Là một người con của xứ Thanh, ông Khiêm đã rời quê hương vào đất Sài Gòn kiếm sống bằng nghề thợ hồ từ năm 1999, rồi đến Bình Phước, Phú Quốc, Cà Mau. Tuy nhiên, vì cuộc sống gia đình khó khăn nên năm 2012 ông đã vào nhà người anh ruột tại xã Đông Thanh để làm vườn cùng anh trai của mình.
Trước đó, người anh của ông có thầu một đập thủy lợi của xã với diện tích mặt nước 1,2ha để nuôi cá. Vì thấy có địa thế đẹp mà anh mình lại không có nhiều thời gian làm nên ông đã mạnh dạn xin thầu lại. Đầu năm 2014, ông Khiêm chỉ nuôi 1.000 con vịt thịt và vài tạ cá để bán cho người dân xung quanh. Thấy bán vịt thịt được giá cao khoảng 52.000/kg, thấy có lợi nhuận cao nên ông đã quyết định vay mượn, đầu tư làm trang trại nuôi vịt.
Một góc trang trại nuôi vịt của gia đình ông Khiêm. Ảnh: Văn Long.
Thời điểm đó, giá vịt thịt khá cao mà người tiêu dùng lại ưa chuộng nên trang trại của của ông Khiêm không chủ động được nguồn giống, phải phụ thuộc vào đơn vị cung cấp giống. Thấy bất tiện nên ông lại một lần nữa mạnh dạn mua vịt giống bố mẹ về nuôi đẻ, ấp trứng ra vịt con.
Có được nguồn giống nên ông đã chuyển hẳn qua việc nhân giống vịt con. Cũng từ năm 2015 – 2016, giá lợn xuống thấp khiến các loại thực phẩm khác lên giá, trong đó có thịt vịt và có đầu ra ổn định nên ông Khiêm đã có được doanh thu cao nhờ sự táo bạo và tức thời của mình.
Ông Khiêm chuẩn bị cho vịt ăn, toàn bộ trang trại có khoảng 2.400 vịt bố mẹ. Ảnh: Văn Long.
Hiện nay, ông Khiêm đã chuyển hẳn qua việc nuôi vịt giống để cung cấp cho thị trường. Trại của anh Khiêm đến nay có 2.000 vịt mái và 400 vịt trống. Với chu kỳ đẻ trứng tối đa 280 trứng/năm/mái đẻ, mỗi tháng anh Khiêm thu được 40.000 trứng. Để đảm bảo ấp hết trứng, anh Khiêm đã đầu tư cho trại của mình 7 máy ấp trứng với giá 90 triệu đồng/máy, mỗi máy đạt công suất 9.000 trứng/đợt.
Những chú vịt nằm trắng bờ của đập nước khiến ai đi qua cũng phải chú ý. Ảnh: Văn Long.
“Vịt giống tôi nhập về có giá khá cao, khoảng 60 ngàn/kg nhưng mới chỉ được 1 ngày tuổi. Tuy nhiên, phải nuôi tới 5,5 tháng mới cho đẻ trứng, 6,5 tháng bắt đầu đẻ nhiều và cho thu hoạch ổn định”, ông Khiêm chia sẻ.
Toàn bộ thức ăn của trang trại vịt ông Khiêm đều cho ăn cám tổng hợp. Bởi loại cám này mới cung cấp đủ dinh dưỡng cho vịt để có sức đề kháng tốt. Ngoài ra, ông còn bổ sung thêm thuốc bổ cho vịt để tỉ lệ đẻ trứng của vịt mẹ được cao hơn.
Ông Khiêm kiểm tra đợt trứng mới cho vào lò ấp. Ảnh: Văn Long.
Ông Khiêm cho biết, khi mới nhập vịt giống về quy trình rất khắt khe để tỉ lệ chết giảm tối đa và phòng ngừa dịch bệnh. “Sau khi nhập về trại 3 ngày tôi sẽ tiêm vacxin bệnh gan, sau 5 ngày tiêm vacxin bệnh tả và 45 ngày là H5N1. Sau 4,5 tháng sẽ tái chủng các loại vacxin đó để chuẩn bị cho vịt đẻ trứng”, ông Khiêm chia sẻ.
Hiện tại, trang trại của ông Khiêm có 7 máy ấp trứng với khoảng 9.000 trứng mỗi lấn ấp/máy. Ảnh: Văn Long.
Ngoài ra, với 1,2ha mặt nước mỗi năm ông Khiêm cũng bán được khoảng 30 tấn cá cá loại như rô phi, trắm, mè, chép… Ông Khiêm thường xuống cá giống vào khoảng tháng 4 hàng năm, tháng 2 năm sau khi mùa tưới tiêu hoàn tất, nước cạn sẽ bắt đầu dùng lưới kéo để thu hoạch cá thịt.
Ngoài thu nhập từ vịt, mỗi năm ông Khiêm còn bán ra thị trường khoảng 30 tấn cá thịt các loại. Ảnh: Văn Long.
Với việc bán ra thị trường khoảng 30.000 - 35.000 vịt giống mỗi tháng, sau khi trừ chi phí ông Khiêm thu lãi trên 200 triệu đồng. Bên cạnh đó ông còn có nguồn thu từ 30 tấn cá, trung bình 25 ngàn/kg. Vì vậy, ông có thêm một nguồn thu lớn để phục vụ sinh hoạt của gia đình và đầu tư thêm vào trang trại.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã