Thủ phạm gây bệnh không lây nhiễm
Cùng với sự phát triển kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp và gia tăng dân số, VN đang đối mặt với nhiều nguy cơ sức khỏe do môi trường truyền thống và hiện đại. PGS. TS Nguyễn Huy Nga, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng, điều đầu tiên mà người dân đang phải đối diện đó là tình trạng thiếu nguồn nước sạch. Hiện tại mới có 85% hộ gia đình nông thôn có nước sạch. Trong đó hơn 40% đạt tiêu chuẩn nước nông thôn của Bộ Y tế.
Đặc biệt, ý thức vệ sinh môi trường của người dân còn rất thấp, hiện tại chỉ có 65% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo quy định của Bộ Y tế và gần 4 triệu người phóng uế ra môi trường.
Ngoài ra, chúng ta vẫn đang phải đối diện với tình trạng ô nhiễm nguồn nước, đất do phát triển công nghiệp và nông nghiệp không được kiểm soát. Các chất độc, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải y tế đang gây ảnh hưởng lên sức khỏe cộng đồng. Ô nhiễm không khí do công nghiệp và giao thông phát triển quá nhanh (74 nhà máy xi măng với trên 80 triệu tấn/ năm thải ra không khí khí khói bụi, chất độc nặng. Các bệnh hô hấp, dị ứng tăng nhanh ở đô thị. Đặc biệt, tình trạng ô nhiễm tại các làng nghề đến mức báo động…
Đây chính là những nguyên nhân gây nên những bệnh không lây nhiễm cho con người. Theo thống kê, hiện các bệnh không truyền nhiễm chiếm tới 71% gánh nặng bệnh tật. Ước tính năm 2012 cả nước có 520.000 ca tử vong các loại, trong đó 379.600 (73%) ca tử vong là do các bệnh không lây nhiễm. Trung bình cứ 10 người chết thì có 7 người chết do các bệnh không lây nhiễm chủ yếu là các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hiện tại nước ta có khoảng trên 2 triệu người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và hen phế quản và mỗi năm có khoảng 125.000 người mắc mới ung thư. Bên cạnh đó, các bệnh không lây nhiễm gây tàn phế nặng nề và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh nếu không được phát hiện sớm và điều trị, theo dõi, chăm sóc lâu dài.
Vẫn còn chồng chéo
Trong khi ở các nước phát triển, những yếu tố từ môi trường tác động đến sức khỏe được quan tâm đặc biệt thì, tại Việt Nam theo PGS. TS Nguyễn Huy Nga đánh giá, chúng ta đã có những hoạt động về chuyên ngành sức khỏe môi trường ở các bộ ngành và các cơ sở nhưng chưa có một hệ thống phù hợp với sự chỉ đạo thống nhất.
TS Nga đưa ra dẫn chứng: Trước năm 2014, Bộ Y tế theo truyền thống được coi là cơ quan đầu mối về sức khỏe môi trường nhưng lại không phân công nhiệm vụ chính thức. Điều này được thể hiện rõ tại QĐ – TTg (năm 2014) yêu cầu Bộ Y tế xây dựng hồ sơ sức khỏe môi trường, xác định và cảnh báo các yếu tố nguy cơ cao tới sức khỏe con người, ngăn chặn và giảm thiểu các ảnh hưởng của môi trường lên sức khỏe cộng đồng. Tuy nhiên, những việc này để giúp Bộ Tài nguyên môi trường làm đầu mối hợp tác quốc tế về sức khỏe môi trường.
Chung quan điểm này, TS. Lê Thị Thanh Hương, trường ĐH Y tế Công cộng cho rằng quan niệm về sức khỏe môi trường ở nước ta chưa thống nhất, thiếu các nghị định thông tư hướng dẫn dưới luật. Trong khi đó, các văn bản quy phạm pháp luật và chính sách về sức khỏe môi trường chưa nhiều và thiếu các hướng dẫn cụ thể. Đặc biệt có sự chồng chéo trong phân công công việc và lĩnh vực quản lý về sức khỏe môi trường.
Theo đó có tới 10 Bộ, ngành cùng tham gia quản lý vấn đề môi trường (Bộ Công thương, Công an, GTVT, Y tế, Xây dựng, NT & PT NT, Khoa học & Công nghệ; TT & TT; Tổng Cục Thống kê; Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch).
Có lẽ chính bởi quá nhiều bộ cùng tham gia quản lý vấn đề này nên, đến thời điểm này chúng ta cũng chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu quốc gia về sức khỏe môi trường. Trong đó, theo TS Hương chúng ta thiếu các số liệu nền về sức khỏe môi trường, đặc biệt là các số liệu dịch tễ học minh chứng tác động của các yếu tố môi trường lên sức khỏe.
Trước những tồn tại này, nhiều chuyên gia kiến nghị, nên có cơ quan đầu mối quản lý sức khỏe môi trường. Cụ thể, Chính phủ nên giao nhiệm vụ cho Bộ Tài nguyên & Môi trường là đơn vị đầu mối chịu trách nhiệm quản lý và điều phối các hoạt động sức khỏe và môi trường ở Việt Nam.
Có như vậy chúng ta mới có những nghiên cứu, dự báo, cảnh báo, dự phòng các nguy cơ sức khỏe môi trường nhằm đưa ra các biện pháp giảm thiểu các ảnh hưởng có hại lên sức khỏe con người.
N. Huyền
theo infonet
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã