Trữ sẵn can nhựa… dã chiến!
Mới chỉ bước vào mùa nắng ít ngày, chiếc lu hơn 10m3 trữ nước mưa của gia đình ông Hoàng Văn Hội (thôn Hà Bắc, Cẩm Nam, Cẩm Xuyên) đã vơi hơn một nửa. Năm nào cũng vậy, cứ nắng lên là lại thấp thỏm lo âu.
“Ăn uống của cả gia đình chỉ trông chờ vào chiếc lu đó. Nước giếng khoan cũng có nhưng chỉ để giặt giũ, tắm rửa chứ nấu nước uống cứ đỏ quạch, mùi phèn không chịu được” - ông Hội chia sẻ.
Từ ngày công trình nước sạch tập trung xã Kỳ Nam (Kỳ Anh) được nâng cấp, bà con không còn phải đối mặt với cảnh khát nước mỗi khi mùa nắng hạn về |
Năm ngoái, bức bí quá, gia đình đành đầu tư thêm một máy lọc nước, khi nào thiếu nước trầm trọng thì đổ nước giếng vào lọc. Còn không, như mấy nhà hàng xóm lân cận, cứ phải trữ sẵn can nhựa dã chiến.
Ông Hội nói thêm: “Mấy năm nay, nhiều nhà đầu tư xây dựng những chiếc lu trữ nước mưa lớn (dung tích 24 m3), nhưng không phải ai cũng có khả năng vì số tiền lớn lắm (12-14 triệu đồng/cái, phải 2 lu mới đủ nước dùng cả năm). Nắng hạn thì bà con cùng nhau chia sẻ nước, nhà nhiều cho nhà thiếu. Khi cả làng đều thiếu thì chỉ có cách xách can lên thị trấn mua!”.
Những gia đình khá giả như chị Nguyễn Thị Hồng Thúy (thôn Nam Thành) lại có sự lựa chọn khác - mua hẳn bình nước khoáng để ăn, uống hàng ngày. Chị Thúy cho biết: “Vào mùa hè, mỗi tuần nhà tôi dùng hết 6 bình, chỉ phục vụ ăn, uống. Khổ nhất là sinh hoạt vẫn phụ thuộc vào nước giếng khoan, máy bơm, máy giặt đều bị phèn, mặn phá hỏng”. Tính ra, mỗi tháng, gia đình này phải chi khoảng 300.000 đồng tiền nước mà vẫn chưa thể dùng thoải mái.
Qua tìm hiểu được biết, giải pháp cứu hạn nguồn nước dân sinh mới nhất tại địa phương được thực hiện cách đây đã gần… 20 năm (xây bể/lu chứa nước mưa). Cách đây ít năm, dự án xây dựng công trình nước sạch do nước ngoài tài trợ cho vùng nam Cẩm Xuyên cũng đã được khảo sát (trong đó có Cẩm Nam) nhưng rồi đành… “treo” vì vướng mắc giữa nhà tài trợ và địa phương hưởng lợi. Hiện, Cẩm Xuyên là một trong những địa phương khó khăn nhất về nguồn nước nhưng lại ít công trình nước tập trung nhất tỉnh. Toàn huyện chỉ mới có 3 công trình, giải quyết nhu cầu nước sạch cho 6-7 xã.
Thường xuyên đối mặt với sự khắc nghiệt của thiên nhiên đã giúp người dân xã Đức Dũng (Đức Thọ) có nhiều kinh nghiệm chống chọi với hạn hán. Ông Phan Quốc Cường - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Nước sạch vẫn đang là tiêu chí khó tại địa phương. Vào mùa nắng hạn, nguồn nước mưa cạn kiệt, nước ngầm vốn nhiễm phèn, nhiễm mặn lại càng mặn và tanh hơn. Có thời điểm, bà con phải dẫn nước từ trạm bơm thủy lợi về lọc để dùng. Thời gian nắng hạn nhất kéo dài từ khoảng cuối tháng 5 đến tháng 7 hàng năm”. Thế mới có chuyện, nhà nào ở Đức Dũng cũng có con mương dẫn nước được đào xung quanh vườn, phòng khi nắng hạn để dẫn nước về nhà. Còn ở vùng núi Hương Sơn, mặc dù chất lượng nguồn nước đảm bảo nhưng một số địa phương luôn rơi vào thế khánh kiệt khi nắng hạn. Hình ảnh người dân lỉnh kỉnh can, xô vượt núi mấy km từ sáng tinh mơ để chắt chiu từng giọt nước chẳng thể nào phai trong ký ức những ai từng chứng kiến.
Cần giải pháp bền vững
Nhiều năm nay, người ta vẫn quen hình ảnh vào mùa nắng hạn, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn và các địa phương đưa nước về “cứu khát” cho bà con vùng hạn. Rõ ràng, phần nào động viên được người dân, song, biện pháp tức thời này chỉ có thể giải quyết được vài ngày, trong khi thời gian hạn hán có thể kéo dài cả tháng. Ông Đoàn Văn Khang - Trưởng phòng Kế hoạch truyền thông cho biết: “Vào thời điểm này, chúng tôi đã có phương án chống hạn cho các công trình. Trong đó, chú trọng vận hành tiết kiệm nước; nghiên cứu tìm nguồn nước chống hạn; tổ chức khơi thông, nạo vét kênh mương để trong trường hợp bức thiết thì có thể đưa nước về từ tuyến thủy lợi… Đồng thời, theo dõi tình hình khô hạn, tuyên truyền cho bà con cách bảo vệ nguồn nước. Tuy nhiên, trên thực tế, nơi nào không có công trình cấp nước tập trung thì nơi đó luôn bị đe dọa, thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng hạn”.
Nguồn vốn từ chương trình MTQG nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn hàng năm chỉ dao động từ 10-15 tỷ đồng, bao gồm cả nguồn đầu tư phát triển lẫn sự nghiệp. Số tiền này nhiều năm chỉ đủ để trả nợ cho các công trình đã triển khai trước đó. Duy tu, nâng cấp các công trình xuống cấp đã khó nói gì đến nguồn chống hạn hàng năm. Trong khi đó, đối với công trình nước sạch thì giải pháp chống hạn phải mang yếu tố bền vững, lâu dài và mang tính chất liên vùng. Nếu đến lúc hạn hán căng thẳng, giải pháp mới được đưa lên “bàn cân” thì cũng coi như bị vô hiệu hóa.
Đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 86,61% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh (không mùi, không màu, không vị), trong số này, tỷ lệ được sử dụng nước theo quy chuẩn Bộ Y tế chỉ chiếm khiêm tốn 36%. Theo Quyết định 366 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012-2015, địa phương (tỉnh, huyện) bố trí ngân sách ít nhất 10% tổng nguồn vốn thực hiện chương trình. Tuy nhiên, đối với tỉnh ta, dường như nguồn ngân sách này lâu nay đang bị bỏ ngỏ!
Nguyễn Oanh
Theo baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã