Bỏ phố lên núi
Đúng như tên gọi Đở Chua (nghĩa là đỉnh núi có nhiều gió) mà người Mông đã đặt, đèo Khau Phạ dường như lúc nào cũng quyện trong bầu không khí lành lạnh và hun hút gió ngàn. Cách TP.Yên Bái chừng 150km, vượt những con dốc vòng vèo, uốn lượn, chúng tôi dừng chân tại một ngôi nhà cấp 4 sơn màu cam còn mới nằm cheo leo trên dốc núi. Xung quanh ngôi nhà, gần chục bể lớn cỡ chừng 100m3 và một bể nhỏ xây xi măng nối tiếp nhau theo kiểu ruộng bậc thang. Đó là trại nuôi cá hồi, cá tầm - những loài cá nước lạnh của chàng trai trẻ sinh năm 1990 - Nguyễn Như Quỳnh.
Hiện nay trại cá hồi, cá tầm của Nguyễn Như Quỳnh chỉ tập trung nuôi giống cá hồi Phần Lan. Ảnh: N.D
Nuôi cá hồi còn vất vả hơn nuôi con mọn. Loài cá mang danh “quý tộc” này rất đỏng đảnh, chỉ sống ở nước trong sạch và phải nước luôn động, oxy trong nước phải đạt đúng chỉ số cho phép… chỉ cần một trong các yếu tố trên thay đổi, cá sẽ phơi bụng, lập lờ nổi hết. Nguyễn Như Quỳnh |
Từng gặp nhiều thanh niên khởi nghiệp, nhưng thú thực tôi vẫn không khỏi bất ngờ với câu chuyện “dám nghĩ dám làm” của chàng trai có gương mặt rất thư sinh này. Quỳnh quê ở Hà Nội, miền đất hứa của không ít dân ngoại tỉnh, nhất là các bạn trẻ muốn vươn lên khẳng định mình ở thành phố lớn. Ai cũng bảo đúng là ngược đời, phố không ở lại đòi lên núi nuôi loài cá khó chiều, rồi biết tiêu thụ ở đâu?
Lo lắng của những người xung quanh không phải là không có nguyên cớ, vì thực tế đã có không ít mô hình nuôi cá tầm, cá hồi nhận “trái đắng” do thiên tai, dịch bệnh. Nắm bắt được rủi ro, nhưng qua thời gian làm đầu bếp ở Sa Pa, Quỳnh cũng là người biết rất rõ tiềm năng kinh tế của cá hồi nên vẫn huy động người thân cùng góp vốn. Sau khi gom góp được khoảng 4 tỷ đồng, Quỳnh xin phép chính quyền địa phương, thuê hơn 2.000m2 đất trên khu vực đèo Khau Phạ ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển để xây dựng bể từ năm 2016 và thả cá hồi, cá tầm từ năm 2017.
Chăm cá còn hơn nuôi con mọn
Quỳnh cho biết, đây là nơi có nhiệt độ lạnh nhất và cũng là nơi duy nhất nuôi được cá hồi ở tỉnh Yên Bái. Sườn núi có độ dốc cao, nước chảy mạnh và nhiệt độ nước trung bình 16-20°C rất thích hợp để loài cá hồi có nguồn gốc từ xứ lạnh Bắc Âu sinh trưởng, phát triển. Cá hồi được nuôi trên đèo Khau Phạ có mùi vị rất đặc biệt, không giống bất kỳ nơi nào nên được chọn vào trong thực đơn của các nhà hàng, khách sạn để tiếp đãi du khách gần xa khi đến Mù Cang Chải.
Nuôi cá hồi, cần có rất nhiều điều kiện ngặt nghèo nên phải nhờ thêm sự giúp sức của người thân, đồng thời thuê thêm 2 công nhân người bản địa dân tộc Dao và Thái với mức lương 4-5 triệu đồng/tháng, cùng ăn ngủ và lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cá hồi. Thậm chí, họ không có khái niệm nghỉ ca mà phải chia ca túc trực bên bể cá để sẵn sàng “cứu cá” nếu như không muốn bị mất trắng.
Hiện nay, trại cá hồi của Nguyễn Như Quỳnh đang nuôi là giống cá hồi Phần Lan. Loại cá này nuôi từ 10-11 tháng, đạt 1,2kg trở lên thì có thể xuất bán. Năm 2018, trại cá hồi của Quỳnh dự kiến xuất khoảng 10 - 15 tấn, mỗi tháng trung bình xuất 2 tấn.
Khách hàng của trại cá rất đa dạng, đa phần là khách tỉnh xa. Khi có nhu cầu, khách sẽ đặt hàng trước và đánh xe chuyên dụng đến tận nơi thu mua rồi chở tới các địa chỉ ở Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai... Ngoài ra, Quỳnh còn có nhà hàng riêng để phục vụ khách du lịch thưởng thức món cá đặc sản xứ lạnh. Với giá cá hiện nay 250 – 300 nghìn đồng/kg, tính sơ sơ mỗi năm trại cá của chàng trai 9x lãi ròng hơn 1 tỷ đồng.
Theo danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã