Nhiều cản ngại
Giáo sư- Tiến sĩ Bùi Chí Bửu, Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, đánh giá: "Với tư duy đúng đắn của nghị quyết Đại hội VII: "Nông nghiệp là mặt trận hàng đầu", nông nghiệp Việt Nam đã đạt những thắng lợi lớn với định hướng phát triển theo chiều rộng. Và mô hình CĐL với mục tiêu, nội dung rõ ràng, sản xuất lúa gạo nước ta đang chuyển mình sang giai đoạn đoạn phát triển theo chiều sâu. Theo ông Bửu, dù hiệu quả kinh tế CĐL mang lại đã được khẳng định và ngành nông nghiệp các địa phương đang khuyến khích nhân rộng, song số lượng doanh nghiệp thật sự thiết tha với bà con nông dân lại không nhiều".
Mô hình CĐL ở xã Vĩnh Bình, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. |
Định hướng phát triển mô hình CĐL trong tương lai, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), các địa phương cần có tầm nhìn xa với những chính sách dài hơi. Bởi khi cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp được thực hiện đồng bộ, sẽ làm dôi dư lao động nông nghiệp ở khu vực nông thôn. Giải quyết vấn đề này thật không dễ dàng trong bối cảnh Việt Nam có khoảng 50% lao động đang làm việc trong khu vực nông nghiệp, trong khi các ngành khác vẫn chưa tạo ra cơ hội việc làm để hấp thu lực lượng này. "Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là cần cân nhắc cái được và mất giữa tăng năng suất, khối lượng, hiệu quả kinh tế và tình trạng di cư từ nông thôn ra thành thị. Điều này sẽ không thấy rõ khi triển khai thí điểm mô hình nhưng sẽ là vấn đề nan giải khi thực hiện đại trà trên quy mô toàn quốc..."- Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ NN&PTNT) băn khoăn.
Đổi mới tư duy làm nông nghiệp
Theo các chuyên gia đầu ngành nông nghiệp, để khắc phục những hạn chế và đưa CĐL phát triển toàn diện, ngoài việc củng cố liên kết dọc cần chú trọng liên kết ngang giữa nông dân với nông dân. "Nông dân nhạy bén, đạt trình độ thâm canh cao, song chỉ diễn ra trên cánh đồng nhỏ của mình vì ngán ngại tham gia vào các tổ chức làm ăn quy mô lớn. Đây là nguyên nhân chính khiến họ không thể tự bơi ra biển lớn khi Việt Nam là thành viên của WTO, thậm chí bị cô lập và trở thành là nạn nhân của biến động thị trường. CĐL chỉ là giải pháp trước mắt, về lâu dài vẫn phải tổ chức lại sản xuất dưới hình thức hợp tác xã nông nghiệp cải tiến với chính sách phát triển rõ ràng. Có như vậy, sản xuất lúa gạo mới có thể phát triển theo chiều sâu, hình thành chuỗi giá trị hoàn chỉnh từ khâu sản xuất đến khi đưa sản phẩm tiêu thụ trên thị trường. Đây là điều kiện để đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ gạo, tận dụng phụ phẩm... mở thêm ngành nghề khác ở nông thôn"- Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Chí Bửu đề xuất.
Tiến sĩ Vũ Trọng Bình, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp cho rằng: Nông dân ở những cánh đồng liền kề phải áp dụng một quy trình sản xuất trong tất cả các khâu từ kỹ thuật canh tác, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Và động cơ để nông dân liên kết lại với nhau chính là lợi ích của hành động tập thể mang lại phải lớn hơn lợi ích của hành động riêng lẻ, do từng cá nhân quyết định. Khi liên kết ngang được thắt chặt, nông dân sẽ giảm chi phí sản xuất; có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến; tăng vị thế đàm phán, khả năng cạnh tranh; đồng thời những rủi ro được san sẻ. Chỉ có liên kết lại, nông dân mới có khả năng cung cấp sản phẩm đủ lớn về số lượng, đồng đều về chất lượng kịp thời theo yêu cầu từ phía doanh nghiệp. Đây cũng là con đường để nông dân xây dựng và quản lý nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mình làm ra. Bởi theo xu hướng chung của thế giới, những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn chất lượng ngày càng được chú trọng.
Về mối liên kết giữa "2 nhà" chủ đạo- nông dân và doanh nghiệp, bên cạnh những quy định, ràng buộc về ý nghĩa và nhiệm vụ chính trị cần phải quan tâm cân đối hài hòa lợi ích của các bên. Theo ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang, vào CĐL, nông dân cần thay đổi tập quán canh tác từ sản xuất lúa hàng hóa thông thường sang sản xuất lúa chất lượng cao. "Cánh đồng mẫu" trước hết phải "mẫu" về giống lúa, kế đến là phải chuẩn về quy trình sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu, công nghệ bảo quản, phơi sấy sau thu hoạch… nhằm đạt được mục tiêu cuối cùng là tăng năng suất, chất lượng sản phẩm với chi phí thấp nhất. Một số ý kiến đề xuất, doanh nghiệp nên áp dụng giá mua và phương thức thanh toán linh hoạt theo thị trường tại từng thời điểm để khuyến khích bà con yên tâm về đầu ra khi tham gia mô hình. Ở góc độ quản lý Nhà nước, các bộ ngành hữu quan và các địa phương cần nhanh chóng giải quyết những vấn đề cấp bách như: đầu tư cho doanh nghiệp, chính sách quản trị chất lượng sản phẩm, đề ra chiến lược maketing, xây dựng thương hiệu cho hạt gạo ĐBSCL…
CĐL thành công chính là mối liến kết "4 nhà" được phát huy dù từng chủ thể trong 4 nhà vẫn chưa có sự phân định vai trò và trách nhiệm ràng buộc cụ thể. Tuy nhiên, đây là con đường duy nhất để nâng cao chuỗi giá trị hạt gạo, xây dựng thương hiệu và khẳng định vai trò của cường quốc về xuất khẩu lúa gạo trên thế giới.
Bài, ảnh: MỸ THANH
Nguồn: baocantho.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã