Học tập đạo đức HCM

Khủng hoảng tôm, cá tra ở ĐBSCL

Thứ hai - 05/11/2012 20:33
Sản xuất, kinh doanh cá tra và tôm nước lợ, hai ngành chủ lực của thủy sản ĐBSCL cũng như cả nước, đang ở giai đoạn khó khăn chưa từng có, hệ quả của quá trình phát triển chiều rộng.

Cá tra bố mẹ sản xuất giống ở Hồng Ngự.

Vòng xoáy khủng hoảng

Ông Trương Hồng Hải ở thị trấn Cái Nhum (Mang Thít, Vĩnh Long) có 9.000 m2 ao nuôi cá tra, than thở tình trạng giá cá rẻ mà bán khó. Giá thành 24.000 đồng/kg, cá loại tốt nhất chỉ bán được 22.000 đồng/kg, còn bị chê ỏng eo.

Người nuôi cá tra ĐBSCL đang rơi vào hoàn cảnh tương tự giữa năm 2008, chỉ khác hồi đó sản lượng cá tra nguyên liệu thừa so với công suất nhà máy chế biến, còn nay thì ngược lại.

Hồi giữa năm 2008, mới 57 doanh nghiệp có nhà máy chế biến và nhiều ý kiến đòi hỏi doanh nghiệp xuất khẩu cá tra phải có nhà máy chế biến. Sau đó, diễn ra sự “bùng nổ” nhà máy chế biến cá tra mà Tổng cục Thủy sản đánh giá là “thiếu kiểm soát”.

ĐBSCL hiện có khoảng 100 nhà máy chế biến đông lạnh cá tra, tổng công suất gần 1 triệu tấn sản phẩm/năm.

Trong lúc, sản lượng cá tra nguyên liệu chỉ hơn 1 triệu tấn/năm, nghĩa là nguyên liệu chỉ đáp ứng hơn nửa công suất, nên bình quân các nhà máy đang hoạt động 60% công suất.

Năm nay sản phẩm cá tra xuất khẩu liên tục giảm giá. Mặc dù Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) thống nhất giá sàn trên 3 USD/kg nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn xuất 2,4- 2,6 USD/kg.

Con tôm nước lợ còn lao đao hơn. Dịch bệnh kéo dài từ năm 2011 đến nay chưa dứt, làm cho tỉnh Sóc Trăng, nơi có diện tích nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, thiệt hại hơn 4.000 tỷ đồng và 14 nhà máy chế biến luôn thiếu nguyên liệu.

Tỉnh Trà Vinh, sản lượng tôm nuôi giảm gần 50% nên nhiều nhà máy chế biến hoạt động cầm chừng. Tỉnh Cà Mau có 34 nhà máy chế biến tôm xuất khẩu cũng chỉ hoạt động dưới 50% công suất.

Giá tôm nguyên liệu lại liên tục giảm, có lúc tôm sú 30 con/kg chỉ còn 125.000 đồng/kg, giảm hơn 100.000 đồng/kg so với năm ngoái. Theo VASEP, đến ngày 15-10, kim ngạch xuất khẩu tôm sú giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sản lượng nuôi vượt quá công suất chế biến đã gây nhiều thiệt hại, nay ngược lại thì thiệt hại cũng không nhỏ và còn ẩn chứa nguy cơ lớn hơn.

Tại cuộc họp do Bộ Công Thương tổ chức ngày 24-10, tại TP Cần Thơ, TGĐ Cty Cổ phần Thủy sản Sạch Việt Nam (VINA CLEANFOOD) Võ Văn Phục cho rằng, hơn 50% nhà máy chế biến thủy sản ở ĐBSCL đang khốn đốn.

Đặc biệt, ông Phúc nói “trên 80% nhà máy ra đời từ nguồn vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam, đang trên bờ vực phá sản”.

Qua phà Phú An sang cù lao Long Phú Thuận (Hồng Ngự, Đồng Tháp), trung tâm sản xuất cá tra giống ĐBSCL.

Hồi trước, con cá tra tự nhiên đẻ trứng trên thượng nguồn sông Mê Công, trứng theo bọt nước trôi đến Long Phú Thuận vào đầu mùa lũ, nở thành cá bột li ti như hạt gạo và dân chèo ghe xuồng đi múc về ươm giống để bán.

Từ thập niên 1990 đến nay, bà con cho cá tra sinh sản nhân tạo, hằng năm, Hồng Ngự cung cấp khoảng 80% cá bột và 50% cá tra giống cho ĐBSCL.

Trên cù lao Long Phú Thuận, ông Hồ Văn Lù ở xã Phú Thuận B, người có gần 40 năm sản xuất giống cá tra, nói. Khi cá giống được giá, cá bố mẹ bị dùng thuốc kích thích ép đẻ quá nhiều, khi giống mất giá thì cá bố mẹ lại bị bỏ đói, còn cho sinh sản cận huyết.

Ông Lù kể rằng, trước đây ươm cá giống bằng hột gà với cá linh 3 tháng mới bán, nay nuôi bằng thức ăn Tomboy với sữa đậu nành, hơn tháng đã bán.

Nên ở xứ ươm giống cá tra, bà con nói chưa bao giờ hao hụt như bây giờ, từ cá bột lên cá giống chỉ còn 30-40%. Dưới vùng nuôi cá tra, người dân cũng than thở tỷ lệ giống hao hụt quá lớn, tỷ lệ sống chỉ được 60-70%.

Bộ NN&PTNT có chương trình thay thế đàn cá tra bố mẹ thoái hóa và Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 2 đã chuyển giao cho ĐBSCL hơn 85.000 con cá tra bố mẹ chất lượng cao, trong đó huyện Hồng Ngự nhận được 33.500 con. Nhưng bà con sản xuất giống nói, phải vài năm nữa mới phát huy hiệu quả.

Con tôm giống ở ĐBSCL còn gian truân hơn vì tại chỗ chưa đủ đáp ứng, phải mua thêm từ miền Trung. Ông Trần Tuấn Phong, Trưởng một trạm kiểm dịch giống thủy sản ở cửa ngõ tỉnh Sóc Trăng cho biết, Trạm không được phép giữ xe nên có khi lấy mẫu, kiểm tra phát hiện dịch bệnh thì giống đã được chở đi, bán hết rồi.

Sản xuất giống, khâu đầu tiên đặc biệt quan trọng với chuỗi sản phẩm cá tra, tôm xuất khẩu mà như thế, dễ hình dung chất lượng các khâu tiếp theo.

Kiệt quệ và nợ nần

Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIII của tỉnh Sóc Trăng đi dự kỳ họp thứ Tư này, được Hiệp hội tôm Mỹ Thanh gửi cho một lá thư “khẩn cầu” để mang ra Hà Nội.

Hiệp hội tôm Mỹ Thanh gồm những người nuôi tôm kỹ thuật cao ở vùng ven biển Mỹ Thanh (Sóc Trăng), làm nên cánh đồng nuôi tôm công nghiệp lớn nhất ĐBSCL, nhiều năm thắng lợi nhưng hai năm nay khốn đốn vì dịch bệnh. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Nhiệm nói: “Chúng tôi đã kiệt quệ, gần như không còn vốn để thả nuôi vụ 2013 tới đây”.

Thư có đoạn: “Hiện nay, nhiều người nuôi tôm bỏ ao, treo ao, nhiều công ty chế biến tôm xuất khẩu đang lâm vào tình trạng phá sản (...) nếu không có sự hỗ trợ từ Chính phủ sẽ rất khó”.

Thư đề nghị, con tôm được giãn nợ vay cũ 24 tháng, cho vay mới với lãi suất 11% như đối với cá tra trong Công văn 1149 ngày 18-8-2012 của Thủ tướng Chính phủ.

Thế nhưng, con cá tra dù đã được Chính phủ hỗ trợ thì nhiều người nuôi vẫn “treo ao”.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản tỉnh Vĩnh Long, cho rằng không dễ vay vốn lãi suất thấp vì người nuôi cá tra đang có nợ xấu hoặc không còn tài sản để thế chấp.

Nợ nần của ngành thủy sản thì vẫn nóng bỏng, đang làm xáo trộn nhiều vùng quê, đe dọa gây ra những tàn phá chưa lường hết được.

Chuyện nợ của Cty Cổ phần Thủy sản Bình An ở Cần Thơ vừa lắng dịu, ở tỉnh Sóc Trăng lại bùng lên vụ Cty TNHH Phương Nam nợ hơn 1.600 tỷ đồng, gấp hơn 5 lần vốn điều lệ 300 tỷ đồng.

Ông Lâm Ngọc Khuân, Chủ tịch HĐQT Cty Phương Nam, đi Mỹ chữa bệnh (theo lời ông) từ đầu năm đến nay chưa về, cùng với vợ con, để món nợ mặc cho 7 ngân hàng “tái cơ cấu”.

Những ví dụ tương tự có thể kể rất nhiều. Phó Chủ tịch VASEP Nguyễn Hữu Dũng nói “thủy sản không còn hấp dẫn”. Hơn thế, thủy sản đang làm nhiều người lo sợ, hoang mang, từ nuôi trồng đến chế biến và cả các ngân hàng.

Nguồn: TPO

 

Nguồn:kinhtenongthon.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập162
  • Hôm nay63,149
  • Tháng hiện tại859,847
  • Tổng lượt truy cập90,923,240
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây