Từ nghị quyết của trung ương đến chỉ thị của Chính phủ thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) cùng đề ra 19 tiêu chí, bao trùm hầu hết các hoạt động nhằm phát triển toàn diện khu vực nông thôn. Chính phủ nhấn mạnh sự đồng bộ tham gia của các ban, ngành trung ương và địa phương giúp cho chính quyền và người dân xã NTM có thể thực hiện những tiêu chí đó đạt kết quả tốt. Tuy nhiên, quá trình thực hiện từ 4 năm nay cho thấy chương trình gặp rất nhiều khó khăn.
Không bền vững
Cách xây dựng nông thôn của nước ta trong 40 năm qua, kể cả khi có chương trình NTM (từ năm 2010) bộc lộ tính không bền vững, biểu hiện trên khắp các địa phương, như: tình trạng trúng mùa - rớt giá xảy ra hằng năm, cứ trồng rồi chặt - chặt lại trồng, nghèo đói và suy dinh dưỡng, tài nguyên môi trường bị xói mòn và ô nhiễm... Các nhà khoa học quốc tế đang bàn thảo giải pháp đối với những thách thức của nông nghiệp hiện tại nhưng vẫn chưa rõ vì những đánh đổi giữa các mục tiêu phát triển (như: an ninh lương thực, phát triển kinh tế và duy trì sự bền vững của môi trường) chưa được đánh giá hợp lý.
Nguyên nhân chủ yếu khiến hiệu quả chương trình NTM ở nước ta còn hạn chế là do cán bộ quản lý địa phương chưa đạt trình độ chuyên môn cần thiết và nguồn tài chính đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu, thể hiện qua việc sử dụng đồng vốn kém hiệu quả, gây thất thoát. Có nơi còn ỷ lại vào nguồn lực của trung ương, chưa chủ động huy động các nguồn lực xã hội; trong khi đó, trung ương phân bổ nguồn lực còn phân tán, hiệu quả lồng ghép thấp. Kết quả xây dựng NTM chưa đồng đều, còn khoảng cách lớn giữa các địa phương và các vùng miền. Vì thế, để xây dựng được “NTM bền vững” theo chỉ đạo của Chính phủ quả là một thách thức lớn.
Đây là thời điểm mà Chính phủ và Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM cần rà soát lại các mục tiêu của từng xã NTM, cách tiếp cận của từng xã để thực hiện mục tiêu đó căn cứ trên những khám phá mới trong khoa học bền vững.
Làm rập khuôn
Năm 2010, một nhóm 24 nhà khoa học đa ngành quốc tế do GS Jeffrey D. Sachs - Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học quả đất của ĐH Columbia (Mỹ) - đề xuất thành lập một mạng lưới toàn cầu về theo dõi đánh giá toàn cảnh đơn vị nông thôn (“Landscapes” - tương đương địa bàn nông thôn mới của ta) để cung cấp dữ liệu khoa học nhằm so sánh một cách định lượng những phí tổn và lợi ích của những kiểu sản xuất nông nghiệp căn cứ trên những kết quả khác nhau theo không gian và thời gian. Các phân tích như vậy giúp phục hồi, mở rộng hoặc đưa những cải tiến tốt hơn, phù hợp với đơn vị NTM đó. GS Sachs cho rằng sớm định lượng được cơ hội trong những hệ thống nông nghiệp đa năng thì chúng ta sẽ nhanh chóng đạt đến một hệ thống nông nghiệp toàn cầu bền vững hơn trong môi trường công bằng hơn và lành mạnh hơn (trích từ NATURE số 466, ngày 29-7- 2010).
Theo cách tiếp cận mới này, người ta phân tích từ cấp vùng khu vực/quốc tế (global/regional level) xuống đến cấp toàn cảnh đơn vị nông thôn (landscape level) và sau cùng là đơn vị nông trại của hộ gia đình (plot/farm level). Sự thành công của cấp đơn vị nông trại phải thấy được trên cấp toàn cảnh đơn vị nông thôn đặc thù của một cấp vùng. Vì nông nghiệp/nông dân là chủ thể chính của nông thôn nên làm sao cho nông nghiệp được bền vững tùy thuộc vào ảnh hưởng của những hệ thống canh tác có thể sản xuất được trong đơn vị nông thôn đó. Thông thường, những chiến lược nông nghiệp được đánh giá theo một số ít tiêu chí như tiền lời hoặc năng suất. Nhưng theo cách tiếp cận mới, sự đánh giá các hệ thống nông nghiệp phải được đo theo các tiêu chí chủ yếu, bao gồm: bền vững môi trường, an ninh lương thực (lượng và chất lương thực mà con người thu nhận được), sức khỏe mọi người dân, phúc lợi kinh tế và xã hội. Bước đầu đạt được các tiêu chí trên, người dân và nhà nước đạt yêu cầu tối thiểu rồi, không nhất thiết phải có đủ 19 tiêu chí như trước đây. Và như thế, NTM sẽ tiếp tục phát triển.
Do đó, việc xây dựng NTM của chúng ta cần phải thực hiện từ cơ sở toàn cảnh đơn vị nông thôn đặc thù của vùng lãnh thổ đặc thù trong nước. Như thế, chúng ta không thể tiếp tục làm rập khuôn nhau được (tránh tập quán “anh có thì tôi cũng phải có”).
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 16-3
Kỳ tới: Luẩn quẩn “cây - con”, “trồng - chặt”
5 nhóm giải pháp
- Sự “lồng ghép” của nhiều chương trình, dự án là rất cần thiết, các ban - ngành không nên làm riêng lẻ vì không hiệu quả mà còn gây tốn kém kinh phí.
- Đặc biệt, ở các vùng nông thôn nghèo, chúng ta phải “khoan sức dân” vì “nguồn lực từ cộng đồng rất khó huy động khi nông thôn còn quá nghèo”.
- Với kinh phí ít, địa phương phải biết xếp hạng ưu tiên của các tiêu chí mà thực hiện. Tiêu chí nào khi đạt được thì sẽ kéo thêm nhiều tiêu chí khác.
- Quy hoạch trên cơ sở khoa học và cơ hội thị trường nội địa cũng như quốc tế nhằm tạo điều kiện cho nông dân làm nông nghiệp giỏi, sớm có thu nhập cao. Từ đó, họ có sức mua mạnh, tự họ làm tăng ngân sách địa phương một cách bền vững để có tiền thực hiện các tiêu chí khác.
- Không thể phó mặc cho dân nông thôn “tự bơi” trong biển cả khó khăn mà vai trò của nhà nước cần đầu tư nhân lực và tài lực để chấm dứt tình trạng giáo dục kém, y tế kém và nghèo vì không có thị trường cho sản phẩm làm ra.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã