Giá thành cao nhưng khó bán sản phẩm
Sản xuất NNHC hiện vẫn còn là khái niệm khá mới mẻ ở Việt Nam. Đây là phương thức canh tác không sử dụng bất cứ loại phân và thuốc trừ sâu hóa học nào. Muốn vậy, điều kiện đầu tiên là môi trường canh tác như đất, nước phải sạch, không nhiễm chất hóa học.
Năm 2005, dự án thí điểm trồng chè hữu cơ do Tổ chức Hỗ trợ phát triển Đan Mạch (ADDA) tài trợ được triển khai tại xóm Nam Thái, xã Tân Cương (Thái Nguyên), thu hút 17 hộ tham gia. Câu lạc bộ (CLB) chè hữu cơ do ông Nguyễn Văn Kim làm chủ nhiệm cũng được thành lập nhằm giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm cho hội viên. Sản phẩm chè hữu cơ đầu tiên do CLB sản xuất đã được Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ quốc tế (IFOAM) và Tổ chức ICEA (Italia) cấp giấy chứng nhận sản phẩm chè sạch theo tiêu chuẩn châu Âu với thương hiệu chè hữu cơ Tân Cương. Vài năm đầu, sản phẩm chè này được thị trường nhập khẩu chấp nhận, giá bán cao hơn chè thông thường khoảng 30 - 40%.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, CLB chè hữu cơ chỉ còn lại một mình ông Kim, các thành viên khác đã quay lại sản xuất theo phương thức thông thường, 5ha chè hữu cơ ban đầu giờ giảm còn 3 sào (1 sào Bắc Bộ = 360m2). Nguyên nhân chính là do đối tác không thu mua, bà con buộc phải tìm cách bán chè hữu cơ tại thị trường trong nước, và giá chè cao không còn phù hợp. Rốt cuộc, bao nhiêu mồ hôi công sức nghiên cứu, học hỏi tìm các loại thuốc thảo mộc trị sâu trên cây chè giờ không còn ai áp dụng.
Theo thống kê của Hội Nông dân Việt Nam, nước ta mới có 21.000ha canh tác NNHC, bằng 0,2% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, trong đó diện tích nuôi trồng thủy sản hữu cơ là 7.000ha. Các sản phẩm hữu cơ của Việt Nam đang được xuất khẩu là tôm, cá ba sa, chè, hoa quả, gia vị… với 13 tổ chức là nhóm nông dân sản xuất và doanh nghiệp được quốc tế chứng nhận đạt chuẩn để xuất khẩu sản phẩm hữu cơ. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nội địa nông sản hữu cơ của Việt Nam về cơ bản vẫn khá chông chênh, chưa có chỗ đứng bền vững. Hàng loạt mô hình NNHC tìm "đỏ mắt" cũng khó thấy cái nào có được đầu ra thực sự.
Cần xây dựng niềm tin với người tiêu dùng
Ông Nguyễn Duy Lượng, Phó chủ tịch Hội Nông dân kiêm Phó chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam cho rằng, ai cũng biết lợi ích mà NNHC đem lại như đảm bảo sức khỏe cho nông dân, khách hàng; môi trường ngày càng an toàn và người dân có thể bán sản phẩm với giá cao hơn. Tuy nhiên, những thách thức đối với sản xuất hữu cơ cũng là vấn đề không dễ giải quyết. Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên hộ nông dân khó tiếp thị sản phẩm của mình tới thị trường nội địa chứ chưa nói đến xuất khẩu. Nông dân không chủ động định được giá; khó khăn khi xin giấy chứng nhận sản phẩm. Bên cạnh đó, do trong quá trình sản xuất không dùng hóa chất, thiên tai bão lũ nhiều, sâu bệnh bùng nổ, thiếu phân bón, thuốc trừ sâu sinh học… nên năng suất cây trồng hữu cơ đạt thấp.
Bà Esther Penuinia Banzuela, Tổng thư ký Hội Nông dân châu Á (AFA) cho rằng, có thể trước mắt, nông dân sản xuất hữu cơ chịu nhiều thiệt thòi do chưa bán được với giá cao. Tuy nhiên, chúng ta phải làm cho bà con hiểu, về lâu dài sản xuất hữu cơ sẽ đem lại lợi nhuận lớn, không chỉ về mặt kinh tế mà còn đảm bảo cho họ và gia đình về sức khỏe, môi trường. Các tổ chức nông dân của AFA phải nắm tay nhau để giúp nông dân sản xuất bền vững, phải làm mạng lưới cho nông dân sản xuất hữu cơ.
Còn các chuyên gia thì cho rằng, thay vì đợi Chính phủ chứng nhận, nông dân sản xuất NNHC cần xây dựng lòng tin của người tiêu dùng, tiếp thị xã hội các sản phẩm nông sản hữu cơ, xây dựng hệ thống phân phối… Bên cạnh đó, các nhà sản xuất hữu cơ Việt Nam cũng cần có một chiến dịch tiếp thị xã hội nông sản hữu cơ và gửi tới người tiêu dùng một thông điệp, đó là sử dụng sản phẩm hữu cơ là tiêu dùng vì môi trường, vì sức khỏe của chính họ và gia đình.
Chương Phượng
Nguồn:kinhtenongthon.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã