Tôm giống
Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, tính hết tháng 5/2016, cả nước có 1.750 cơ sở sản xuất giống tôm nước lợ, trong đó 1.240 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 510 cơ sở sản xuất giống tôm thẻ chân trắng (TTCT). Trong đó, số lượng qua các năm được thể hiện ở bảng 1.
Khu vực sản xuất tôm giống trọng điểm của nước ta là các tỉnh Nam Trung bộ (Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận). Trong đó, Khánh Hoà 28 cơ sở sản xuất tôm sú, 73 cơ sở sản xuất TTCT; Ninh Thuận 200 cơ sở sản xuất tôm sú, 250 cơ sở sản xuất TTCT; Bình Thuận 25 cơ sở sản xuất tôm sú, 131 cơ sở sản xuất TTCT. Hàng năm các cơ sở tại khu vực này cung cấp khoảng 50% số lượng giống tôm nước lợ cho nhu cầu thả nuôi của cả nước, số còn lại được sản xuất các tỉnh ĐBSCL (Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau) và các tỉnh phía Bắc (Quảng Ninh, Nghệ An và Hà Tĩnh). Tuy nhiên, phần lớn cơ sở tại các tỉnh phía Bắc là chi nhánh của các doanh nghiệp sản xuất giống ở các tỉnh Nam Trung bộ vận chuyển Nauplius hoặc Postlava cỡ nhỏ để ương thành tôm giống cung cấp cho nhu cầu thả nuôi của người dân ngay tại khu vực đó.
Các tỉnh sản xuất tôm giống trọng điểm trước đây là Bình Thuận, Ninh Thuận. Tuy nhiên, một vài năm gần đây đang có sự dịch chuyển vào các tỉnh phía Nam như Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang. Các cơ sở sản xuất giống nhỏ lẻ ngày càng bị thu hẹp và có xu hướng tập trung thành các tổ hợp có quy mô lớn hơn. Mặc dù sản xuất giống ở phía Nam điều kiện không thuận lợi như miền Trung nhưng con giống sản xuất tại chỗ thích nghi tốt với môi trường, giảm giá thành vận chuyển, sức khỏe tôm giống tốt hơn.
Tôm bố mẹ
Với nhu cầu tôm giống hàng năm khoảng 130 tỷ con thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con (trong đó: 200.000 TTCT và 30.000 tôm tôm sú). Hiện tại nguồn tôm bố mẹ cung cấp cho sản xuất tôm giống ở nước ta từ 3 nguồn đánh bắt tự nhiên; từ nhập khẩu; sản xuất trong nước.
Trong đó, với tôm sú bố mẹ: sản xuất trong nước được khoảng 10.300 con, nhập nội khoảng 3.000 con; còn lại là khai thác từ tự nhiên. Với TTCT bố mẹ: Chủ yếu được nhập khẩu từ Mỹ, Singapore, Thái Lan và Mexico. Theo thống kê của Tổng cục Thủy sản, năm 2015 số lượng TTCT bố mẹ nhập khẩu là 187.000 con trong đó Thái Lan chiếm 37%, Mỹ là 36%, Singapore là 22%, Mexico và một số nước khác là 3%. Riêng Tập đoàn Việt - Úc từ tháng 6/2015 đã chọn tạo thành công TTCT trong nước thế hệ G3, được công nhận giống thủy sản mới tại Quyết định số 276/QĐ-TCTS-NTTS ngày 8/6/2015. Mỗi năm sản xuất được 5.000 - 10.000 con tôm bố mẹ phục vụ cho nhu cầu sản xuất tôm giống của Tập đoàn; tính đến hết tháng 5/2016 là 65.000 con.
Nghiên cứu phát triển TTCT trong nước: Trong khuôn khổ chương trình phát triển sản xuất TTCT bố mẹ trong nước. Tổng cục Thủy sản chủ trì, giao cho các Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II và III đã thu thập được 13 quần đàn từ các nước Mỹ, Colombia, Ecuador, Mexico, Singapore, Thái Lan làm cơ sở cho chọn tạo giống. Đến cuối năm 2015, các Viện Nghiên cứu NTTS I, II, III đã đánh giá và lựa chọn được 4 đàn là SIS, CP, Mexico và Ecuado có chất lượng tốt nhất làm vật liệu cho việc phát triển TTCT bố mẹ trong nước.
Đối với tôm sú: Thành công gia hóa tạo tôm bố mẹ tôm sú trong điều kiện nhân tạo. Viện Nghiên cứu NTTS I sản xuất tại Ninh Thuận (Nguồn tôm sú bố mẹ do Công ty MOANA của Mỹ (là đơn vị hợp tác sản xuất với Viện Nghiên cứu NTTS I) nhập PL từ Hawaii về sản xuất thành tôm bố mẹ. Tôm sú Moana đã được Bộ NN&PTNT công nhận giống thủy sản mới. Mỗi năm Công ty có thể cung cấp cho thị trường khoảng 10.000 con tôm bố mẹ). Và Viện Nghiên cứu NTTS II sản xuất tại Vũng Tàu. Tổng số tôm bố mẹ sản xuất được năm 2015 là 10.300 tôm bố mẹ. Tôm bố mẹ gia hóa trong điều kiện kiểm soát an toàn sinh học tốt nên sạch bệnh hơn so với tôm khai thác tự nhiên. Tuy nhiên, sức sinh sản của tôm gia hóa còn thấp (đạt 40% so với tôm đánh bắt tự nhiên).
Những tồn tại, hạn chế
Tuy đã đạt được những thành tựu về sản xuất và cung ứng giống, nhưng vẫn còn nhiều bất cập hạn chế đối với con tôm giống ở nước ta như: Tôm bố mẹ được cung cấp chủ yếu từ nguồn nhập nội và khai thác từ tự nhiên, sản xuất trong nước chưa đáp ứng được sản xuất trong nước (tôm sú 34,3%; TTCT 5,0%) dẫn đến sản xuất thiếu tính chủ động, phụ thuộc vào các nước xuất khẩu. Từ đầu năm 2016, việc cung cấp TTCT bố mẹ của Công ty C.P. Thái Lan cho các doanh nghiệp ở Việt Nam có phần hạn chế; Chất lượng tôm bố mẹ còn chưa ổn định, theo phản ánh của các cơ sở nhập khẩu tôm bố mẹ, nhiều lô có chất lượng khác nhau; Việc nghiên cứu chọn tạo tôm bố mẹ trong nước còn chậm, mặc dù đầu tư hỗ trợ của nhà nước nhưng chương trình tôm bố mẹ chưa được như mong muốn; Các nước trên thế giờ hiện nay đa số chọn tạo tôm bố mẹ theo hướng sạch bệnh (SPF) và tăng trưởng, chưa chú trọng đến kháng bệnh.
Định hướng phát triển
Bộ NN&PTNT đã thành lập Ban chỉ đạo phát triển tôm nước lợ. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là rà soát các chương trình, dự án để phục vụ cho một mục đích là tạo ra đàn tôm chọn giống trong nước có chất lượng, hạn chế việc nhập khẩu. Trong đó, Tổng cục Thủy sản tiếp tục giao cho các viện nghiên cứu phối hợp với các doanh nghiệp tiếp tục chọn tạo tôm bố mẹ trong nước theo hướng tăng trưởng và kháng bệnh; Khuyến khích các doanh nghiệp tham gia nghiên cứu, chọn tạo tôm bố mẹ.
>> Với diện tích nuôi tôm nước lợ hàng năm của nước ta khoảng 6.000 ha thì số lượng tôm bố mẹ cần để sản xuất giống là 230.000 con (200.000 TTCT và 30.000 tôm tôm sú) và nhu cầu con giống là 130 tỷ con (100 tỷ giống TTCT và 30 tỷ giống tôm sú). |
Nguồn: thuysanvietnam.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã