Dù ít học viên cũng phải dạy
Đến thời điểm hiện tại, khi mà năm học mới đã đi qua hơn 1 tháng thì tại nhiều Trung tâm TVHNDN & GDTX vẫn trong tình trạng vắng bóng học viên. Trung tâm của tỉnh chỉ tuyển được 6 học viên nên quyết định không mở lớp, nhường số lượng ít ỏi này cho Trung tâm Thành phố. Riêng Trung tâm HNDN & GDTX huyện Đức Thọ, năm học này chỉ tuyển được 3 học viên, năm trước đó không tuyển được em nào, năm trước nữa tuyển được 4 em. Như vậy toàn Trung tâm chỉ có 7 học viên với 2 lớp.
Lớp học chỉ có 3 học sinh tại Trung tâm HNDN & GDTX huyện Đức Thọ |
Ông Châu Quốc Sỹ - Giám đốc Trung tâm nói rằng, dù còn một học viên cũng phải dạy bởi xã hội vẫn đang có nhu cầu. Thêm nữa nếu không tổ chức lớp học thì 21 cán bộ giáo viên, trong đó 20 người thuộc biên chế nhà nước sẽ làm gì.
Ông Sỹ thẳng thắn thừa nhận: 21 cán bộ giáo viên, 2 cơ sở đào tạo quy mô, trị giá hàng chục tỉ đồng chỉ để phục vụ 7 học viên là một sự lãng phí lớn nhưng trong bối cảnh hiện tại Trung tâm không có nhiều sự lựa chọn.
Tại TX Hồng Lĩnh, để có được 20 học viên lớp 10, Trung tâm phải tìm đến các huyện Can Lộc, Đức Thọ, những địa bàn cách xa hàng chục cây số để vận động thuyết phục. Kết quả là có 30 hồ sơ đăng ký nhưng rốt cục chỉ có 20 em nhập học.
Dù ít học viên cũng phải dạy, đó là phương thức tồn tại của nhiều Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề và giáo dục thường xuyên ở Hà Tĩnh hiện nay. Theo một con số thống kê: năm học này chỉ có 3 Trung tâm tuyển được trên 100 học viên. 9 Trung tâm còn lại hầu như tuyển được rất ít, cho dù cán bộ giáo viên đã phải chủ động tìm đến các địa bàn nông thôn vận động thuyết phục con em thi trượt THPT.
Thu hút người học bằng cách nào?
Ông Trần Trung Dũng - Giám đốc sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho rằng, sự tồn tại của các Trung tâm TVHNDN & GDTX là cần thiết và phù hợp với các quy định của Luật Giáo dục, các chính sách về giáo dục. Nguyên nhân chính của tình trạng thầy nhiều hơn trò là do bản thân Trung tâm chưa xác định đúng vai trò. Thay vì tập trung cho việc hướng nghiệp dạy nghề thì các Trung tâm vẫn đang thiên về dạy bổ túc văn hóa như cách mà lâu nay vẫn thực hiện ở hệ thống giáo dục thường xuyên.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Trung Dũng thì nguyên nhân thừa thầy thiếu trò là do các Trung tâm chưa phát huy đúng chức năng |
Thế nhưng, qua tìm hiểu thực tế, một số Trung tâm lại cho rằng nếu tập trung dạy nghề thì Trung tâm không thể cạnh tranh được với chính các trường nghề. Hiện tại, các Trung tâm chỉ dạy một số nghề phổ thông như may, điện dân dụng… Kiến thức đơn giản và những tấm chứng chỉ dạy nghề của Trung tâm không đủ để giúp học viên vào đời, tìm kiếm việc làm.
Bà Phan Thị Thủy – Giám đốc Trung tâm TVGDHNDN & GDTX Thị xã Hồng Lĩnh cho rằng: nhà nước nên có chủ trương dành nguồn học sinh sau THCS không vào được THPT cho các Trung tâm TVGDHNDN & GDTX, còn các trường nghề chỉ nên tiếp nhận học sinh sau THPT không vào được đại học, cao đẳng. Như vậy, các Trung tâm sẽ đảm nhận cho xã hội phần việc rất có ý nghĩa đó là đào tạo bồi dưỡng những học sinh yếu kém, cá biệt, dìu dắt để các em từng bước trưởng thành, hoàn thiện nhân cách trước khi vào đời. Còn nếu duy trì tình trạng hiện tại thì việc cạnh tranh, chèo kéo học sinh giữa Trung tâm với các trường nghề là điều không tránh khỏi và bất lợi bao giờ cũng thuộc về Trung tâm.
Bà Thủy nêu ví dụ: kỳ thi vừa qua toàn thị xã có 735 thí sinh dự thi vào THPT thì 2 trường công lập trên địa bàn là THPT Hồng Lĩnh và THPT Hồng Lam đã nhận tới 635 em. Trừ các trường hợp bỏ thi, số lượng trượt THPT còn lại 86 em. Con số ít ỏi này tiếp tục được chia sẻ bởi cùng một lúc ba cơ sở đứng chân trên địa bàn là Trung tâm TVHNDN & GDTX, trường Cao đẳng nghề luyện kim Thái Nguyên và Trường Trung cấp kỹ nghệ. Một cuộc chèo kéo âm thầm bằng các phương thức cạnh tranh không lành mạnh đã diễn ra và rốt cục học sinh thi trượt cũng có giá.
Cũng cần phải nói thêm rằng, trong bối cảnh thừa thầy thiếu thợ, việc đào tạo nghề lại vẫn đang tồn tại những hiện tượng chồng chéo. Để thu hút học sinh, các trường nghề phải đưa vào chương trình một số môn văn hóa, thậm chí có trường dạy đến 7 môn văn hóa.
Ông Trần Ngọc Thăng – Giám đốc Trung tâm TVGDTX tỉnh cho rằng: trường nghề mà dạy tới 7 môn văn hóa thì thời gian đâu để học sinh học nghề. Ở chiều ngược lại, cũng để thu hút học sinh, các Trung tâm TVHNDN & GDTX lại phải dồn sức cho dạy nghề, cho dù thế mạnh vốn có của họ vẫn là dạy văn hóa. Dường như đang có câu chuyện các cơ sở bỏ sở trường để chạy theo… sở đoản. Tất cả không ngoài mục tiêu số 1 là thu hút học sinh.
Tồn tại hay giải tán
Trung tâm Giáo dục thường xuyên và Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề trước đây được ra đời để giải quyết yêu cầu xã hội trong một thời điểm lịch sử cụ thể. Đó là thời kỳ mà các trường THPT không đáp ứng đủ nhu cầu học tập của con em, buộc con em phải lựa chọn GDTX như là một cứu cánh.
Để có được 20 HS lớp 10, Trung tâm Hồng Lĩnh đã tìm đến các huyện Can Lộc, Đức Thọ |
Hiện tại, sứ mệnh đó đã chấm dứt khi mà nhiều trường THPT thậm chí đã hạ sát điểm đầu vào vẫn không tuyển đủ học sinh. Thêm nữa, trong bối cảnh các trường nghề bị cạnh tranh khốc liệt bởi các trường đại học cao đẳng (vốn được mở quá nhiều) dẫn tới trường nghề sẽ phải tìm đến học sinh sau THCS như là đối tượng thu hút chính. Bên cạnh đó, mỗi xã lại có thêm một Trung tâm học tập cộng đồng làm nhiệm vụ giáo dục cộng đồng trên địa bàn. Trong mối quan hệ tay đôi tay ba này, xem ra mục tiêu hướng nghiệp dạy nghề mà ngành Giáo dục định hướng cho các Trung tâm khó có thể biến thành ưu thế.
Không thể phủ nhận vị trí quan trọng của Trung tâm HNDN & GDTX trong hệ thống giáo dục quốc dân nhưng cũng thật khó có thể chấp nhận sự èo uột như cách hoạt động vào thời điểm hiện tại. Mọi sự tồn tại đều có lý và mọi sự có lý đều tồn tại. Liệu còn nhiều lý do cho sự tồn tại của Trung tâm HNDN & GDTX trong bối cảnh hiện tại hay không và nếu có lý do thì Trung tâm đang cần những gì ? Câu trả lời phụ thuộc vào sự đánh giá một cách thẳng thắn của những người có trách nhiệm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã