Học tập đạo đức HCM

Làng khuyết

Thứ năm - 27/02/2014 08:45
Những ngôi làng thuần nông nhưng không sống được bằng nghề nông. Những ngôi làng nông dân phải bỏ làng đi tứ xứ những mong kiếm miếng cơm manh áo. Làng như thế người ta gọi là làng khuyết. Buồn bã! Vắng ngắt! Và rất nhiều bi kịch!

XÃ CÓ HƠN 1.000 NGƯỜI ĐI THÁI

Độ vài năm trở lại nay, hàng vạn người dân ở nhiều miền quê Hà Tĩnh đổ xô sang Thái Lan kiếm việc làm. Khá giả hay không cũng khó nói, nhưng hệ lụy thì nhiều lắm.

Đi lậu, đi chui

Nếu chỉ nhìn bề ngoài thì xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) có vẻ khá giả so với vị thế của một xã thuần nông. Không hề ngần ngại, Phó Chủ tịch xã Trần Đình Trung nói với tôi rằng, phần lớn là nhờ người dân đi Thái Lan. Nhà cửa khang trang, xe máy, điện thoại di động và hàng hàng loạt dịch vụ ăn theo những chuyến rời làng. Tất cả chỉ là bề nổi. Những đợt "sóng ngầm" đang âm thầm phá vỡ cuộc sống ở miền quê vốn yên bình này.

Chẳng ai còn nhớ người Mỹ Lộc tìm được đường sang Thái Lan làm ăn từ bao giờ, chỉ biết họ đi nhiều đến mức, cán bộ xã phải tổ chức nhiều đợt rà soát, thống kê, kiểm đếm. Cẩn thận, kỹ càng lắm. Nhưng cuối cũng cũng chẳng thể đưa ra con số chính xác. Bên ủy ban xã nói có 1.195 người đi Thái. Còn bên công an xã khẳng định 1.447 người.

"Có người nói đi ở, có người nói kinh doanh, người nói đi làm thuê, xây dựng... Có ai kiểm tra được đâu mà biết. Đàn ông trong độ tuổi lao động kéo nhau đi đã đành, đàn bà, trẻ con cũng đi nốt. Ít nhất là 70% lao động của Mỹ Lộc thường xuyên ở Thái Lan. Đàn ông đi nhiều đã đành, đàn bà Mỹ Lộc cũng kéo nhau đi Thái thành cả một phong trào. Cả xã có gần 400 phụ nữ đang ở bên Thái. Mà chẳng phải đi xuất khẩu lao động gì đâu. Toàn là đi lậu, đi chui, xin cấp hộ chiếu đi du lịch rồi bỏ ra ngoài làm. Hệ lụy nhiều vô kể", ông Phó Chủ tịch xã thừa nhận thế.

Dân Mỹ Lộc làm gì ở Thái Lan không ai khẳng định được. Từ già cho đến trẻ. Có những bà 60 tuổi rồi vẫn cứ tìm cách đi. Cá biệt, có những gia đình đi biền biệt năm này qua năm khác. Mà đi cũng dễ, chỉ cần xin được hộ chiếu phổ thông thì thích đi lúc nào cũng được. Nhà xe Cương Bính chạy tuyến Mỹ Lộc - Thái Lan, mỗi ngày một chuyến, chuyến nào cũng ninh ních người.


Cả trưởng thôn Đặng Cần và ông Đặng Lợi đều không biết con em mình 
sang Thái làm gì

Đi một vòng quanh các thôn Nhật Tân, Trại Tiểu, Đại Đồng... dễ dàng nhìn thấy rất nhiều căn nhà cửa đóng then cài, chẳng khác gì nhà hoang. Trưởng thôn Đại Đồng, ông Đặng Cần phàn nàn, ở thôn này bây giờ không có lao động. Ruộng nhà làm nhà không. Cả thôn có 314 hộ, 1.100 nhân khẩu nhưng ở bên Thái Lan thường xuyên khoảng hơn 600 người rồi. Nhà ít thì 1 - 2 người, nhà nhiều đi sạch. Bố mẹ đi trước, con cái học hành cảm thấy không đến đầu đến đũa cũng bỏ đi theo luôn.

“Hầu như trong thôn học sinh học hết cấp 2 là đi hết”, trưởng thôn Cần nói thế. Nghe mà chạnh lòng bởi vùng đất Mỹ Lộc xưa nay vẫn được xem là vùng đất hiếu học.

Quả có xót xa thật, nhưng nếu nghe hết chuyện của những người đi Thái làm ăn thì cũng rất hợp lý. Ở Mỹ Lộc, nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học xong cũng chấp nhận kéo nhau sang Thái Lan bán sức lao động. Hai đứa con nhà trưởng thôn Đặng Cần, một trai, một gái cũng phải đi con đường ấy.

“Học hành đã tốn kém, phải vay mượn đầu tư rồi, ra trường muốn xin việc phải mất tiền chạy chọt nữa. Học nghề cũng không có việc làm. Chú bảo, không đi Thái thì đi đâu”?, ông Cần nói.

Chẳng biết đám thanh niên làng bỏ học sang bên Thái làm nghề gì mà mỗi lần chúng về thì y như rằng Mỹ Lộc không thể ngủ. Tóc xanh tóc đỏ, rượu chè, bài bạc rồi gây sự đánh nhau, náo động cả làng. Ngày ngủ đêm chơi. Nghiện hút, gây án xong lại bỏ trốn sang bên Thái, công an cũng bó tay.

Ông Trần Đình Dũng, Trưởng Công an xã Mỹ Lộc, nói rằng ông lo lắm. Ai đời thanh niên làng bây giờ ngủ ngày chơi đêm. Đi Thái làm nghề ngỗng gì không biết chứ về làng thấy khác hẳn. Không chỉ khác về vẻ bề ngoài, cái khác lớn nhất của đám thanh niên này là coi thường pháp luật. Vừa rồi, một ổ nhóm tổ chức đánh bạc ở xóm Nhật Tân, khi bị công an tổ chức bắt, chúng không ngần ngại dùng gạch đá tấn công trở lại. Giáp Tết, một đám khác uống rượu vào rồi kéo nhau sang trụ sở UBND xã Đồng Lộc đòi đập phá để... giã rượu.

Những cái chết bí ẩn

Hệ lụy buồn từ phong trào đi Thái Lan ở Mỹ Lộc không chỉ có đám thanh niên. Chỉ trong vòng mấy năm vừa rồi, cả xã có gần cả chục người phải bỏ mạng từ những chuyến rời làng. Tai nạn, đâm chém, thậm chí bị xã hội đen thanh toán. Thôn Đại Đồng có Nguyễn Hải, Đặng Viết Trường, Đặng Viết Hùng, Nguyễn Cửu. Thôn Nhật Tân có Nguyễn Tưởng. Thôn Đô Hành có Nguyễn Mẫn. Mới đây nhất, Hoàng Trọng Hùng ở thôn Thái Gia bị đâm chết bên Thái Lan. Toàn là những cái chết đau đớn và không rõ lý do.

Trưởng công an xã Trần Đình Dũng nói rằng: Chỉ thấy các nạn nhân bị chết ở Thái rồi đưa về thế thôi chứ không biết nguyên nhân gì. Người thì bị đánh, người thì bị đâm... Dân làng bên ấy về kể là họ tham gia vào băng nhóm xã hội đen, trộm cắp rồi bị thanh toán nhưng chẳng có ai biết rõ cả. Như trường hợp Nguyễn Cửu. Đi chui đi lủi thế nào mà đến lúc muốn về phải trốn. Tự mình bơi qua sông Mê Kông, gặp con nước dữ thế là chết đuối.


Những ngôi nhà vắng chủ ở Mỹ Lộc ngày một nhiều hơn

Những cái chết bí ẩn, đầy ám ảnh từ Thái Lan không làm người Mỹ Lộc chồn chân. Những dòng người vẫn lên đường, những căn nhà cửa đóng then cài quanh năm ngày một nhiều hơn.

Trong ngôi nhà được xây dựng từ những đồng bạt Thái, vợ chồng ông Đặng Lợi ở thôn Đại Đồng đang nuôi một lúc 7 đứa cháu. Ông bà Lợi có 5 đứa con. Sau khi lập gia đình ông Lợi chia cho mỗi đứa vài ba sào ruộng nhưng chúng đều bỏ hoang, rủ nhau sang Thái làm ăn hết. Năm ngoái, người con trai đầu tên Đặng Viết Hùng chẳng biết vì nguyên nhân gì mà bị người ta đánh chết ở bên ấy. Không lâu sau, chị Lâm Thị Hà, vợ anh Hùng gửi lại hai đứa con nhờ ông bà trông, nhảy xe sang Thái tiếp. Mới đây thôi, thằng Đặng Quốc, con trai của Đặng Việt, đang học lớp 8 cũng đành bỏ dở theo bố mẹ đi Thái rồi.

“Chẳng cần học hành, chẳng cần tay nghề gì cả chú à. Cứ có sức thì sang bán kiếm tiền thôi. Đi một tháng, tiền công được gần cả tấn thóc, bằng làm ruộng cả năm trời”, ông Lợi khoe thế.

Ngoài công việc trông nom mấy đứa cháu, ngày ngày vợ chồng ông Lợi phải thay phiên nhau đi hết một lượt 5 căn nhà trong thôn. Đó là những ngôi nhà mà con cái ông bà bỏ hoang sang Thái làm ăn. Đại Đồng giờ phức tạp, sểnh ra là đám nghiện hút, tệ nạn cạy cửa ngay.

“Bố mẹ làm ăn xa, ông bà không quản lý hết được. Được đứa này thì mất đứa kia. Thằng Quốc chẳng chịu học hành gì, suốt ngày theo đám lêu lổng đi đánh bi-a. Thôi thì cho nó sang Thái với bố mẹ nó mà nhào lộn, kiếm ăn. Mà tui cũng nói thật với chú, học hành bây giờ ra trường có kiếm được việc làm mô. Chỉ tổ tốn công tốn của cha mẹ”, cả gia đình ông Lợi đều có chung suy nghĩ ấy.

 

Cái lý do ông Trần Đình Trung đưa ra để giải thích là do làm ruộng bây giờ không sống được nên dân phải bỏ làng mà đi. Mỹ Lộc có 500 ha ruộng, độc canh cây lúa. Từ ngày có phong trào đi Thái, ruộng nếu không bỏ hoang thì cũng làm lờ vờ, chẳng mấy ai còn chú tâm. Thôi thì đành chấp nhận để dân đi. Chỉ hi vọng Nhà nước có chính sách gì để họ có thể đi đường đường chính chính, đỡ phải bắt bớ. Nếu Thái Lan đóng cửa, trục xuất người Việt Nam chắc dân Mỹ Lộc đói hết.

HOÀNG ANH
Theo nongnghiep.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập133
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm132
  • Hôm nay34,991
  • Tháng hiện tại941,093
  • Tổng lượt truy cập91,004,486
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây