Hiện nay, huyện Phú Tân có hơn 2.240 ha ao đầm nuôi tôm thẻ chân trắng. Trong đó, có gần 390 ha nuôi theo hình thức siêu thâm canh công nghệ cao, tăng khoảng 50% so cùng kỳ, hơn 1.850 ha nuôi công nghiệp ao đất. Từ đầu năm đến nay, tình hình nuôi tôm thẻ chân trắng trên địa bàn huyện gặp khó khăn. Mặc dù năng suất đạt khá nhưng giá cả giảm thấp, nhiều hộ nuôi không có lời. Theo đó, việc quản lý môi trường, xả thải hiện đang là vấn đề bức xúc đặt ra.
Từ khủng hoảng về giá...
Có thể nói, chưa bao giờ giá tôm thẻ chân trắng giảm xuống đến mức thấp như hiện nay. Nhiều hộ nuôi tôm cho biết, với giá cả này thì hộ nào nuôi huề vốn coi như đã thành công. Nếu như thời điểm được giá, tôm loại 100 con/kg ít nhất cũng có giá trên 100.000 đồng/kg. Tuy nhiên, hiện nay tôm loại này chưa đến 80.000 đồng/kg, thậm chí thấp hơn do thương lái ép giá.
Trong khi đó, giá vật tư phục vụ nuôi trồng thuỷ sản không giảm, mà một số mặt hàng còn tăng. Theo tính toán của ngành chuyên môn, để nuôi được 1 kg tôm thẻ chân trắng nguyên liệu loại 100 con/kg, người nuôi phải đầu tư khoảng 70.000 đồng, chưa kể khấu hao trang thiết bị máy móc và công lao động. Nếu hộ nuôi mới, tính cả chi phí xây dựng ao đầm trải bạt mỗi 1.000 m2 hơn 500 triệu đồng thì coi như lỗ. Những ngày đầu tháng 6, giá tôm thẻ chân trắng có tăng nhẹ, nhưng chưa làm chuyển biến tình hình. Trên cơ bản những tháng đầu năm nay, người nuôi tôm thẻ chân trắng ở Phú Tân đạt năng suất khá, nhưng lỗ về giá cả.
Nhiều hộ đứng trước tình trạng ”tiến thoái lưỡng nan” do khó thu hoạch vì giá thấp, nhưng lại càng khó khăn hơn để nuôi tiếp do không còn vốn, chi phí đầu tư ngày càng tăng vọt. Khi con tôm đạt trọng lượng càng cao, sức ăn rất nhiều nhưng giá không tăng theo tỷ lệ thuận. Nghịch lý đặt ra là càng nuôi tôm trọng lượng lớn càng lỗ nhiều hơn. Chính vì vậy, nhiều hộ ùn ùn thu hoạch, dẫn đến tư thương ép giá. Điệp khúc "được mùa - rớt giá” lại tái diễn.
Ông Nguyễn Văn Kịnh, ấp Tân Phú Thành, xã Tân Hưng Tây, một nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trong nuôi tôm công nghiệp, cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến sụt giá là do cung vượt cầu. Chính vì vậy, ông Kịnh chọn giải pháp nuôi tôm sú để giảm chi phí đầu vào và bền vững. Ít nhất đây cũng là giải pháp tình thế trong giai đoạn này. Về lâu dài, người dân rất cần một chính sách bao tiêu từ phía Nhà nước và nhà doanh nghiệp.
... Đến tình trạng xả thải ra môi trường
Tình trạng xã thải ra môi trường, gây ô nhiễm luôn là vấn đề nóng bỏng, bức xúc trong nhân dân thời gian qua. Nó không những ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất của hàng trăm, hàng ngàn héc-ta đất sản xuất trong khu vực mà còn ô nhiễm môi trường sống của người dân.
Nhằm quản lý tốt tình hình nuôi tôm siêu thâm canh, nhất là việc sử dụng điện cũng như khâu xử lý chất thải, nước thải trong quá trình nuôi, UBND huyện Phú Tân chỉ đạo ngành chức năng kiểm tra 119 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn huyện. Qua kiểm tra cho thấy, có 53 hộ thực hiện đúng theo hướng dẫn của ngành chuyên môn về diện tích ao xử lý chất thải, ao lắng, hệ thống xử lý đúng quy định, an toàn về điện, chỉ chiếm 45%... 66 hộ không đảm bảo các điều kiện quy định, chiếm hơn 55%. Ngành chức năng nhắc nhở và buộc các hộ nuôi phải khắc phục, đảm bảo quy định trong vòng 30 ngày. Sau đó, ngành chức năng huyện tiến hành tái kiểm tra đối với 66 hộ này, nhưng chỉ có 20 hộ thực hiện đạt theo yêu cầu. Từ đó cho thấy, ý thức chấp hành các quy định đảm bảo xử lý môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh chưa cao.
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành huyện Phú Tân cũng tiến hành kiểm tra đột xuất hơn 10 hộ nuôi tôm siêu thâm canh trên địa bàn xã Tân Hải và thị trấn Cái Đôi Vàm. Qua kiểm tra, đã lấy 3 mẫu nước thải hộ nuôi tôm đang xả thải ra môi trường để phân tích. Kết quả các mẫu này đều vi phạm, vượt các chỉ số cho phép trong giới hạn đảm bảo môi trường. UBND huyện Phú Tân đang hoàn tất thủ tục để xử lý theo quy định của pháp luật.
Huyện Phú Tân thực hiện nghiêm chỉ đạo của tỉnh và hướng dẫn của ngành chuyên môn. Đó là tăng cường kiểm tra, hướng dẫn quy trình và xử lý nghiêm vi phạm. Cương quyết không cho nuôi nếu không đủ điều kiện quy định./.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã