Thời gian qua, giá TĂCN thường xuyên tăng, trong khi giá heo, gà bán ra không tăng đã khiến người chăn nuôi ở Đồng Nai cũng như cả nước điêu đứng. Không ít “đại gia” nổi tiếng trong ngành chăn nuôi đã phải dẹp trại vì thua lỗ.
* Tăng kỷ lục
Đầu năm 2010, TĂCN cho heo, gà chỉ ở mức 7,5 ngàn đồng/kg, trong vòng hơn 3 năm, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng thêm khoảng 5 ngàn đồng/kg. Trung bình mỗi năm, giá TĂCN tăng 8-10 đợt và từ đầu năm 2013 đến nay, giá được điều chỉnh tăng thêm 2 lần. Trong khi giá TĂCN liên tiếp tăng thì giá heo, gà thường xuyên giảm. Bên cạnh đó, giá các loại thuốc thú y, công lao động đồng loạt tăng khiến nhiều trang trại trong tỉnh thua lỗ triền miên.
Trại heo của ông Nguyễn Văn Diện, xã Sông Trầu (huyện Trảng Bom) đang phải cầm cự vì giá heo thấp. |
Chị Nguyễn Thị Trang, chủ trang trại gà lớn ở ấp Đức Long 2, xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho hay: “Hơn 3 năm qua, giá TĂCN bị các công ty điều chỉnh tăng thường xuyên trong khi giá gà bán ra chỉ tăng nhẹ, nhiều thời điểm còn giảm mạnh, đa số các trại đều thua lỗ. Để trụ được với nghề chăn nuôi, từ đầu năm đến nay tôi đành chuyển qua nuôi gia công cho Công ty TNHH một thành viên chăn nuôi Bình Minh”.
Theo Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn, giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu trong tháng 3 đạt 187 ngàn tấn, đưa kim ngạch nhập khẩu 3 tháng đầu năm 2013 đạt 547 triệu USD, tăng 18,2% so cùng kỳ năm trước. |
Nỗi niềm của chị Trang cũng là khó khăn chung của các trang trại chăn nuôi heo, gà trong tỉnh hiện nay. Trao đổi về việc giá TĂCN ở Việt Nam cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, như: Trung Quốc, Thái Lan…, ông Phạm Đức Bình, Phó chủ tịch Hiệp hội TĂCN Việt Nam nhận định: “Giá TĂCN Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực đến 20% là do phải chịu thuế VAT, lãi suất ngân hàng cao gấp 2 lần các nước trong khu vực. Ngoài ra, chi phí bán hàng, vận chuyển đến người chăn nuôi nhỏ lẻ qua nhiều khâu trung gian cũng khiến giá TĂCN bị đẩy tăng thêm nhiều”. Ông Bình cho biết thêm, tuy ngành chăn nuôi đang đứng bên bờ vực vì thua lỗ, nhưng các nhà máy sản xuất TĂCN lớn trong nước vẫn thu lợi nhuận 3-7%, trong khi các nước trên thế giới chỉ từ 1-1,5%.
* Đi tìm giải pháp
Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai nói: “Những trang trại chăn nuôi heo, gà còn trụ được đến thời điểm này đa số dùng cám trộn để giảm giá thành. Hoặc chuyển qua nuôi gia công cho công ty nước ngoài hoặc một số công ty chăn nuôi lớn trong nước. Song giá heo, gà tiếp tục nằm dưới giá thành thêm một thời gian nữa chắc nhiều trang trại dùng cám trộn cũng không cầm cự nổi”. Ông Nguyễn Công Khanh, chủ trang trại heo xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất) tính toán: “Giá TĂCN của các công ty lớn tăng quá cao, còn giá heo hiện xuống mức 34-38 ngàn đồng/kg, dưới giá thành 6-8 ngàn đồng/kg. Để giữ được đàn heo, tôi chuyển qua dùng cám trộn giảm được hơn 1 ngàn đồng/kg so với cám mua từ các công ty”.
Công ty cổ phần chăn nuôi Phú Sơn tự trộn thức ăn chăn nuôi để giảm giá thành. Ảnh: H.Giang |
Câu hỏi được nhiều người chăn nuôi trong tỉnh đặt ra là, trong khi người chăn nuôi thua lỗ liên miên thì các doanh nghiệp sản xuất TĂCN trong nước vẫn có lợi nhuận cao gấp 2-4 lần các doanh nghiệp cùng ngành trên thế giới và hầu như chưa có động thái chia sẻ nào với người chăn nuôi. Ông Triệu Minh Lực, trợ lý Tổng giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam cho biết: “Công ty cung cấp cho thị trường Việt Nam khoảng 2 triệu tấn TĂCN/năm. Để chia sẻ bớt khó khăn với người chăn nuôi trong nước, công ty tính tới đây có thể sẽ giảm giá TĂCN”.
Thống kê của Hiệp hội TĂCN Việt Nam cho biết, cả nước có hơn 230 doanh nghiệp sản xuất TĂCN. Trong đó, các nhà máy sản xuất lớn từ 50-100 ngàn tấn/năm đều thuộc doanh nghiệp nước ngoài. |
Theo ông Phạm Đức Bình, với tình hình như hiện nay, chăn nuôi nhỏ sẽ bị thu hẹp vì không thể cạnh tranh nổi. Ngoài ra, Chính phủ nên có những chính sách cụ thể như tạo được vùng nguyên liệu, giảm bớt nhập khẩu. Giảm thuế VAT với TĂCN và cho người chăn nuôi vay vốn với lãi suất thấp để có thể mua TĂCN trực tiếp từ các nhà sản xuất, giảm bớt các khâu trung gian và chi phí vận chuyển nhiều lần.
Hương Giang
Theo baodongnai.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã