Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các giống gạo Nhật. Tờ báo dẫn số liệu của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Nghề cá Nhật Bản cho biết trong vòng 10 năm từ 1995 đến 2015, sản lượng nông nghiệp của nước này đã giảm 16% về giá trị. Công ty AoiFarm có trụ sở ở tỉnh Miyazaki của Nhật Bản đã bắt đầu trồng tại Việt Nam khoai lang Nhật - loại khoai có độ ngọt cao và được yêu thích ở Hồng Kông và Nhật Bản. Với công nghệ sản xuất được chuyển giao từ Nhật Bản, AoiFarm đã đạt sản lượng 1.250 tấn khoai khi trồng tại Việt Nam năm đầu tiên. Một phần số khoai này sẽ được xuất khẩu sang Singapore và Hồng Kông. Chiến lược eting của AoiFarm bao gồm hai mũi nhọn. Loại khoai lang do công ty trồng tại Nhật sẽ được xuất khẩu và hướng tới tầng lớp người tiêu dùng thu nhập cao, còn sản lượng khoai trồng ở Việt Nam sẽ hướng tới tầng lớp tiêu dùng trung lưu và thu nhập thấp - một lãnh đạo của công ty cho hay. Kitoku Shinryo, một nhà bán buôn gạo lớn của Nhật, sẽ bắt đầu trồng koshihikari, một giống gạo trồng phổ biến ở Nhật, tại miền Bắc Việt Nam vào tháng 2 này. Công ty đặt mục tiêu sản lượng khoảng 500 tấn, cung cấp cho các nhà hàng Nhật vốn đang mọc lên ngày càng nhiều ở Việt Nam. Một lãnh đạo của Kitoku Shinryo cũng cho biết công ty có dự kiến xuất khẩu một phần sản lượng gạo trồng được ở Việt Nam sang Trung Quốc. Theo Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Việt Nam có điều kiện khí hậu và thổ nhưỡng phù hợp với các giống gạo Nhật. Ngoài ra, các loại nông sản dễ được xuất khẩu đi từ Việt Nam hơn là từ Nhật Bản, nơi các tiêu chuẩn kiểm dịch rất ngặt nghèo. Không chỉ tiến vào Việt Nam, các công ty nông sản Nhật cũng đang xem xét sản xuất ở một số quốc gia và khu vực khác. Công ty Agricultural Production Corp. GRA hiện đang nghiên cứu khả thi về trồng dâu tây ở Trung Đông. Công ty có trụ sở ở tỉnh Miyagi này đã trồng thành công dâu tây ở Ấn Độ với độ ngọt như dâu trồng tại Nhật và sản lượng thu hoạch được cung cấp cho các khách sạn tại Ấn Độ. Theo VnEconomy |