Thực trạng sản xuất chăn nuôi của nước ta trong thời gian qua biến động nhiều theo chiều hướng tăng năng suất, sản lượng nhiều hơn tăng quy mô đầu con. Dịch bệnh diễn biến phức tạp, luôn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trên diện rộng, gây tâm lý lo ngại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm...; giá các nguyên liệu đầu vào, nhất là nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi ngày càng tăng, người chăn nuôi thiếu vốn trong khi lãi suất tín dụng lại cao…
Ông Tống Xuân Chinh (Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi) cho biết, khu vực trung du và miền núi phía Bắc là vùng có thế mạnh về phát triển gia súc ăn cỏ, là nơi lưu giữ, bảo tồn và phát triển nhiều loại vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao như bò Mông, lợn mán, gà đồi, dê núi… Dù vậy, trong quá trình phát triển chăn nuôi, vùng này cũng bộc lộ những bất cập như chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng cao cả về số lượng đầu con và sản lượng thịt (năm 2011, tỷ lệ chăn nuôi lợn với quy mô từ 1 đến 2 con vẫn chiếm 52%; chăn nuôi gà quy mô từ 1 đến 19 con vẫn chiếm 50%); vấn đề kiểm soát dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới hiện hữu trong bối cảnh sản phẩm chăn nuôi rớt giá lâu và sâu.
Từ những khó khăn trên, các ý kiến tham luận tại hội nghị đã tập trung đưa ra những đặc trưng địa phương, kinh nghiệm, giải pháp, đồng thời đề xuất cơ chế để tháo gỡ khó khăn, vực dậy ngành chăn nuôi. Ông Đàm Văn Eng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng) cho biết, ngành chăn nuôi chiếm 30% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Cao Bằng. Chính vì vậy, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích phát triển chăn nuôi. Điều trăn trở lớn nhất của Cao Bằng hiện nay là việc thực hiện giải pháp quyết liệt, ngăn chặn triệt để giống gia cầm nhập lậu sẽ không đi vào lòng dân vì dân giáp biên sẽ không có giống để sản xuất chăn nuôi. Cao Bằng chưa có cơ sở sản xuất giống gia cầm, trong khi đó, các hộ dân vùng biên trong nhiều năm qua luôn luôn sử dụng giống gia cầm từ Trung Quốc. Để đảm bảo việc phát triển chăn nuôi hiệu quả, ổn định, về lâu dài, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ để kêu gọi nhà đầu tư trong nước tổ chức sản xuất giống gia cầm tập trung tại chỗ tại vùng miền núi, biên giới.
Ông Trần Đức Lâm (Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái) cho biết, phát triển chăn nuôi hiệu quả phải dựa vào phương châm 3 chống: Chống dịch, chống rét và chống nhập lậu. Theo ông Lâm, những năm vừa qua, số lượng gia súc chết rét gấp hàng chục lần so với chết do dịch. Chính vì vậy cần đẩy mạnh việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người chăn nuôi khu vực trung du miền núi phía Bắc thực hiện việc phòng chống rét cho vật nuôi. Một giải pháp quản lý khác góp phần hạn chế việc nhập lậu sản phẩm chăn nuôi không rõ nguồn gốc là thực hiện quy hoạch chăn nuôi để cân bằng theo hướng nguồn cung đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng của thị trường.
Phân tích những thuận lợi, khó khăn của ngành, xu thế trong thời gian tới, ông Nguyễn Xuân Dương (Phó Cục trưởng phụ trách Cục Chăn nuôi) cho biết, Cục Chăn nuôi đã xác định mục tiêu chung phát triển chăn nuôi trong giai đoạn 2013-2015 nhằm tái cơ cấu sản xuất chăn nuôi phù hợp với kinh tế thị trường, đáp ứng cơ bản các thực phẩm thiết yếu cho tiêu dùng và nâng cao thu nhập của người nông dân, gắn phát triển chăn nuôi với xây dựng nông thôn mới. Qua đó, các giải pháp được xây dựng là tái cơ cấu phương thức tổ chức sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng sản xuất chăn nuôi trang trại quy mô vừa và lớn; tái cơ cấu vật nuôi, khuyến khích phát triển những loại vật nuôi có lợi thế của Việt Nam... Song hành với tái cơ cấu ngành là nhóm các giải pháp đồng bộ về kỹ thuật, quản lý và giải pháp cụ thể đối với từng loại vật nuôi.
Qua nghe hiến kế của các địa phương, các viện cũng như lãnh đạo ngành nông nghiệp 14 tỉnh thuộc khu vực trung du miền núi phía Bắc, phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám cho rằng, khu vực trung du và miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế về phát triển chăn nuôi. Bài toán riêng của các tỉnh trong khu vực là ngoài việc ngăn chặn tình trạng nhập lậu sản phẩm chăn nuôi thì đồng thời phải tiến hành kiểm soát để chuyển hạn chế thành lợi thế, tiềm năng, qua đó tạo sự hợp tác hiệu quả, nâng tầm để phát triển chăn nuôi.
Về nguồn giống chăn nuôi, Thứ trưởng khẳng định, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Trung ương cho các DN về giống tổ chức hoạt động sản xuất, cung ứng giống vật nuôi tại chỗ cho các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Hiện Bộ có quy định hỗ trợ cho cả những DN tư nhân thực hiện việc sản xuất giống tại các khu vực trên. Thứ trưởng cho biết, Bộ NN-PTNT thực hiện việc tổ chức hội nghị chuyên đề này tại 3 vùng trong cả nước. Đó là cơ sở để thống nhất các giải pháp, định hướng đưa ngành chăn nuôi vượt qua khó khăn, phát triển ổn định.
Theo Nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã