Lớp học gia đình
Ông Nguyễn Văn Trường (thôn Giang Hà, Thạch Kim, Lộc Hà) có 5 người con. Khi sinh ra, những đứa con của ông đã được cha mẹ dạy cách sinh tồn trên biển. Ông bảo: “Trai làng chài có thể mù chữ, chứ không mù lố (lố là cửa lạch cho thuyền cập bến - PV). Nhà mấy đời làm nghề đi biển, chúng nó biết nghề biển trước cả biết chữ. Lúc bé thì ngồi thuyền nôốc gần bờ thả bắt mớ tôm, mớ cá, lớn lên một chút thì nghề câu cá, câu mực rồi theo cha mẹ đi đánh khơi xa”...
Bây giờ, con tàu nhỏ ngày xưa cũng được đầu tư mới bằng tàu có mã lực lớn (150 CV) và giao cho người con trai cả Nguyễn Văn Tuấn. Thế nhưng, những chuyến đi xa, cha mẹ vẫn phải “bám” thuyền dù đã ở gần cái tuổi thất thập. “Có cha mẹ đi cùng, con sẽ vững tâm hơn, từ đon con nước, hướng gió đến chuyện “nghe cá”, thả câu. Trên thực tế, vì ngư cụ chưa hiện đại, việc học nghề mới còn hạn chế nên người dân chài vẫn phải dùng tai, mắt để đoán luồng cá. Điều này, bọn trẻ chưa phải là giỏi” - ông Trường cho biết thêm.
Ngư dân Hà Tĩnh chủ yếu đang sử dụng phương tiện, công nghệ đánh bắt truyền thống. |
Chuyện ngư dân Đặng Xuân Sử (thôn Trung Tiến, Kỳ Khang, Kỳ Anh) cách đây hơn 20 năm vươn ra khỏi làng chài để học lấy bằng thuyền trưởng vẫn còn được người làng nhắc mãi. Thời đó, ông Sử có lẽ là một trong số ít trai làng biển có tư duy đột phá trong việc không chỉ giữ nghề tổ tiên mà còn phát triển nghề. Tâm huyết ấy vẫn còn đau đáu trong người đàn ông luống tuổi hiện tại: “Là làng chài vùng bãi ngang, Kỳ Khang gần như không có nghề khơi. Quẩn quanh với con cá gần bờ, sản lượng ngày càng ít, giá trị kinh tế thấp nên tôi vay tiền đóng tàu lớn đi khơi. Cha mẹ biết nghề gì thì dạy con nghề đó, mấy đời gia đình tôi chỉ quen với câu, lưới gần bờ. Đóng thuyền rồi, tôi phải thuê ngư dân ở Quảng Bình đi biển, vừa là lao động trên thuyền, vừa là thầy bày vẽ cho mình nghề vây khơi, chụp khơi”. May mắn đã không mỉm cười với ông khi con tàu mang theo tâm huyết, kỳ vọng chuyển nghề khơi của làng chài không trở thành hiện thực. Không lâu sau đó, nó phải nằm bờ vì nghề không đáp ứng được.
Cho đến bây giờ, khát khao chinh phục nghề mới của ngư dân những làng biển vẫn luôn thường trực. Nhiều người cất công vào tận các tỉnh miền Nam, chịu cảnh làm thuê trên những thuyền lớn để học nghề. Có người lại thuê lao động ngoại tỉnh ở Quảng Bình, Ninh Thuận về trên thuyền mình để “mắt thấy, tai nghe” và học nghề cá của bạn thuyền. Chỉ tiếc, trường học ấy chỉ diễn ra đứt đoạn trong khi kế sinh nhai đòi hỏi sự đầu tư nghề lớn của ngư dân.
Lúng túng khi vươn khơi
Nghị định 67/2014/NĐ-CP triển khai được xem là một chủ trương mang tính đột phá, giúp bà con ngư dân hiện thực hóa giấc mơ vươn khơi, bám biển. 15 tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh đang dần thành hình hài, chỉ ít tháng nữa, có thể rẽ sóng vươn khơi. Tuy nhiên, để làm chủ nghề mới trên những chiếc thuyền lớn vẫn là nỗi trăn trở của những người tiên phong trong việc phát triển nhanh, mạnh đội tàu đánh bắt xa bờ, trở thành “cột mốc sống” giữ vững chủ quyền biển đảo quê hương.
Mấy tháng nay, ông Trần Quốc Rạng (Xuân Hội, Nghi Xuân) tạm gác việc đi biển để theo bám con tàu mới đang đóng dở. Từ ngày đăng ký đến lúc được chọn đóng tàu vỏ thép, ông luôn khấp khởi, rộn ràng: “Không mừng sao được, theo nghiệp biển, được làm chủ một con tàu hiện đại là giấc mơ cả đời của tôi. Con tàu gần 15 tỷ đồng, không ngờ một ngày mình được làm chủ nó. Có được con tàu mới, ngư dân chúng tôi sẽ tiến ra vùng biển Trường Sa, vùng đánh cá chung của Việt Nam, Trung Quốc, Philipines”.
Mừng vui vậy, nhưng lòng ông lo lắng lắm, dù trước đã điều khiển con tàu 300-400 mã lực, từng làm nhiều nghề khơi cũng không làm ông hoàn toàn tự tin trước sự đổi mới này. “Tàu lớn thì đòi hỏi mình phải tìm kiếm sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Tôi vào tận Bình Định, Quảng Ngãi theo tàu bạn gần 2 tháng để học nghề rê khơi và dã kéo. Ở các tỉnh miền Nam, ngư dân đầu tư nghề nào ra nghề nấy, vì vậy, họ giỏi nghề lắm” - ông Rạng cho biết thêm.
Ông Tôn Đức Vinh là một trong 2 ngư dân ở Cẩm Nhượng được Nghị định 67 tiếp sức đóng tàu thép. Khi khó khăn về nguồn vốn đầu tư khổng lồ được hóa giải thì nỗi lo thường trực giờ đây là vận hành con tàu lớn như thế nào. Ông Vinh cho biết: “Thứ nhất là từ ngư trường nhỏ truyền thống là Vịnh Bắc bộ, để chuyển đổi sang ngư trường lớn Bạch Long Vĩ, Hoàng Sa, Trường Sa đòi hỏi không ít thời gian. Thứ hai, nghề lưới rê hoàn toàn mới mẻ với ngư dân Cẩm Nhượng, vì vậy, chúng tôi không khỏi lo lắng”.
Từ những khoảng trống trong hỗ trợ đào tạo nghề cá cho thấy, phần lớn ngư dân còn đơn độc trong việc tiếp cận nghề mới, làm chủ các công nghệ đánh bắt hiện đại. Điều này đang đặt ra đòi hỏi chính sách phát triển khai thác thủy sản không thể xem nhẹ việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng biển.
H. Trung - N. Oanh - M. Thủy
Theo Baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã