Phải khá vất vả chúng tôi mới “chui tọt” được vào khu vườn mận xanh đường rộng 7.000 mét vuông (7 công đất) đã cho trái hàng chục năm qua được bao phủ rất kín đáo bằng những tấm lưới bên trên như một chiếc mùng khổng lồ. Chủ nhân khu vườn “ độc” và “ lạ” ấy là nông dân sản xuất giỏi tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Quyên.
Ông Nguyễn Văn Quyên giới thiệu về vườn mận xanh đường đang mang lại thu nhập rất tốt cho gia đình.
Ông kể về cơ duyên đến với loại trái cây này : “Trong một dịp tình cờ phát hiện loại mận xanh đường tại địa phương 20 năm trước, tôi đã mang về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Kết quả thật bất ngờ, mận xanh đường có chất lượng ngon, ngọt, màu sắc xanh tự nhiên; sản lượng rất cao và có thể cho trái quanh năm. Trông trái mận xanh lét vậy chớ ăn giòn và ngọt như đường. Vậy nên dân địa phương gọi là mận xanh đường đó anh…”.
Mận xanh đường trông quả xanh lét, nhưng ăn giòn, ngọt như đường.
Sau nhiều năm trồng giống mận xanh đường, ông Nguyễn Văn Quyên mới nghiệm ra rằng, năng suất, sản lượng của giống mận này so với các giống mận khác; giá bán mận quả cũng cao hơn từ 10-15%. Điều đặc biệt, thương lái rất khoái thu mua mận xanh đường nhà ông Quyên. Chính vì điều này, ông Quyên đã phá bỏ 7 công đất trồng hoa huệ trắng để chuyển sang trồng giống mận xanh đường. Mỗi năm ông Quyên thu hoạch 3 vụ mận xanh đường với sản lượng từ 55-60 tấn trái, trừ hết các khoản chi phí chăm bón, ông Quyên lãi hơn 300 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Quyên thuê nhân công bao từng trái mận xanh đường để chống sâu, bọ đục trái, làm cho trái mận có mã đẹp, hút hàng.
Ông Quyên chia xẻ kinh nghiệm trồng giống mận xanh đường: “Nếu chăm sóc đúng kỹ thuật thì bình quân 1 cây mận xanh đường sẽ cho từ 120-130 ký trái mỗi vụ (một năm thu hoạch 3 vụ); mỗi ký có từ 10-12 trái tùy theo mùa thuận hay nghịch. Mùa thuận từ tháng 10 năm nay đến tháng 4 âm lịch năm sau; thời gian còn lại là mùa nghịch. Về sản lượng thì mùa nghịch mận xanh đường kém hơn khoảng 30 % so với mùa thuận nhưng bù lại giá bán cao hơn rất nhiều. Điều đặc biệt, với loại mận xanh đường bón rất ít phấn. Chỉ dùng phân NPK với số lượng rất ít và sau khi bao trái thì không bón bất kỳ loại phân nào khác nữa...”.
Ông Nguyễn Văn Quyên cho biết, trồng mận xanh đường ít tốn phân bón và trái bán không sợ dội chợ, được mùa mất giá...
Tiếng lành đồn xa, thấy vườn mận xanh đường của gia đình ông Quyên không chỉ đẹp mà còn cho lợi nhuận khá, hàng trăm hộ dân trong vùng đã đến thăm quan, học tập kinh nghiệm, kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc giống mận này từ ông Quyên. Từ vài công đất “làm theo” ban đầu, đến nay diện tích trồng mận xanh đường ở phường Đông Thuận đã vượt qua con số 50 ha.
Ông Trần Văn Hải, ngụ khóm Đông Bình, phường Đông Thuận vui vẻ kể : “Từ khi chuyển 5 công đất từ trồng nhãn tiêu da bò sang trồng giống mận xanh đường, mức lợi nhuận tăng rất nhiều lại tránh được cảnh trúng mùa rớt giá, trúng giá thất mùa. Với giá bán từ 15-17.000 đồng/ký mận xanh đường, bình quân mỗi công đất tui có lời từ 30-35 triệu đồng mỗi năm. Nhờ mận xanh đường mà tui mới cất cái nhà 800 triệu đồng, mua sắm đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, công cụ sản xuất…”.
Ông Nguyễn Văn Quyên bên trong vườn mận xanh đường được ông bao trùm bởi lưới mùng ở phía trên.
Mặc dù là giống mận mới, nhưng những năm gần đây, người trồng cũng đã phát hiện nhiều sâu rầy, dịch bệnh tấn công mận xanh đường. Để đối phó với sâu rầy ăn hoa, trái mận xanh đường, ông Quyên đã nghĩ ra cách bảo vệ bằng phương thức bao trái bằng bao ni lông và đã mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên cách làm này đòi hỏi nhiều nhân công thực hiện khâu bao từng trái mận. Với giá thuê bao trái hiện nay là 120.000 đồng/ người/ ngày, ông Quyên vẫn phải thuê.
“Tiền thuê nhân công bao trái mận xanh đường làm đội chi phí sản xuất lên, nhưng tóm lại người trồng vẫn có lời khá, trái mận được bao cũng đẹp mã, hút hàng, người địa phương lại có công việc để làm, có thêm thu nhập…”, ông Nguyễn Văn Quyên bày tỏ. Ông Nguyễn Chí Thuận, Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận phấn khởi nói: “Mô hình trồng giống mận xanh đường của ông Quyên rất thành công tại địa phương và được các ngành tỉnh Vĩnh Long nêu điển hình, phổ biến cho những hộ dân có điều kiện cùng trồng….”.
Ông Nguyễn Văn Quyên rất phấn khởi bởi mô hình trồng mận xanh đường xen canh với nhãn Ido, cam xoàn và bưởi da xanh.
Mới đây, ông Nguyễn Văn Quyên lại tiếp tục thử nghiệm cách làm mới “ Trồng mận xanh đường trong mùng lưới” kết hợp với việc bao từng trái bước đầu cho kết quả rất khả quan. Ông Quyên dùng lưới mùng bao phủ vườn mận quanh năm từ ngọn đến gốc. Lưới nầy được bao trên các đọt mận mà không phải dùng bất kỳ cây chống đỡ nào. Rồi ông Quyên lại nghĩ ra cách trồng xen canh mận xanh đường với nhãn Ido, cam xoàn, bưởi da xanh. “Xen giữa các gốc mận, tui trồng 100 cây nhãn Ido, 400 cây cam xoàn và 400 cây bưởi da xanh. Nhãn thì cho trái rồi, còn cam xoàn và bưởi da xanh sang năm 2019 sẽ cho trái...".
Lại một lần nữa, cách trồng xen mận xanh đường với 1 số cây ăn trái khác của ông Quyên đã và đang được nhiều người dân ở khóm Đông Bình hưởng ứng, làm theo…Ông Nguyễn Văn Quyên chia xẻ kinh nghiệm : “Dùng mùng lưới bao phủ giúp bảo vệ cây mận tốt hơn, giảm cường độ nắng. Trái mận xanh đường vẫn dòn, ngon ngọt và to đẹp...”.
Với 9 công đất trồng mận xanh đường xen canh với gần 1.000 gốc nhãn Ido, bưởi da xanh, cam xoàn, dự kiến trong năm 2019, gia đình ông Nguyễn Văn Quyên có lãi 600-700 triệu đồng... |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã