Để cứu đầu ra cho hạt lúa vụ Đông xuân năm nay của bà con nông dân ĐBSCL, Chính phủ đã có chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo. Một tháng đã trôi qua và chương trình đang chuẩn bị bước vào hồi kết, nhưng mục tiêu giữ cho giá lúa không sụt giảm, đảm bảo cho người nông dân có lãi ít nất 30% xem ra không đạt được như mong đợi.
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo của Chính phủ giao cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam thực hiện từ ngày 15/3, những tưởng sẽ tiêu thụ hết lúa cho nông dân với giá cao, gỡ khó cho người trồng lúa lúc “nước sôi lửa bỏng”. Thế nhưng, chỉ sau một vài tín hiệu vui trong tuần đầu tiên thực hiện chương trình, giá lúa gạo ở ĐBSCL lại có xu hướng giảm liên tục trong suốt thời gian thu mua.
Nhiều nơi ở ĐBSCL, giá lúa những ngày qua đang giảm khá nhanh, trung bình từ 100 – 200 đồng/kg/ngày. Theo tính toán của nông dân, với giá cả như vậy họ không thể lời được tới 20% (trong khi yêu cầu của Chính phủ là giá thu mua tạm trữ phải đảm bảo cho nông dân có ít lời nhất 30%). Như vậy, mục tiêu quan trọng nhất của Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo là để giữ và nâng cao giá lúa gạo khi vào vụ thu hoạch rộ đã không đạt được yêu cầu.
Chương trình thu mua dự trữ 1 triệu tấn gạo đang bị nhiều doanh nghiệp trục lợi (Ảnh: SGTT) |
Có lẽ chưa năm nào, Chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo lại nhận được sự hưởng ứng “nồng nhiệt” của doanh nghiệp như năm nay. Chỉ trong một thời gian ngắn chưa đầy 2 tuần, đã có nhiều doanh nghiệp hoàn tất chỉ tiêu thu mua 100%, hay chí ít cũng đạt từ 70 – 80%. Và con số doanh nghiệp tham gia thu mua tạm trữ năm nay cũng tăng đột ngột lên 90%, gấp đôi so với mọi năm. Bởi với sự ưu đãi đặc biệt của Nhà nước là chính sách hỗ trợ lãi suất lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng, sẽ mang lại lợi ích không nhỏ cho các doanh nghiệp.
Trái với sự hồ hởi và tham gia tích cực của các doanh nghiệp, nông dân lại không mấy vui khi chương trình triển khai. Bà con cho rằng, Chính phủ có ý tốt với nông dân, bỏ tiền ra hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp mua gạo tạm trữ. Nhưng thực tế là, khi thu hoạch rộ với lượng lúa khá nhiều, nông dân buộc phải bán ngay lấy tiền trả nợ, khi đó không có doanh nghiệp nào dại dột mà trả giá cao cho nông dân. Họ sẽ chờ đến khi nào nông dân “chịu hết nổi”, buộc lòng phải bán theo giá “ép” của thương lái đưa ra thì lúc đó mới có chuyện “thu mua”.
Vì vậy nên chăng, khi cho doanh nghiệp mua tạm trữ, Nhà nước cũng phải ra điều kiện, yêu cầu họ mua dứt điểm ngay trong tháng 3, nếu để sang tháng 4, 5 mới mua, thì chương trình này sẽ không có hiệu quả, trong khi đến tháng 6, 7 lại có thêm lúa vụ Hè thu.
Nông dân cũng thắc mắc, tại sao không tạo điều kiện cho bà con trực tiếp vay vốn ưu đãi để trữ nguồn lúa gạo trong nhà, chờ giá hợp lý mới bán, mà chỉ cho vay ưu đãi thông qua các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Phi lý hơn là quyền định đoạt giá cả thu mua cũng do chính tổ chức của các doanh nghiệp này quyết định. Như thế, thật khó lòng mà các doanh nghiệp sẽ vì lợi ích của người nông dân mà “quên” đi chính lợi ích của họ!
Các chuyên gia cho rằng, chủ trương thu mua tạm trữ lúa gạo hiện vẫn chưa có các quy định ràng buộc để đảm bảo lợi ích của nông dân. Do không có ràng buộc phải mua những loại lúa gạo nào, nên đương nhiên doanh nghiệp sẽ mua những loại gạo dễ tiêu thụ. Hoặc cũng không bị ràng buộc bởi quy mô kho dự trữ, nên khi đã tạm trữ đầy trong các kho rồi thì các doanh nghiệp khó có thể tiếp tục mặn mà với việc thu mua thêm lúa gạo vì lợi nhuận của nông dân.
Chương trình thu mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho người trồng lúa, nhưng lợi ích thực sự của chương trình này có mang lại trực tiếp cho người nông dân hay không thì vẫn còn nhiều điều phải bàn.
Nếu không có những thay đổi căn bản và xem xét lại việc thực hiện các chính sách vì lợi ích của người nông dân, thì chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo hàng năm lại vô tình tạo thêm cơ hội cho một số nhóm người trục lợi trên thành quả khó nhọc của người nông dân./.
Hương Lan/VOV1
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã