Xu hướng sạch, an toàn
Mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp sạch nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm sạch, an toàn, ít gây tác động đến môi trường... đã và đang được chú trọng phát triển tại TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác tại miền Trung. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch vẫn gặp nhiều khó khăn.
Cần phát huy vai trò của DN trong việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sạch |
Thời gian gần đây TP. Đà Nẵng cũng như nhiều địa phương khác trong khu vực đã và đang hướng đến việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn. Theo đó, một số mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ bước đầu đã đạt được kết quả khá tích cực.
Đơn cử như mô hình trồng lúa hữu cơ tại xã Hòa Tiến và Hòa Phước thuộc huyện Hòa Vang. Mô hình trồng lúa hữu cơ được bắt đầu từ xã Hòa Tiến từ năm 2013 do Hội Nông dân địa phương phối hợp Tập đoàn Quế Lâm triển khai. Từ 5 ha ban đầu nay đã phát triển lên khoảng 50 ha trồng lúa hữu cơ. Năng suất bình quân của lúa hữu cơ đạt 58 tạ/ha, tuy không cao so với sản xuất lúa thường nhưng hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.
Theo đó, mô hình sản xuất lúa hữu cơ này không dùng thuốc diệt cỏ, không dùng thuốc bảo vệ thực vật và chỉ dùng phân bón hữu cơ ủ đạt tiêu chuẩn theo quy trình…
Theo ông Nguyễn Đính, ở xã Hòa Tiến, nếu sản suất lúa thường, theo giá thị trường nông dân bán được bình quân 6 nghìn đồng/kg, thì lúa hữu cơ có giá cao hơn là 7,5 đến 9 nghìn đồng/kg. Bởi vậy, các hộ tham gia làm lúa hữu cơ rất phấn khởi. Đặc biệt, ngoài giá trị kinh tế cao so với cách trồng lúa thông thường, mô hình trồng lúa hữu cơ do không dùng thuốc diệt cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, nên không tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái ở địa phương.
Ngoài trồng lúa hữu cơ, các địa phương trên địa bàn TP. Đà Nẵng còn tập trung xây dựng nhiều mô hình sản xuất rau hữu cơ, sản xuất VietGAP tại các vùng trồng rau an toàn...
Cũng trên địa bàn huyện Hòa Vang, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao bước đầu khẳng định được hiệu quả kinh tế như, trồng rau an toàn trong nhà lưới theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Hòa Khương, Hòa Phong, mô hình trồng nấm ở xã Hòa Tiến... Trên lĩnh vực chăn nuôi cũng đã phát triển các mô hình chăn nuôi lợn, gà đồi, gà thả vườn theo hướng nông nghiệp hữu cơ tại các xã Hòa Nhơn, Hòa Ninh...
Được biết, năm 2018 dự kiến huyện Hòa Vang sẽ tiếp tục phân bổ hơn 7 tỷ đồng để hỗ trợ người dân sản xuất, nâng cao an toàn thực phẩm trong nông nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ thực hiện mô hình sản xuất hữu cơ, nông nghiệp sạch và sản phẩm chủ lực đặc trưng, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên thị trường.
Tương tự như Đà Nẵng, tại Quảng Nam việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp theo hướng hữu cơ cũng được chú trọng. Đặc biệt, tại các huyện, thị xã phía Bắc giáp ranh với TP. Đà Nẵng, nhằm cung cấp các sản phẩm sạch từ nông nghiệp hữu cơ cho thị trường. Trong đó, có thể kể đến mô hình trồng rau hữu cơ xã Điện Phong, Điện Hòa (thị xã Điện Bàn). Ngoài ra, không thể không kể đến thương hiệu rau Trà Quế (TP. Hội An), đã xây dựng được chỗ đứng trên thị trường ở khu vực.
Còn nhiều khó khăn
Tuy có nhiều lợi thế, song như nhiều địa phương khác việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ ở TP. Đà Nẵng vẫn còn gặp những khó khăn. Những khó khăn này bắt nguồn từ khâu sản xuất đến tiêu thụ trên thị trường. Trong khi, các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ là hướng đi bền vững đối với người trực tiếp sản xuất và vì sức khỏe của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay vì nhiều lý do không ít nông dân vẫn chưa mặn mà với mô hình này. Tại TP. Đà Nẵng dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học” (QSEAP) từng được triển khai tổng kinh phí hơn 67 tỷ đồng.
Từ năm 2014, hầu hết các hạng mục phục vụ cho việc trồng rau sạch tại huyện Hòa Vang và quận Cẩm Lệ đã được bàn giao, nhưng đến nay nhiều công trình không phát huy tác dụng. Việc sản xuất không tương xứng với quy mô đầu tư, gây lãng phí nghiêm trọng. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải có thời gian, có khi phải mất 3 đến 4 vụ mới thấy hiệu quả nên phần lớn người sản xuất vẫn còn e ngại.
Trong khi đó, trên thị trường việc phân biệt sản phẩm nông nghiệp hữu cơ và không hữu cơ còn rất khó khăn. Bà Nguyễn Thị Liên, trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ cho rằng, người tiêu dùng chưa tin tưởng và khó có thể phân biệt được sản phẩm hữu cơ và các sản phẩm thông thường khác.
Đặc biệt, nhiều người vẫn chưa hiểu được lợi ích của sản phẩm hữu cơ so với sản phẩm thường. Trong khi, giá cả những sản phẩm nông nghiệp sạch, hữu cơ lại luôn cao hơn rất nhiều so với thực phẩm thông thường. Bởi vậy, việc tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ vẫn còn nhiều khó khăn.
Cũng tại TP. Đà Nẵng từ năm 2013, Sở Công thương thành phố chỉ đạo các chợ trên địa bàn sắp xếp mặt bằng xây dựng chuỗi cửa hàng để quảng bá rau sạch. Thế nhưng, chưa đầy một năm hoạt động, các cửa hàng rau sạch đều phải đóng cửa vì rơi vào tình trạng “càng bán càng lỗ”. Nguyên nhân chính vẫn do giá thành khá cao, không cạnh tranh được với các loại sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Tại diễn đàn kết nối cung cầu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, do UBND TP. Đà Nẵng phối hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại Đà Nẵng, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP. Đà Nẵng cho rằng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái là xu hướng tất yếu hiện nay.
Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đặt ra đối với sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng là hạn chế trong thực hiện liên kết, thiếu sự tham gia của DN vào hệ thống tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Bởi vậy, trong thời gian tới địa phương sẽ tập trung giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ để tạo liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Trong đó, tăng cường sự liên kết “4 nhà”, nhà khoa học, nhà nước, DN và nhà nông.
Theo Nghi Lộc/thoibaonganhang.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã