Đến Phúc Thọ, xã vùng sâu của huyện Lâm Hà những ngày này, rất nhiều người nhắc đến ông Nguyễn Ngọc Toàn, 49 tuổi, người ở thôn Phúc Hưng, như là một tấm gương điển hình về “có gan làm giàu” trên đất nhà nhờ chuyển đổi cây trồng một cách hiệu quả.
“Có gan làm giàu”
Đưa chúng tôi đi thăm khu trồng cà chua rộng 1 ha đang ra trái xum xuê, ông Nguyễn Ngọc Toàn, người ở thôn Phúc Hưng, xã Phúc Thọ, Lâm Hà kể với chúng tôi về cái duyên ông đến với loài cây này.
Ông Nguyễn Ngọc Toàn bên vườn cà chua 1ha đang ra trái xum xuê.
Đó là vào năm ngoái, năm 2016, khi ông Toàn thấy cà chua có giá mà nhiều nơi trồng giống cây này bị ảnh hưởng sâu bệnh, năng suất không cao nên ông nghĩ tại sao không thử trồng cà chua trên đất nhà mình xem sao, vì trước giờ nơi đây chưa ai trồng bán sản phẩm cả: “Đất Phúc Thọ này cũng tốt có kém nơi khác đâu mà ngại” - ông nói.
Nói là làm, ông quyết định đầu tư khoảng 200 triệu đồng để múc bỏ 1 ha cà phê, san gạt đất bằng phẳng thành luống đẹp để chuyển đổi sang cây trồng mới. Ông Toàn đã tìm chọn mua giống cây sạch bệnh ở nơi khác về, thuê hẳn một kỹ thuật viên chuyên về cà chua chăm sóc, theo dõi sinh trưởng, ngăn ngừa sâu bệnh cho khu vườn.
Và quả như tính toán của ông, loài cây mới này nhờ chăm sóc kỹ và đúng cách đã sinh trưởng rất tốt trên đất vườn nhà. Mùa cà chua năm ngoái, ông Toàn trúng mùa, bán lại được giá, lứa đầu ông bán được 16 nghìn đồng/kg, ông trồng tiếp lứa thứ 2 cũng trúng, trừ các chi phí cây giống, phân bón, nhân công thuê…, cả năm ông Toàn đã thu về khoảng 800 triệu đồng, nhiều hơn hẳn so với trồng cà phê.
Thành công bước đầu này đã tiếp tục khích lệ ông phát triển 1 ha này thành một khu chuyên canh cà chua trên đất Phúc Thọ và trong năm nay mọi việc tiến triển khá thuận lợi. Hiện ông Toàn đang thử nghiệm một loại cà chua mới, đó là cà chua thân gỗ do ông nhập hạt giống từ Ấn Độ về để ươm thành cây. Loại cà chua này theo ông có tuổi thọ khá cao, trên 10 năm, tại thị trường Đà Lạt hiện đã có trồng với giá bán mỗi ký thành phẩm khá cao, sang năm ông sẽ có sản phẩm cà chua thân gỗ này.
Mỗi năm, ông Toàn thu 800 triệu đồng từ 1ha cà phê, tương đương với khoản thu nhập từ việc trồng 3,5ha cà phê của gia đình mỗi năm.
Thu không dưới 2 tỷ/năm nhờ mô hình vườn-ao- chuồng
Vốn là người Đà Lạt, ông Toàn xuống đất Phúc Thọ lập nghiệp từ năm 1989.
Đó là những năm tháng khó khăn, ngày mới xuống đây chỉ có ít đất, gia đình ông làm mọi thứ, trồng cây ngắn ngày, trồng mía trồng khoai kiếm sống qua ngày, khi cuộc sống đỡ hơn, ông chuyển sang trồng cà phê. Hiện gia đình ông đã có khoảng trên 6 ha đất, phần lớn diện tích này canh tác cà phê như cách làm phổ thông của nhiều người dân nơi đây.
Là người chịu khó và ham thích những điều mới, các cây trồng, vật nuôi mới, khi tích lũy được một số vốn nhất định, ông Toàn đã mạnh dạn tìm tòi những cây trồng mới. Trước khi chuyển 1 ha đất cà phê sang trồng cà chua, trong năm 2014, ông Toàn cũng mạnh dạn bỏ vốn ra đầu tư 2 ha tiêu ngay trên đất nhà. Nhờ trồng và chăm sóc đúng cách, vườn tiêu này năm ngoái đã thu bói và năm nay khá khả quan khi đang cho trái rất sai.
Riêng với vườn cà phê 3,5 ha, nhờ áp dụng kỹ thuật chăm sóc, bón phân, tưới nước đầy đủ và đúng cách, thay thế các cây già cỗi, mỗi năm trung bình gia đình ông Toàn thu được khoảng 16 tấn cà phê nhân, ông Toàn tính như năm vừa rồi với giá 45 nghìn đồng/kg thì ông cũng thu hơn 800 triệu đồng, trừ chi phí gia đình ông vẫn còn lãi trên 500 triệu đồng.
Bên cạnh cà phê, tiêu và cà chua, ông Toàn còn có hồ nuôi cá và bò thịt theo mô hình “vườn - ao - chuồng” bền vững. Hồ chứa nước để tưới cây mùa khô và thả cá. Còn chuồng chăn nuôi hiện đang nuôi 12 con bò thịt, ông trồng cỏ trên đất vườn nhà cho bò ăn, toàn bộ số phân bò có được được ông ủ kỹ thành phân hữu cơ để bón lại cho vườn cây. Tính cả năm, trong toàn bộ khu vườn này ông Toàn thu nhập không dưới 2 tỷ đồng.
Theo ông Phạm Minh Liệu - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Thọ, gia đình ông Toàn là một trong những mô hình kinh tế điển hình hàng đầu của xã hiện nay. “Hiện xã đã có nguồn vốn để hỗ trợ ông Toàn 180 triệu đồng mua bò giống lai Sind để gây đàn bò thịt mang lại hiệu quả kinh tế cao cho xã. Trước đây, xã chúng tôi cũng có các chương trình hỗ trợ người dân nhưng mang tính nhỏ lẻ, đây là hộ đầu tiên được hỗ trợ với quy mô lớn vì có hệ thống chuồng trại đủ tiêu chuẩn và diện tích cỏ đáp ứng phù hợp” - ông Liệu cho biết. “Với mô hình của ông Toàn, chúng tôi đang thử nghiệm để nhân rộng nhiều hơn trong xã nhằm chuyển đổi, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, đưa đời sống của bà con trong xã đi lên, thoát đói giảm nghèo, làm giàu trên đất nhà” - ông Liệu hy vọng. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã