khi nhóm hộ giàu nhất là nhóm 20% dân số có mức thu nhập cao nhất; nhóm hộ nghèo nhất là 20% dân số có mức thu nhập thấp nhất.
Có tới 52,7% lao động làm công, làm thuê trong lĩnh vực phi nông nghiệp, 29,8% tự làm phi nông nghiệp; thì nhóm hộ nghèo nhất chỉ có 11,1% và 6,6% tương ứng là lao động làm công, làm thuê hoặc tự làm phi nông nghiệp. Nói cách khác, hộ nghèo nhất có tới 83,3% lao động làm nông, nhưng con số này của hộ giàu nhất chỉ là 17,5%.
Làm nông đòi hỏi phải có diện tích lớn mới áp dụng khoa học kỹ thuật, hình thành vùng sản xuất hàng hóa được, từ đó có thể điều tiết được thị trường. Có nhiều người cho rằng, tích tụ ruộng đất là hình thành "địa chủ", về vấn đề này chúng ta phải phân biệt rõ, tích tụ ruộng đất với mục đích gì, sản xuất hay đầu cơ, hay mục đích khác. Nếu tích tụ ruộng đất để sản xuất với diện tích 15-20ha hoặc nhiều hơn nữa thì vẫn không thể thành "địa chủ" được. Bởi mặc dù có nhiều đất, nhưng đó là đất thầu lại của dân, hoặc đất thuê của Nhà nước có thời hạn, chứ không phải đất "mua đứt, bán đoạn" của riêng cá nhân họ. Do đó, Điều 124 của Dự thảo Luật Đất đai cần phải có quy định lại về vấn đề này.
Ông Châu Văn Ly - Phó Chủ tịch Hội Nông dân An Giang: Nên thoáng hơn về hạn mức giao đất
Về hạn mức quyền sử dụng đất, nguyên tắc của pháp luật là phải nhất quán và mang tính ổn định trong thời gian dài để người dân yên tâm sản xuất. Bên cạnh số hộ có diện tích trong hạn điền (3ha), qua quá trình tích cực sản xuất số hộ có diện tích trên 3ha, thậm chí trên 30ha của đất trồng cây hàng năm ở khu vực ĐBSCL là không ít, điều này phù hợp với Nghị quyết T.Ư 7 (khóa IX) về khuyến khích tích tụ ruộng đất, đi lên sản xuất lớn. Như vậy số hộ ND có diện tích trên 10 lần hạn mức giao đất hiện nay sẽ như thế nào? Nên chăng có cách nhìn thoáng hơn, như diện tích đất trên 10 lần hạn mức chuyển sang cho thuê với thời gian ngắn hơn để tránh trường hợp nhờ đứng tên hộ trong nhận chuyển quyền sử dụng đất.
Việt Tùng - Anh Trang (ghi)
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã