Tuy nhiên, chính sách tưởng như ưu việt này lại rất khó thực hiện. Trả lời phỏng vấn NTNN, bà Tống Thị Song Hương – Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) thừa nhận thực tế, riêng đối tượng nông dân chưa có tiêu chí xác định nên đến giờ chính sách hỗ trợ phí BHYT tự nguyện cho nông dân vẫn nằm trên “văn bản”.
Thẻ bảo hiểm y tế đem lại lợi ích lớn cho nông dân, người nghèo... Ảnh: Nộp viện phí tại Bệnh viện Việt Đức, Hà Nội. |
Hiện nay còn hơn 35% người dân chưa tham gia BHYT, theo bà đây là các đối tượng nào?
- Đáng tiếc là trong số này, phần lớn là những người rất cần thẻ BHYT. Họ là những người cận nghèo, nông dân và người làm nông nghiệp, học sinh, lao động tự do... cuộc sống còn khó khăn, nếu bị ốm đau, bệnh trọng mà không có BHYT thì rất dễ bị nghèo hóa. Đặc biệt, mới chỉ có hơn 27% người cận nghèo có thẻ BHYT, mặc dù ngân sách nhà nước đã hỗ trợ đến 70% tiền mua thẻ.
Trong dự thảo, Bộ Y tế đề xuất Chính phủ tăng tiền hỗ trợ mua thẻ BHYT cho nông dân, ngư dân từ 30% lên 50% giá trị thẻ. Căn cứ vào đâu để Bộ có đề xuất này?
- Theo số liệu thống kê thì nông dân vẫn chiếm hơn 70% dân số. Ngoài các đối tượng chính sách, người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em dưới 6 tuổi… thì nhóm tự nguyện đóng BHYT chính là nông dân và lao động làng nghề, ước tính khoảng 19,5 triệu người. Tuy nhiên, mới chỉ có 25,6% số này tham gia BHYT. Để hỗ trợ nhóm đối tượng này tham gia BHYT, từ ngày 1.1.2012, Luật BHYT đã quy định: “Hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT từ ngân sách nhà nước”. Và dự thảo đang đề xuất tăng lên 50% vì đời sống của những người dân này vẫn thực sự khó khăn.
Tới thời điểm này, có bao nhiêu nông dân được hỗ trợ phí BHYT mức 30%, thưa bà?
- Thực tế, thậm chí với mức 30%, cũng chưa có nông dân nào được hưởng.
Chính phủ giao cho Bộ LĐTBXH xây dựng “Tiêu chí nông dân”, “Tiêu chí xác định hộ có mức sống trung bình” nhưng đến nay vẫn chưa xong. Quy trình rà soát cũng chưa được ban hành nên chưa có cơ sở để triển khai BHYT với nhóm đối tượng này. Nếu không rà soát và phân loại đúng thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo, trùng lặp, như cùng là người cận nghèo, cùng là nông dân, diện chính sách, người cao tuổi… Ngoài ra còn có tình trạng “giả nông dân” để hưởng lợi. Vì thế, nếu đề án được thông qua thì chúng tôi cũng sẽ phải ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể để nông dân được hưởng lợi ích.
Thực tế người cận nghèo được hỗ trợ 70% giá trị thẻ cũng ngại mua thẻ BHYT, rất có thể nông dân - dù được hỗ trợ tới 50%, cũng sẽ như vậy. Theo bà, cần có cú hích nào mạnh mẽ hơn để người dân tự nguyện tham gia BHYT?
- Người dân chưa tham gia BHYT một phần do vẫn thấy phiền toái, phức tạp khi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Hơn nữa, trước đây tiền khám bệnh có 3.000 đồng/lần, ai cũng có thể bỏ tiền ra khám. Các gói dịch vụ cũng chưa tính đúng, tính đủ nên giá trị chi trả của BHYT quá thấp, một ca phẫu thuật hết hơn 1 triệu đồng, bảo hiểm chi trả cho có hơn 100.000 đồng thì… chẳng bõ. Còn hiện nay, viện phí tăng, các gói dịch vụ tính đúng, tính đủ, nếu tham gia BHYT, người dân sẽ không phải chi phí nhiều.
Đó là về mặt viện phí, về chính sách chung, Bộ Y tế cũng sẽ có nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tuyến dưới, giảm quá tải tuyến trên; đổi mới cơ chế tài chính như chuyển cung cấp tài chính cho bệnh viện sang cung cấp cho người thụ hưởng, xây dựng gói quyền lợi phù hợp, tính đúng, tính đủ…
Xin cảm ơn bà!
Diệu Linh (thực hiện)
Nguồn : danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã