Sản xuất lớn, lợi nhuận tăng
Ông Trương Văn Bốn (ngụ ấp Vĩnh Thọ, xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, An Giang) cho biết, gia đình ông có 1,5ha đất trồng lúa. Năm 2010, khi Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) về địa phương xây dựng nhà máy chế biến gạo Vĩnh Bình và kêu gọi nông dân liên kết làm vùng nguyên liệu, gia đình ông đã trở thành một trong những nông dân đầu tiên gắn bó với mô hình cánh đồng lớn của doanh nghiệp này.Theo ông Bốn, trước đây khi chưa vào vùng nguyên liệu, nông dân mua nợ vật tư nông nghiệp tại các đại lý bên ngoài thường phải chịu giá cao hơn so với thông thường. Đến nay, khi tham gia liên kết sản xuất, nông dân không những được mua nợ phân bón, thuốc BVTV, mà còn được giảm giá hơn khi mua với số lượng lớn. “Như một bao phân urê 50kg, chúng tôi được giảm giá khoảng 20.000 đồng. Không chỉ vậy, có mấy cán bộ kỹ thuật hướng dẫn nên tôi bón phân, phun thuốc đúng hạn, mỗi vụ giảm được từ 1 – 2 cữ thuốc, tiết kiệm phân bón nữa nên chi phí giảm nhiều” - ông Bốn phân tích.
Tháng 10.2014, khi AGPPS tổ chức bán cổ phiếu ưu đãi cho nông dân, ông Bốn gom góp được 45 triệu đồng mua 1.500 cổ phiếu. Đến đầu năm 2015 vừa rồi, ông được chia cổ tức gần 4,5 triệu đồng. Số tiền này còn cao hơn cả mức lãi mà gia đình ông nhận được sau cả tháng trời “một nắng hai sương” ngoài đồng.
“Mấy hôm nay lên xã họp, nghe cán bộ khuyến nông giới thiệu về mô hình HTX kiểu mới ở địa phương, dự kiến sẽ được thành lập trong thời gian tới, chúng tôi rất tò mò. Nếu có HTX nữa, chắc sẽ liên kết được bền vững hơn” - ông Bốn bày tỏ.
Ông Trần Văn Sữa – Chủ nhiệm HTX Hương Trang (xã Bình Hòa Trung, Mộc Hóa, Long An) cũng cho biết, với diện tích canh tác khoảng 250ha, HTX Hương Trang có 200 xã viên với 5 tổ liên kết sản xuất. Những năm qua, nhờ liên kết với doanh nghiệp để sản xuất, tiêu thụ lúa cho nông dân nên mùa vụ luôn ổn định. Hoạt động của HTX cũng đạt nhiều kết quả khi các tổ liên kết đi vào sản xuất nền nếp, năng suất cao. “Chính HTX là cầu nối giữa doanh nghiệp và nông dân, qua đó, giải quyết được quyền lợi vật chất và tinh thần của xã viên”- ông Sữa đánh giá.
Được biết, từ lúc thành lập, HTX Hương Trang đã giúp tạo dựng được uy tín cho nông dân với các tổ chức khác, giúp nông dân dễ dàng hơn trong đàm phán hợp tác kinh doanh, kể cả với những đối tác cung cấp các dịch vụ như vật tư nông nghiệp.
Chỉ lo thiếu cán bộ
Dù đã khẳng định được hiệu quả rõ rệt của mô hình HTX kiểu mới nhưng khi đẩy mạnh xây dựng, vấn đề nguồn nhân lực cho HTX vẫn là mối quan tâm lớn. Ông Huỳnh Thế Năng – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) cho biết, toàn tỉnh An Giang có đến hơn 100 HTX. Tuy nhiên, phần lớn HTX hoạt động không hiệu quả, một phần nguyên nhân là do lực lượng “đầu tàu” không chịu vận động.
Theo ông Năng, để giải quyết vấn đề nguồn cán bộ cho HTX phát triển, tỉnh An Giang từng có chủ trương đào tạo cử nhân kinh tế, kỹ sư nông nghiệp… từ Đại học An Giang ra để ra làm giám đốc HTX. Không chỉ vậy, tỉnh còn cho thêm một quỹ lương thông qua Sở NNPTNT để hỗ trợ cho các giám đốc HTX. Tuy nhiên, những cán bộ này làm ở HTX tới 2-3 năm mà chẳng tạo ra chuyển biến gì mới để có thể thu lợi ích về cho HTX, cho xã viên.
“Cán bộ nhận lương xong thì nghỉ, HTX lại đi về “đường xưa lối cũ”, không phát triển được. Do đó, cán bộ HTX nếu được bao cấp, được trả lương mà không tự tạo ra được lợi nhuận cho HTX, không tự trả lương được cho mình thì sớm muộn gì HTX cũng thất bại” - ông Năng nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Trần Văn Sữa cho rằng, bên cạnh hoạt động sản xuất chính, người “đầu tàu” của HTX phải biết tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên. Chẳng hạn, sau mùa vụ, nông dân thường có thời gian nhàn rỗi, lúc đó HTX sẽ là đơn vị tổ chức cho bà con nông dân tận dụng rơm rạ, làm nấm rơm, nấm đông cô… Chỉ có HTX mới tổ chức làm lớn được, rồi liên doanh với doanh nghiệp để tiêu thụ.