Theo Bộ NN&PTNT, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu tôm cả nước dự kiến đạt 3,3 tỷ USD, tăng 9% so với năm ngoái. Tại các tỉnh ĐBSCL diện tích nuôi tôm đang phát triển rất nhanh, hiện đạt gần 630.000 ha, chiếm trên 75% diện tích nuôi tôm của cả nước.
Để đảm bảo cấp điện phục vụ nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là nuôi tôm công nghiệp tại các vùng trọng điểm ven biển khu vực phía Nam, Tổng Công ty Điện lực Miền Nam (EVNSPC) đã ưu tiên đầu tư tại một số tỉnh có mật độ nuôi tôm lớn như Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Trà Vinh với tổng số vốn là 876 tỷ đồng nhằm thực hiện chống quá tải, kết hợp cung cấp điện cho một số khu vực đã có quy hoạch.
Tại các tỉnh này, ngành nông nghiệp cũng đang triển khai nhiều mô hình nuôi tôm đủ tiêu chuẩn, cho hiệu quả kinh tế cao.
Ông Mai Văn Đấu, Giám đốc Hợp tác xã thuỷ sản Toàn Thắng, xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng cho biết, quan điểm của những người nuôi tôm trong Hợp tác xã thuỷ sản Toàn Thắng là làm sao để đảm bảo sức khoẻ cho người tiêu dùng.
“Hợp tác xã muốn nâng tầm cao của con tôm Việt Nam trên thị trường quốc tế. Để cạnh tranh được với thị trường quốc tế, tôm nuôi phải đảm bảo không bị nhiễm kháng sinh, con tôm sạch, có chất lượng cao, từ đó người tiêu dùng tin tưởng để hợp tác xã có thể tăng được sản lượng và chất lượng của con tôm Việt Nam”, ông Đấu khẳng định./.
Theo báo vov.vn