Hiểm họa
Quan sát tại các chợ lớn, nhỏ tại Hà Nội có thể thấy rằng, hàng thực phẩm bẩn vẫn được bày bán tràn lan, người tiêu dùng cũng khó phân biệt độc hại. Như chia sẻ của chị Vũ Phương Thảo (130 - Đốc Ngữ, Ba Đình, Hà Nội) có lần sau khi được chế biến cá rô phi hơn 1 kg bỗng "teo nhỏ" còn một nửa. Cá rán có mùi hắc khó chịu, không thơm ngậy như mọi lần.
Đầu tháng 2/2015, Đội quản lý thị trường số 17 bắt quả tang cơ sở kinh doanh tôm của bà Lê Thị Lanh (Điền Xá, Quảng Tiến, Sóc Sơn, Hà Nội) đang đưa tạp chất (dung dịch pha bột có màu trắng đục được pha chế sẵn) vào các con tôm đã chết, làm tăng trọng lượng tôm. Cơ quan chức năng đã thu giữ 150 kg tôm đã bơm dung dịch được đóng gói trong 3 thùng xốp và bảo quản bằng đá lạnh cùng gần 5 kg bột màu trắng đục. Chủ cơ sở cho biết, số tôm này chủ yếu được tiêu thụ tại chợ, nhà hàng, các điểm tổ chức sự kiện, tiệc cưới tại Hà Nội và các tỉnh. Trước đó, Công an quận Đống Đa cùng các cơ quan chức năng phát hiện hai vụ vận chuyển thủy sản nhập lậu từ Trung Quốc về Hà Nội tiêu thụ. Hơn 6 tấn hàng bị bắt giữ bao gồm nhiều loại thủy hải sản đang được ưa chuộng (như cá chình, cá đối, mực, ếch, ba ba, cá trắm...); chủ hàng không xuất trình được giấy tờ gì.
Lý giải về tình trạng thực phẩm thủy sản nhiễm độc một người chuyên bỏ mối thủy sản cho các chợ đầu mối ở Hà Nội, thoạt nhìn, loại hàng này khá bắt mắt, nặng cân, nhưng một nửa trọng lượng của chúng là nước và tạp chất nguy hiểm tích trữ lâu ngày. Bởi, ngay từ khâu nuôi có thể đã bị nhiễm kháng sinh, chất cấm có trong thức ăn, thuốc chữa bệnh. Thủy sản vớt lên từ đầm nuôi vốn đã bẩn, đến được tay người tiêu dùng cũng qua nhiều lần tẩm hóa chất. Đặc biệt, với những loại cần vận chuyển đi xa, người bán sẽ ngâm chúng vào một loại hỗn hợp bảo quản thường là Formaldehyde - một chất độc cấm sử dụng trong thực phẩm, có tác dụng giữ cho tôm cá luôn tươi, thịt không bị rữa, không bốc mùi, để được lâu ngày.
Người tiêu dùng không nên mua các loại thủy sản đã ướp đá đông lạnh - Ảnh: Đức Lợi
Chi cục Thủy sản Hà Nội cho biết, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ 800 - 1.000 tấn thủy hải sản; sản xuất tại chỗ mới đáp ứng được gần 40% nhu cầu, số còn lại phải nhập từ nơi khác. Hiện, lực lượng chức năng mới kiểm soát được lượng thủy hải sản đưa vào chợ đầu mối Yên Sở, còn lượng hàng đưa thẳng về các chợ dân sinh, các nhà hàng, quán ăn thì chưa thể. Lợi dụng tình hình này, nhiều thương lái mua hàng từ biên giới với giá rẻ, đem về tập kết ở một số địa điểm gần đó rồi xé lẻ, vận chuyển bằng xe tải nhỏ, đưa hàng vào sâu thị trường nội địa, len lỏi vào các chợ dân sinh, nhà hàng…
Tuyên chiến với thực phẩm bẩn
Theo PGS-TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, chỉ cần sử dụng ôxy già, gian thương đã có thể nhanh chóng làm sùi các tổ chức bẩn, nhớt, ôi thiu ra ngoài. Rửa sạch phần bẩn nhớt này, gian thương đã có thể đánh lừa cảm quan của người tiêu dùng. Phần bên trong của cá, mực ôi thiu, ôxy già không xử lý được, nhưng nếu tẩm ướp bằng hương liệu, gia vị để chế biến các món nướng thì vẫn có thể che đậy được. Lúc này nguy cơ mất an toàn thực phẩm đã tăng lên nhiều lần.
Để ngăn chặn thủy hải sản kém chất lượng, cần quyết liệt đấu tranh với nạn trà trộn, bán thủy hải sản kém chất lượng, như đã từng ra quân với gà lậu, cá tầm. Nếu kiểm soát chặt chẽ từ biên giới, bến cảng thì những lô thực phẩm bẩn như vừa qua không thể lọt lưới về tận Hà Nội. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường trang thiết bị kiểm tra và các chốt kiểm dịch tại các cửa ngõ ra vào Thủ đô.
Lời khuyên cho người tiêu dùng, Anh Nghĩa Mai, chủ một cửa hàng bán thủy sản tại chợ đầu mối Long Biên, chia sẻ: Tốt nhất, các bà nội trợ nên chọn mua những loại tôm, cua, cá còn sống, bày bán trong các bể chứa ôxy, không nên mua các loại đã ướp đá đông lạnh, vì gần 100% hàng ướp lạnh đều được bơm tạp chất và ngâm tẩm hóa chất bảo quản độc hại; đồng thời nên cảnh giác với các loại thủy sản "to béo" bất thường, hoặc hình thức quá bắt mắt, giá rẻ, vì có thể chúng là sản phẩm đã được gian thương "nhào nặn" để trục lợi.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã