Học tập đạo đức HCM

Nghị quyết lạ trên vùng cao Tủa Chùa

Thứ ba - 16/04/2013 03:11
Tủa Chùa là một trong những huyện nghèo nhất tỉnh Điện Biên. Loại cây trồng được chọn làm sứ mệnh thoát nghèo là chè cổ thụ Shan tuyết. Một hành trình hết sức gian nan, nhưng lại được đánh giá là kỳ tích rất đáng ghi nhận của vùng cao Tủa Chùa.

>> Để người miền núi có tiền

Đánh thức cao nguyên Sín Chải

Nghèo nhất huyện Tủa Chùa là vùng phía bắc, nơi tập trung các xã trên cao nguyên Sín Chải như: Sính Phình, Tả Phình, Tả Sìn Thàng, Sín Chải… Đời đời kiếp kiếp, đói nghèo đã trở thành “đặc sản” của vùng đất này. Cả cao nguyên bạt ngàn đá xám, không có một xã nào có số hộ nghèo dưới 50% cả. Thành lệ, cứ đến mùa giáp hạt lại phải phát gạo cứu đói cho người dân.

Tài nguyên lớn nhất của vùng đất này là đá xám, loại đá chỉ có mỗi công dụng là rải làm đường cấp phối hoặc làm bờ kè hàng rào, chuồng bò, nhà cửa của dân bản mà thôi. Thành thử, lãnh đạo các cấp dù có trăn trở đến mấy với Tủa Chùa, nhưng để tìm hướng thoát nghèo thì lại thấy khó. Nhìn đi nhìn lại chỉ có mỗi chè cổ thụ, loài cây chưa bao giờ được người dân chú trọng trên vùng cao này.

Với tổng số gần 10.000 cây chè hàng trăm năm tuổi Tủa Chùa từng được Viện Nghiên cứu Chè đánh giá là nơi còn mật độ cây tập trung lớn so với nhiều vùng khác trong cả nước. Chè Tủa Chùa còn thuộc vào hàng giống quý, mọc tự nhiên, ít có sự tác động của hóa chất nên nổi tiếng có chất lượng sạch, an toàn cho sức khỏe. Vậy mà 4 xã phía bắc của huyện, nơi số chè cổ thụ có khoảng 7.000 cây, chiếm hơn 2/3 lại là nơi đói nghèo nhất, không sống nổi với cây chè.

Năm năm trước, dự án phát triển vùng chè bốn xã phía bắc huyện Tủa Chùa được triển khai với tổng nguồn vốn đầu tư 84 tỷ đồng. Một số tiền khá lớn chỉ đổ vào lĩnh vực trồng chè cổ thụ thực sự là một cuộc cách mạng tiềm ẩn nhiều lo ngại ở vùng cao.

Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa Đỗ Xuân Huấn thậm chí còn ví von dự án với trò đánh bạc: “Chè cổ thụ Shan tuyết có ở vùng núi Tủa Chùa lâu lắm rồi, có những cây cả trăm năm, nhưng không một người dân nào tính chuyện thoát nghèo từ chè cả. Lý do là vì giá cả thấp, công hái vất vả, mà hái rồi chưa chắc đã bán được cho ai vì đường giao thông vào Tủa Chùa là đường cụt. Cây chè không được chăm sóc, để mặc gia súc phá phách nhiều lắm”.

Để kéo người dân hợp tác với cây chè, cả tỉnh Điện Biên lẫn huyện Tủa Chùa đều phải có chủ trương hỗ trợ. Theo chính sách, mỗi hộ dân chọn cây chè phát triển kinh tế được hỗ trợ 10 triệu đồng, 8.000 cây chè giống, 700 cân gạo cho mỗi ha. Ngoài ra còn tiền phân bón, tiền trợ giá… Vậy nhưng, như lời ông Huấn từng nói, đúng là đánh bạc thật.

Những vụ chè liên tiếp thất bại vì số diện tích chết khá lớn càng khiến cho niềm tin của người dân vốn chẳng nhiều nhặn gì cứ mai một dần đi. Qua đánh giá diện tích chè trồng trong giai đoạn 2009-2011 được trồng theo quy hoạch tỷ lệ sống chỉ đạt từ 69-75%, trong khi quy trình trồng đòi hỏi tỷ lệ sống phải 90%. Nguyên nhân cuối cùng cũng được tìm ra. Do đặc thù khí hậu, mùa mưa ở Tủa Chùa kéo dài từ 4-8 tháng. Giống chè gieo ươm cũng 8 tháng, lúc đem đi trồng mùa mưa vẫn chưa kết thúc nên chết yểu.



Trồng chè trên cao nguyên Sín Chải

Trước thực trạng đó, Huyện ủy và Đảng ủy các xã trong dự án phải ra Nghị quyết điều chỉnh kéo dài thời gian ươm từ 8 tháng lên thành 14 tháng và thành lập các ban chỉ đạo trồng chè. Các ban chỉ đạo này phối hợp với từng thôn bản ra các hương ước về chăn thả gia súc. Tăng cường hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật vào canh tác, như đốn cành, tạo tán và bón phân.

4 xã thuộc dự án được giao cho 4 lãnh đạo chủ chốt trong huyện phụ trách, mỗi người đầu tư và giám sát một mô hình điểm ở xã mình và xét thi đua. Gần như Tủa Chùa phải huy động tổng lực để vực cây chè phát triển ở các xã trên cao nguyên Sín Chải. Thậm chí, các xã trong vùng dự án còn ra hẳn Nghị quyết lạ lẫm là hạn chế nuôi dê dù mô hình chăn nuôi dê mới đưa về không lâu trước đó. "Trồng chè thì không được nuôi dê, vì nếu nuôi dê phá hết, chè không sống nổi", ông Huấn giải thích.

Bắt đầu từ năm 2009 người dân vùng núi đá Tủa Chùa sống được nhờ chè. Nếu như trước đây, chè ở Tủa Chùa dù ngon đến mấy cũng chỉ có giá 5 ngàn đồng/kg thì bây giờ mỗi cân chè được UBND huyện trích ngân sách trợ giá lên thành 13 ngàn đồng.

Song song với việc mở rộng diện tích, các xưởng chế biến chè mọc lên ngay tại các xã càng thôi thúc người dân đầu tư. Một gia đình nếu sở hữu một cây chè cổ thụ, hái trong vòng một buổi sáng có thể thu được 10kg chè, tương đương 130 ngàn đồng. Không cần giám sát, không cần vận động, người dân các xã đua nhau trồng chè. Tổng diện tích chè ở Tủa Chùa ở thời điểm này lên đến gần 500ha. Cao nguyên Sín Chải không chỉ thoát nghèo mà còn xuất hiện các đại gia chè giàu có.

Những đại gia chè cổ thụ

Tủa Chùa bây giờ đã xuất hiện các đại gia chè. Những hộ gia đình có chè cổ thụ không nhà nào đói nữa, thậm chí họ còn giàu. Từ những anh nông dân người Mông mù chữ, đến cán bộ xã cũng lao vào chè. Khác ở chỗ, họ không lao vào theo kiểu đánh bạc như ngày xưa mà đầu tư vào chè với tâm thế trở thành đại gia.

Xã Sính Phình có 906 cây chè cổ thụ, đây cũng là nơi tập trung nhiều hộ giàu nhờ trồng chè nhất trên cao nguyên Sín Chải. Ngoại trừ 906 cây chè cổ thụ, sau khi thực hiện dự án trồng chè, Sính Phình triển khai trồng mới 36,23 ha, đến bây giờ đã cho thu hái ổn định.

Chủ tịch UBND xã Giàng A Dù khoe: Tổng diện tích chè của Sính Phình bây giờ vào khoảng hơn 100 ha cho thu hoạch rồi. Cứ tính bình quân thế này thôi, 1 ha chè cứ hai ngày hái một lần. Một lần hái được khoảng một tạ. Giá bán hiện nay là 13 ngàn/kg. Đem nhân lên thì mỗi lần hái Sính Phình được 130 triệu đồng rồi. Mỗi gia đình chỉ cần trồng 1 ha chè thôi là có thể sống khỏe, không đói nghèo nữa đâu. Vừa được hỗ trợ, vừa bán sản phẩm giá cao thì chẳng có lý do gì để người dân không trồng chè cả.

Người nhiều chè nhất ở Sính Phình là Phó bí thư Đảng ủy xã Giàng A Tùng. Trồng rải rác nhiều nơi, nếu gom lại gia đình anh Tùng có khoảng gần 2 ha. Chè đã cho thu hoạch nên mỗi lần hái gia đình anh thu về 2 tạ chè tươi, bán ngay tại xưởng là có 3 triệu đồng cầm tay. Người Mông ở Sính Phình gọi anh Tùng là đại gia. Tất nhiên chẳng thể so sánh với các đại gia ở miền xuôi về tiền bạc nhưng ở nơi vẫn còn 67% hộ nghèo như xã vùng cao này thì thu nhập như thế đã là điều cực kỳ khủng khiếp rồi.

 

"Đối với những địa phương đặc biệt khó khăn như Tủa Chùa, nhận thức người dân còn thấp thì ngoài việc đầu tư còn phải dày công tuyên truyền vận động người dân tham gia hưởng ứng. Chỉ cần dân đồng thuận, quyết tâm, sớm muộn gì cũng thành công. Còn đầu tư theo kiểu cho có, hình thức thì chắc chắn chỉ có thất bại mà thôi", ông Đỗ Xuân Huấn, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tủa Chùa.

Vùng chè Sính Phình còn một “đại gia” chè nữa là ông Giàng A Sính. Ông Sính là cựu chiến binh. Đã có một thời nhà ông Sính đến ăn cũng chẳng có. Trong vườn, chè cổ thụ mọc nhiều nhưng hái về không bán được nên tức khí ông chặt đi gần phân nửa. Vậy mà bây giờ, chỉ với nửa số chè còn lại, cộng thêm gần 2 ha trồng mới, mỗi lần hái gia đình ông bỏ túi 4 triệu đồng. Một năm chỉ gián đoạn gần 2 tháng, còn lại cứ hai ngày hái một lần, thu nhập cả trăm triệu đồng đơn giản như trở bàn tay.

Xã Sín Chải cũng là nơi nhiều người giàu lên sau khi triển khai dự án trồng chè. Vườn chè của Hạng A Chư ở bản Hấu Chua, nơi có cây chè cổ thụ to nhất vùng Tủa Chùa với gốc to đến ba người ôm mới xuể.

Gặp tôi, Chư hồ hởi: Ở bản Hấu Chua, hầu như nhà nào cũng có ít nhất vài ba gốc chè cổ thụ mọc ngay sát hiên nhà. Chè ở Hấu Chua mình ngày xưa nhiều lắm, nhiều như cây ngô trên nương đấy. Nhưng có một dạo dân bản chặt cây chè cổ lấy đất trồng khoai sắn, mình ra sức cản thì dân bản đã phá mất 2/3 rừng chè cổ rồi. Bây giờ, sở hữu một cây chè cổ thụ như Chư chẳng bao giờ lo đói. Nhà Chư được xếp vào hạng to nhất bản, với đủ tiện nghi chẳng kém gì nhà ở miền xuôi. “Có được cơ ngơi này là nhờ vào chè cả”.

Theo NNVN

 Tags: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Văn bản ban hành

Công văn số 6748/UBND-NL5

Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024

Văn bản số 4414/UBND-NL5

Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới

Văn bản số 4305/UBND-NL5

Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố

Quyết định số 15/2024/QĐ-UBND

Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh

Công văn số 3608/UBND-NL5

Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã

Hát về nông thôn mới
MÃ QR CODE ZALO-BỘ NỘI VỤ Bộ nông nghiệp Cổng thông tin Đảng bộ hà tĩnh Công báo tỉnh Điều hành tỉnh Dự thảo văn bản văn bản Nhật ký truyền thanh
Thăm dò ý kiến

Theo bạn thực hiện Chương trình OCOP nên phát triển theo hướng nào:

Thống kê
  • Đang truy cập548
  • Hôm nay70,962
  • Tháng hiện tại776,075
  • Tổng lượt truy cập90,839,468
®VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH MTQG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI
Trưởng ban biên tập:  Nguyễn Văn Việt - Chánh Văn phòng 
Phó trưởng ban biên tâp: Ngô Ðình Long - Phó Chánh Văn phòng
Địa chỉ: 148 - Đường Trần Phú - Thành Phố Hà Tĩnh
Điện thoại: 02393.892.689;  Email: nongthonmoitinhhatinh@gmail.com
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây