Sau nhiều năm cần cù lao động, mày mò tìm hiểu trồng nhiều loại cây nông nghiệp nhưng không mang lại hiệu quả như mong muốn, từ năm 2012 đến nay, anh nông dân Nguyễn Văn Tấn đã tự tìm ra cách kết hợp trồng cà chua và mướp đắng trên cùng một giàn, cho thu nhập cao, ổn định, lại phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình neo người.
Anh Nguyễn Văn Tấn chăm sóc giàn cà chua và mướp đắng của gia đình.Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN
Cà chua, mướp đắng của anh Tấn đáp ứng được các tiêu chí về nông sản sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm nên sản phẩm của anh làm ra đến đâu có thương lái ở tỉnh Nam Định và ngay tại Thái Bình tìm về tận nhà thu mua hết ngay đến đó. Chỉ với diện tích hơn 1.000m2 đất (chưa đến 3 sào Bắc Bộ), hai người chăm sóc, thu hoạch, trừ tất cả chi phí, anh Văn Tấn thu về từ 80 - 100 triệu đồng mỗi năm.
Giữa tháng 7/2018, được Hội Nông dân tỉnh Thái Bình giới thiệu, chúng tôi đã tới thăm quan mô hình cho cà chua chung giàn với mướp đắng của gia đình anh Tấn. Tại vườn cà chua và mướp đắng, anh Nguyễn Văn Tấn đánh luống, xây bo xung quanh từng luống và rải dây ống nhựa dẫn nước tưới khắp các luống. Cả khu vườn được anh dựng khung tuýp sắt, làm giàn, làm mái che chắn cẩn thận như kiểu nhà bạt.
Từ tháng 3 đến tháng 4, cà chua và mướp đắng của anh Nguyễn Văn Tấn cho quả nhiều nhất trong năm. Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN
Bình thường, cà chua trồng vào tháng 8, tháng 9 hằng năm, nhưng anh Tấn lại trồng cà chua vào tháng 12. Khi cây cà chua ra quả, anh bắt đầu trồng mướp đắng vào cùng luống, để 2 loại cây cho thu hoạch quả cùng thời điểm... Theo anh Nguyễn Văn Tấn, hai loại cây này hợp nhau và hỗ trợ cho nhau.
Theo lý giải của anh Tấn, mái che lưới, bạt trắng, chủ yếu để che nước mưa, nhằm hạn chế bệnh cho cây, còn khi thời tiết nắng nóng trên 30 độ C, nếu không có cây mướp đắng che chắn cho cà chua, quả cà chua chín sẽ nứt da và không giữ được sắc đỏ. Do đó, có mái che, lại có mướp đắng che nữa, cà chua chín đỏ có thể giữ ở trên cây cả tháng và vẫn giữ được sắc đỏ của quả chín. |
Anh Tấn cho biết, cách trồng kết hợp hai loại cây này cho năng suất hơn hẳn trồng riêng rẽ, trồng không có mái che, lại ít bệnh và sâu cũng không đáng kể. Cách trồng này mỗi năm anh chỉ phải làm đất có một lần mà cho thu hoạch hằng ngày liên tục trong vòng 8 tháng mỗi năm. Cách làm này cũng bớt được nhiều công sức lao động, giảm chi phí đầu vào...
Nói về việc chăm bón cho cà chua và mướp đắng, anh Nguyễn Văn Tấn cho hay, cơ bản 2 loại cây này được bón phân chuồng, mua từ tỉnh Hà Nam. Đó là loại phân ngay từ lúc cho lợn ăn đã được cho men vào nên không có mùi.
Phân lợn mua về tiếp tục được anh Tấn ủ với men vi sinh khoảng 2 tháng, đến khi mục nát ra như tro mới đem bón. Phân hóa học, anh Nguyễn Văn Tấn hạn chế tối đa sử dụng.
Gia đình anh Tấn dùng thuốc trừ sâu sinh học, thân thiện, an toàn với môi trường. Đây là loại thuốc làm ung trứng sâu, để phòng sâu bệnh là chính. Ngoài ra, anh dùng giống 2 loại cây trồng cà chua và mướp đắng có nguồn gốc từ Đài Loan được anh đặt mua ở tỉnh Đồng Nai. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã có nơi bán giống cây trồng này.
Từ tháng 3 đến tháng 4, cà chua và mướp đắng của anh Nguyễn Văn Tấn cho quả nhiều nhất trong năm. Ảnh: Nguyễn Công Hải - TTXVN
Ông Trần Sánh Tân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lập nhận định, đây là mô hình nông sản sạch duy nhất của xã, mang lại hiệu quả cao. Hiện nay, xã Tân Lập đang triển khai vận động nông dân trên địa bàn mạnh dạn áp dụng nhân rộng mô hình làm kinh tế này.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã