Các tỉnh phía bắc có tài nguyên phong phú, nhiều sông, ngòi, là điều kiện thuận lợi để phát triển nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản, đa dạng hóa đối tượng, phương thức nuôi trồng. Trong đó, nuôi cá lồng trên sông, hồ chứa nhiều tiềm năng, lợi thế bởi diện tích mặt nước các hồ thủy điện như Thác Bà, Sơn La, Tuyên Quang... rất lớn. Hiện, tổng thể tích nuôi cá lồng trên sông, hồ của các tỉnh phía bắc là 960 nghìn m3 lồng và 1.800 lồng nuôi. Sản lượng nuôi đạt gần 48 nghìn tấn. Một số tỉnh có số lượng lồng nuôi cá trên sông, hồ lớn như Hải Dương 300 nghìn m3 lồng, sản lượng 6.284 tấn; Bắc Ninh 152 nghìn m3 lồng, sản lượng 5.111 tấn; Hòa Bình có 42.500 m3 lồng, sản lượng 1.772 tấn; Phú Thọ 13 nghìn m3 lồng, sản lượng 3.890 tấn; Tuyên Quang 41 nghìn m3 lồng, Lào Cai 63 nghìn m3 lồng, và Sơn La gần 40 nghìn m3 lồng. Một số địa phương còn lợi thế phát triển nuôi cá nước lạnh cho giá trị kinh tế cao như cá hồi, cá tầm, tiêu biểu là Quảng Ninh 30 nghìn m3, Lào Cai là 50.890 m3, Thái Nguyên 2.500 m3, Sơn La là 3.000 m3...
Bên cạnh đó, với lợi thế về chiều dài bờ biển, các tỉnh Quảng Ninh, Nam Định, Hải Phòng, Thanh Hóa có hơn 25 nghìn ha cá nước lợ. Hiện nay, Quảng Ninh là địa phương có diện tích cá nước lợ lớn nhất, gần 10 nghìn ha, tiếp đến là Thanh Hóa 4.073 ha, Nam Định 3.523 ha… Đồng thời, nhiều tỉnh ven biển nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là hàu, ngao, tu hài, sò huyết và ốc hương) với diện tích và sản lượng lớn là Thái Bình 3.300 ha, cho sản lượng đạt 80.000 tấn; Nam Định 1.954 ha, đạt 31.322 tấn; Quảng Ninh 4.197 ha, đạt 21.800 tấn.
Mặc dù nuôi trồng thủy sản các tỉnh phía bắc phát triển mạnh trong những năm qua, nhưng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, khó lường, mưa lũ, lũ quét, lũ ống thường xuyên xảy ra khiến cho người nuôi luôn đối mặt với nhiều khó khăn, bất lợi. Ngoài ra, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông không thuận lợi, khiến việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Trong khi diện tích nuôi thủy sản chủ yếu trong các hộ gia đình nhỏ lẻ, manh mún, dịch vụ hậu cần nghề cá chưa được đầu tư tương xứng, vì vậy chưa tạo thành vùng sản xuất tập trung để có nguyên liệu phục vụ chế biến, xuất khẩu, mà chủ yếu vẫn phục vụ tiêu dùng nội địa.
Để phát triển thủy sản bền vững, các địa phương đang đẩy mạnh triển khai thực hiện chương trình cơ cấu lại ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị thương mại và phát triển bền vững, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, cũng như chất lượng và giá trị sản phẩm. Tùy theo đặc điểm địa hình diện tích mặt nước sông hồ, vùng ven biển để ưu tiên phát triển các đối tượng thủy đặc sản theo phương châm “mỗi vùng một sản phẩm”. Trong đó, các địa phương có nhiều diện tích tiềm năng để phát triển nuôi trồng thủy sản hàng hóa được khuyến khích doanh nghiệp đầu tư để phát triển thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nhất là phát triển nuôi các loài cá có giá trị kinh tế cao.
Các trung tâm giống, các cơ sở sản xuất giống thủy sản, các doanh nghiệp tập trung quản lý tốt chất lượng con giống, thức ăn; có kế hoạch và đầu tư về con giống bố mẹ đạt chuẩn thay thế nguồn giống tự nhiên của một số loài thủy sản đặc sản đang có nguy cơ tuyệt chủng. Nâng cao chất lượng giống bản địa, giống truyền thống; từng bước đưa các loài giống mới, giống có chất lượng cao, giống nhập ngoại vào nuôi để nâng cao năng suất, sản lượng và nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Đặc biệt, công nghệ lưu giống qua mùa đông và cung cấp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng giống cho sản xuất vào thời điểm đầu vụ nuôi, nhất là phù hợp đặc thù bị ảnh hưởng thời tiết mùa đông ở các tỉnh phía bắc.
Để phòng ngừa dịch bệnh, cần quan tâm đầu tư nguồn lực, trang thiết bị, cán bộ chuyên trách thực hiện nhiệm vụ quan trắc môi trường và phòng ngừa dịch bệnh; xây dựng quy trình quan trắc, tập huấn và triển khai công tác dự báo, cảnh báo môi trường cho người nuôi trồng thủy sản tại vùng nuôi tập trung nhằm hạn chế rủi ro. Đồng thời, tập huấn ứng dụng khoa học - công nghệ mới vào sản xuất và tuyên truyền về chất lượng, an toàn vệ sinh thú y thủy sản, nhằm nâng cao nhận thức của người nuôi trong quá trình nuôi trồng thủy sản, để sản phẩm khi thu hoạch bảo đảm an toàn về chất lượng trước khi cung ứng ra thị trường.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã