>> Hàng loạt công trình thủy lợi kém hiệu quả (bài 1): Thủy lợi không… sinh lợi!
Từ thiết kế tùy tiện…
Thực tế đã minh chứng, hiện nay, hệ quả của những dự án thủy lợi không sinh lợi nguyên nhân chính là bởi những yếu kém trong thiết kế, lập dự án. Rất nhiều trường hợp trong quá trình lập dự án đầu tư, nâng cấp công trình thủy lợi, các đơn vị tư vấn thiết kế đã không tính toán đến chế độ thủy văn, khả năng điều tiết lũ của hồ chứa, nhất là việc cập nhật các tài liệu về khí tượng thủy văn và các yếu tố mặt đệm để lập hồ sơ đồng bộ cho cả cụm công trình, mà chủ đầu tư và tư vấn chỉ lựa chọn các hạng mục xung yếu để khảo sát lập dự án. Mặt khác, các đơn vị tư vấn cũng thường tỏ ra “hời hợt” trong quá trình khảo sát, tính toán, không tranh thủ sự góp ý của người dân địa phương nên trong bản vẽ đã không phản ánh được hết các yếu tố liên quan.
Tuy không đến nỗi cạn kiệt nhưng chưa bao giờ lượng nước chứa trong đập Bàu Ngàng lại có thể tưới đủ cho những cánh đồng trên địa bàn. |
Công trình đập Thia ở xã Phương Điền (Hương Khê) là một ví dụ. Được thiết kế tưới tiêu cho 70 ha diện tích canh tác ở xóm Trung Điền và đi kèm theo đó là sẽ có khoảng 2 - 3 ha diện tích canh tác của xóm Thanh Luyện phải chịu ngập úng. Vậy nhưng, thực tế cho thấy khi đưa vào vận hành phần diện tích ngập úng của xóm Thanh Luyện không phải là 2-3 ha mà lên tới… 10 ha! (vượt thiết kế cho phép khoảng 7 ha). Sự ngập úng này trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống và quyền lợi của hơn 90 hộ dân. Để hạn chế diện tích ngập úng ở Thanh Luyện, chính quyền xã Phương Điền đã phải trích ngân sách làm thêm 2 cống xả phụ, hạ mực nước của công trình thủy lợi đập Thia xuống mức có thể. Với phương án này, đập Thia chỉ còn khả năng tưới đủ 25 ha, tức là bằng số diện tích được tưới… khi chưa có đập!!!
Yếu kém trong công tác khảo sát thiết kế cũng là nguyên nhân chính dẫn đến dự án thủy lợi Khe Đập - xã Hương Thọ (Vũ Quang) không phát huy hiệu quả. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên do đập Khe Đập không thể tưới tiêu là bởi cao độ đáy cống phần hạ lưu của dự án được thiết kế thấp hơn so với hệ thống mương tưới! Vậy là thay vì chảy xuôi từ cống xả ra mương tưới, nước lại tràn ngược ra xung quang miệng cống và thân đập.
Một người dân ở xã Hương Thọ cho biết: “Trong quá trình khảo sát lập dự án cũng như quá trình xây dựng, chúng tôi đã bày tỏ những băn khoăn với chủ đầu tư cũng như đơn vị tư vấn. Tuy vậy, những đề đạt của chúng tôi đã không được các bên liên quan lưu tâm. Nếu họ chịu khó xem xét, phân tích những đóng góp của người dân, có lẽ dự án đập Khe Đập đã không lâm vào cơ sự này”.
Có thể nói, ngay từ giai đoạn khảo sát thiết kế, đập Khe Đập đã thiếu thống nhất giữa đơn vị tư vấn và người dân địa phương. Thế nhưng, chẳng hiểu vì đâu, dự án vẫn được phê duyệt, đập Khe Đập vẫn được triển khai thi công? Hệ quả là mọi thông số tính toán ban đầu của dự án đập Khe Đập đã sai lệch với thực tế…
… Đến thi công kém
Theo nhận định của các chuyên gia, việc hàng loạt công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh ta trong những năm qua không phát huy hiệu quả, bên cạnh những yếu kém, hạn chế trong quá trình khảo sát, thiết kế dự án, có một thực tế không thể phủ nhận đó là chất lượng thi công công trình.
Có lẽ, nhiều người vẫn chưa thể nào quên sự cố vỡ đập 20 REC ở xã Hương Trạch (Hương Khê). Sau gần 2 năm thi công, tháng 8/2008, dự án thủy lợi 20 REC được đưa vào vận hành, chưa đầy 7 tháng sau, toàn bộ thân đập đã bị vỡ tan tành ngay giữa mùa hè (ngày 5/5/2009). Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ đập 20 REC mà các cơ quan liên quan kết luận là do quá trình thi công đã để xảy ra quá nhiều sai sót dẫn đến chất lượng dự án không đạt yêu cầu!
Sự cố vỡ đập REC năm 2009 mãi là bài học đắt giá trong thiết kế và thi công |
Một ví dụ khác: đập Bàu Ngàng (thị trấn Vũ Quang) tuy không đến nỗi cạn kiệt, thế nhưng, chưa bao giờ lượng nước chứa trong đập Bàu Ngàng lại có thể tưới hết cho những cánh đồng trên địa bàn. Mục tiêu khi lập dự án xây dựng công trình sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho 30 - 35 ha đất canh tác. Điều này có nghĩa là sau khi đập Bàu Ngàng hoàn công sẽ cung cấp đủ nước phục vụ sản xuất toàn bộ cánh đồng Trươi. Thế nhưng, khi đưa vào sử dụng, người ta mới nhận ra rằng, cả hệ thống đập A lẫn đập B trị giá trên 700 triệu đồng chỉ có thể cung cấp nước tưới được chừng 1/3 diện tích. Nguyên nhân được nhìn nhận ở đây là rất nhiều hạng mục của dự án do chất lượng kém nên vừa bàn giao đã hư hỏng, xuống cấp, khiến công trình không thể phát huy tác dụng như thiết kế ban đầu.
Không đến nỗi tệ hại như đập 20 REC, đập Bàu Ngàng, song hàng loạt công trình thủy lợi khác như: đập Trạng, đập Đá, đập Lù (Hương Khê), hồ Khe Chẹt (Vũ Quang), đập Vàng Anh, đập Ngưng (Hương Sơn)… ngay sau khi vừa bàn giao cũng đã hư hỏng, xuống cấp, không thể đáp ứng được yêu cầu tưới tiêu.
Những hạn chế của các dự án thủy lợi còn có nguyên nhân chậm tiến độ. Điều không thể phủ nhận là hiện có rất nhiều công trình thủy lợi thi công kéo rê hết tháng này qua năm nọ mà vẫn không hoàn thành. Ví như dự án nâng cấp đập Khe Mơ (Sơn Hàm - Hương Sơn). Được khởi công xây dựng vào tháng 5/2011, dự kiến tháng 4/2013 sẽ hoàn thành nhưng đến nay (tính đến cuối tháng 6/2013), công trình vẫn ngổn ngang, chưa biết đến bao giờ mới hoàn thành. Người dân vùng dự án lại tiếp tục đối mặt với khó khăn do không có nguồn nước để canh tác và những cánh đồng nơi chân đập Khe Mơ vẫn tiếp tục hạn hán là điều không thể tránh khỏi...
Ngoài chất lượng thiết kế, thi công không đảm bảo, còn có lý do khá “nhạy cảm” đó là trong rất nhiều trường hợp, chủ đầu tư đã phải chấp nhận hi sinh vai trò của mình. Để có được công trình, không ít địa phương, đơn vị khi được giao làm chủ đầu tư đã phải "nhường" quyền tổ chức đấu thầu, chỉ định thầu cho cấp trên. Thậm chí, có tình trạng một số cá nhân đặt vấn đề thẳng với các đơn vị, địa phương về việc chạy vốn cho công trình, nhưng phải nhường lại các quyền trên cho họ. Điều này không chỉ tạo cơ hội dẫn đến những sai sót trong thiết kế mà còn bộc lộ nhiều kẽ hở trong thi công.
Nguyên nhân nữa liên quan đến việc hàng loạt công trình thủy lợi không sinh lợi là do nguồn kinh phí thu được từ các công trình này không đủ để chi trả cho việc quản lý điều hành, chưa nói đến duy tu, sửa chữa. Hệ quả, nhiều công trình dần xuống cấp theo năm tháng mà không có kinh phí bảo trì, sửa chữa kịp thời, theo đó, việc tưới tiêu cũng bị giảm sút theo thời gian.
(Còn nữa...)
Theo Đình Trung
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã