Với vai trò là chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp - nông thôn (NNNT) trên địa bàn, Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT (Agribank) Chi nhánh Lâm Đồng đã ký thỏa thuận liên ngành với Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để tuyên truyền, triển khai đồng bộ đến các cấp Hội về chính sách tín dụng phục vụ NNNT.
Đến nay, 31/41 tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện cho vay đối với khách hàng theo chính sách tín dụng phát triển NNNT cho 41 xã với tổng số tiền 1.885 tỷ đồng. Sau 3 năm (2010-2013) thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP và Thông tư 14/2010/TT-NHNN, doanh số cho vay phát triển NNNT đạt 54.876 tỷ đồng, phục vụ cho gần 587.000 lượt khách hàng, bình quân mỗi năm các TCTD trên địa bàn tỉnh đã giải ngân gần 18.300 tỷ đồng cho 195.000 lượt khách hàng. Dư nợ cho vay phát triển NNNT có tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng 23%, tập trung phục vụ nhóm khách hàng cá nhân và hộ gia đình (chiếm gần 85%), chủ yếu để phát triển cây công nghiệp như trồng, chăm sóc và chế biến càphê, chè, tiêu, cao su, điều, dâu tằm…
Năm 2013, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng đã triển khai các chương trình tín dụng chính sách, góp phần bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn. Thông qua các Tổ tiết kiệm và vay vốn, doanh số cho vay các chương trình tín dụng hộ nghèo đạt 210,892 tỷ đồng, giúp 2.928 hộ thoát nghèo, tạo và tăng thêm việc làm cho 2.062 lao động, giúp xây dựng 9.153 công trình nước sạch và nhà vệ sinh hợp chuẩn tại vùng nông thôn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống còn 12.200 hộ, chiếm 4,13% (giảm 2,18% so với đầu năm). Đến hết năm 2013, toàn tỉnh chỉ còn 5 xã có nợ quá hạn trên 2%, giảm 22 xã so với đầu năm (27 xã).
Thực tế thấy, Lâm Đồng đã có sự chuyển đổi tích cực về cơ cấu cây trồng, một số địa phương chuyển đổi, cải tạo vườn càphê từ cây thực sinh sang càphê ghép, năng suất tăng 30 - 40%; diện tích chè giống bản địa chuyển sang trồng chè giống mới như Ô Long, tứ quý… cho năng suất, chất lượng và giá trị cao hơn. Đồng thời, nhờ vay vốn đầu tư công nghệ chế biến, bảo quản nông sản đã kích thích một bộ phận doanh nghiệp ở nông thôn phát triển, hình thành các vùng sản xuất công nghệ cao. Bên cạnh đó, nguồn vốn tín dụng ngân hàng cho vay phát triển NNNT được dùng xây dựng hạ tầng như: đường giao thông nông thôn, trạm điện, làm thay đổi bộ mặt nông thôn theo hướng tích cực; giúp nông dân vay vốn phát triển kinh tế, mua sắm máy móc, phương tiện phục vụ sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa.
Từ khi thực hiện chương trình XDNTM, các TCTD trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện cho vay đối với 12 xã (giai đoạn 2010-2011) và 41 xã (từ năm 2012) với doanh số cho vay trên 11.640 tỷ đồng, dư nợ bình quân 2.750 tỷ đồng/năm. Sau hơn 3 năm thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển NNNT và chương trình XDNTM, tỷ trọng dư nợ cho vay ngày càng tăng, từ 43,5% (năm 2010) tăng lên 58% (năm 2013), góp phần hình thành các làng nghề, tổ hợp tác sản xuất và các mô hình sản xuất hiệu quả tại nhiều địa phương trong tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất, xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Ngành ngân hàng cũng đang hướng đến hoàn thiện cơ chế, chính sách để mối liên kết, hợp tác giữa nông dân, nhà khoa học, doanh nghiệp và ngân hàng ngày càng hiệu quả nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu.
Lê Hoa
Nguồn: kinhtenongtho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã