Đến giáp chân đèo Tam Canh, rẽ trái chưa đầy 50m, hai bên đường san sát những lán trại, bên trong từng hàng, từng hàng ngói máng thô mộc nhiều vô kể xếp đều tăm tắp đang chờ vào lò nung. Cách đó là những lò ngói mộc mạc, đơn sơ đang từ từ nhả khói. Thế nhưng điều làm chúng tôi thật sự ấn tượng đó là khung cảnh tấp nập của một làng nghề.
Đó đây, bên trong hay trước cửa lán trại, những người dân cặm cụi, say sưa làm việc, người mê mải dẫm đất, người cẩn thận cắt xén những vuông đất nhỏ.
Lối vào làng nghề làm ngói Quỳnh Sơn.
“Nghệ nhân lão làng” là cái tên mà mọi người dân nơi đây vẫn thường ưu ái dành gọi ông Ngọc vì ông là người duy nhất có thâm niên làm nghề hơn 60 năm. Vừa nhào, vừa trộn đất bằng chân, ông vừa kể về cuộc đời làm nghề của mình.
Quen mùi ngai ngái, khen khét từ thuở lọt lòng
Người dân Quỳnh Sơn luôn tự hào với nghề làm mái ngói âm dương của quê hương. Thứ ngói lợp làm cho ngôi nhà mát mẻ trong mùa hè, ấm áp trong mùa đông ấy đã được làm ở đây cũng hơn trăm năm.
Ông Ngọc nhớ lại: “Nghề này theo ông cha kể lại thì nó bắt nguồn từ Trung Quốc, tồn tại Quỳnh Sơn từ lúc nào cũng không ai nhớ rõ. Các ông các bà làm rồi lại đến đời con cháu, cứ như vậy truyền từ đời này sang đời khác cho tới bây giờ. Từ nhỏ, tôi đã được người lớn cho ra đây “nghịch đất” rồi, vì thời đấy khổ, không làm thì không có ăn nên hầu hết trẻ con đều được ra đây đi làm cùng”.
"Khi mới 4- 5 tuổi, món đồ chơi đầu tiên mà tôi có được là một nắm đất nặn làm ngói âm dương. Rồi như một định mệnh, nghề làm ngói của quê hương đã hun đúc trong người tôi một tình cảm máu thịt khó có thể dứt ra..." – ông Ngọc tâm sự.
Đôi chân thoăn thoắt của ông Ngọc đảo đều những thớ đất sau khi được thái mỏng lọc sạn.
Đến năm 15-16 tuổi, ông đã có thể làm chính các công đoạn và như định mệnh đất sét vùng này, cái mùi hương đất ngai ngái, mùi khói khen khét của những lò nung ngói cứ đeo bám lấy ông cho tới ngày hôm nay. Tại đây mỗi đợt làm ngói, thường tập trung hai, ba gia đình cùng làm mới có một mẻ ngói cho vào lò, mọi người vừa làm vừa nói chuyện, trêu đùa làm quên đi mệt mỏi.
Nhìn những người thợ đang miệt mài làm, người kéo xén đất thành từng thỏi, người nhào đất, cắt thành từng lát mỏng mới thấy đằng sau những viên ngói thô sơ ấy là cả sự kỳ công của người thợ. Một vạn viên ngói mới đủ để lợp một ngôi nhà sàn ba gian, những người thợ ở đây phải chia làm mấy lần nung.
Mỗi nhà cũng giữ một bí quyết riêng để tạo màu sắc và giữ độ bền cho ngói. Sau khi ngói đã ra lò, những người thợ lại thoăn thoắt xếp ngói để đợi khách hàng đến mua.
Sự tỉ mẩn của một người yêu và tâm huyết với nghề.
Đúng lúc gia chủ vừa hoàn tất một mẻ ngói cho anh Tiến khách hàng Thái Nguyên: "Tôi hẹn với bác Ngọc đây gần tháng này rồi, hôm nay mới tới lượt mẻ của tôi ra lò. Sở dĩ phải đích thân lặn lội lên đây, mua đúng sản phẩm ngói truyền thống Quỳnh Sơn vì những viên ngói do chính bàn tay người thợ Quỳnh Sơn thực hiện, từ độ bóng cho đến nét gờ, chất liệu... không chê vào đâu được dù giá có đắt hơn loại ngói làm bằng máy móc hiện đại, nhưng đảm bảo về chất lượng cũng như yêu cầu mỹ thuật. Tôi đang cần để dùng cho xây dựng nhà hàng, quán café vì ngói âm dương có đặc điểm cách nhiệt tốt, cho nên các ngôi nhà được lợp bằng loại ngói này, mùa hè thì mát mẻ, mùa đông rất ấm áp".
Dù vất vả, khom khom cúi cúi làm cả ngày nhưng với ông lão ngoài 80 tuổi thì đó là niềm đam mê.
Theo chuyến xe ba gác của ông Ngọc chở đất sét làm ngói về phía lò nung ở rìa đất cuối thôn. Ông Ngọc cho biết đất sét ở Quỳnh Sơn có màu tro hoặc màu vàng nâu, sau khi nhào kỹ thì có độ mịn, dẻo và dai rất cao. Điều đặc biệt của nghề ngói truyền thống nơi đây là, công cụ trộn đất sét không có máy móc nào có thể thay thế được ngoài đôi chân và hai bàn tay, ngay công đoạn luyện đất đòi hỏi mất rất nhiều thời gian. Đất sau khi được tập kết về, được nhào kỹ với nước để loại tạp chất, ủ kỹ chừng một tháng, sau đó vun vào thành đống, rồi dùng chân đạp, dùng kéo cắt, " đánh vật" thật đều cho đến khi đất nhuyễn.
Nghề "nghịch đất" này đòi hỏi sự tỉ mỉ, kéo léo ở người làm.
Tiếp đến, người thợ cho vào khuôn rồi cắt phần thừa, sau đó đem đi phơi. "Riêng thời gian phơi cũng phải mất từ 30-50 ngày, ngói mới đủ khô để đem nung trong lò. Trung bình, mỗi lò, tùy theo thể tích lớn nhỏ có thể chứa dăm, bảy chục nghìn viên. Một điều đặc biệt tạo nên chất lượng "có một không hai" của ngói âm dương Quỳnh Sơn là lò nung được đốt bằng củi và quá trình nung diễn ra liên tục 10 ngày 10 đêm..." – ông Ngọc tiết lộ.
Những trăn trở về nghề
Muốn làm ra một viên ngói âm dương, phải tuân theo các công đoạn 100% thủ công, cho nên đòi hỏi những người làm nghề phải có kinh nghiệm, bí quyết riêng. Không những vậy, họ phải thật sự say sưa với nghề. Theo ông Ngọc khi xưa tại các lò ngói ở Quỳnh Sơn già, trẻ, gái, trai... đều miệt mài với nghề, bởi ngói âm dương lúc đó được xem là một mặt hàng xây dựng "hút hàng" mang lại thu nhập cao. Cứ vào dịp tháng 10, tháng 11 âm lịch hằng năm, thợ làm ngói ngày đêm bò ra làm cũng không hết việc, vì thời gian này, đồng bào các dân tộc thường dựng nhà mới. Công việc tuy vất vả, thu nhập không cao so với công sức bỏ ra, nhưng những người thợ làm nghề ngói ở vùng đất này vẫn xem đây là "nghề máu thịt" do cha ông truyền lại và họ tin rằng nhờ tình yêu của dân làm nghề, ngói âm dương sẽ không bao giờ "chết".
Tăm tắp những hàng ngói đang ngóng đợi ngày vào lò.
“Nhưng giờ đây ngôi làng này ngày càng trở nên vắng bóng những người trẻ. Công việc “nghịch đất” này giờ thanh niên không còn mặn mà với nó nữa. Hơn nữa chất đốt, nguồn đất sét ngày càng cạn kiệt, trong khi chưa tìm ra nguồn vật liệu thay thế...." – Ông Ngọc trăn trở.
Trong làng giờ chỉ còn người già là vẫn con theo nghề làm ngói.
Mấy chục năm gắn bó với nghề làm ngói âm dương, đôi bàn tay ông Ngọc và những người thợ ở đây đều chai sần, thô ráp. Những viên ngói do họ làm ra có thể sử dụng hàng trăm năm vẫn trường tồn. Những người thợ ở đây vẫn luôn mong mỏi nghề ngói âm dương được các cơ quan, ban ngành chức năng quan tâm, hỗ trợ để mai này nét văn hóa truyền thống độc đáo của những viên ngói âm dương còn hiện diện trong những ngôi nhà sàn, hay những ngôi nhà trình tường độc đáo.
Lão nghệ nhân giới thiệu về nguyên tắc hoạt động của lò nung ngói âm dương.
Đằng sau nụ cười khi chứng kiến những thành quả lao động vất vả ra lò là bao nỗi niềm trăn trở với nghề.
Dù có thế nào đi chăng nữa, với những người thợ vẫn đang ngày đêm miệt mà làm ngói, lửa vẫn còn cháy, lò vẫn còn nóng là họ còn chưa tắt đi niềm yêu nghề. Những người con của đất Quỳnh Sơn vẫn cần mẫn nhào nặn, thổi hồn vào đất giữ cho những lò nung ngói luôn đỏ lửa để tạo nên nét đặc sắc, cổ kính trên những mái nhà cổ kính rêu phong nhuộm màu của thời gian.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã