Trong hai ngày 12 và 13.4, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Sở NNPTNT tỉnh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp, với chuyên đề “Nuôi tôm hùm bền vững đạt hiệu quả cao tại các tỉnh miền Trung”.
Tham dự diễn đàn có các chuyên gia đầu ngành về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, ban cố vấn, cùng hơn 200 hộ nuôi tôm hùm của 5 tỉnh thành Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận.
Vật nuôi cho thu nhập cao
Đoàn Trung tâm Khuyến nông quốc gia đi tham quan thực tế mô hình nuôi tôm có hiệu quả của các hộ dân tại Nha Trang. Ảnh: Công Tâm
Tại diễn đàn, các chuyên gia đầu ngành lĩnh vực thủy sản đã giải đáp rất chi tiết gần 40 câu hỏi của các hộ nuôi tôm hùm, liên quan đến các chuyên đề như: Quy trình nuôi tôm, giải pháp nuôi tôm có hiệu quả, cách phòng trị bệnh cho tôm, dấu hiệu nhận biết tôm bị bệnh, cách chọn thức ăn vừa giảm chi phí vừa hiệu quả, nguồn gốc tôm giống, chính sách vay vốn, chính sách hỗ trợ cho người dân khi gặp rủi ro… |
Ông Hồ Văn Trung (tổ 3, phường Vĩnh Nguyên, TP.Nha Trang, Khánh Hòa) có thâm niên hơn 20 năm nghề nuôi tôm, phấn khởi cho biết: “Nghề nuôi tôm hùm xanh đã cho thu nhập rất ổn định, những năm đầu mới chân ướt chân ráo vào nghề nuôi tôm, gia đình tôi chỉ nuôi 2 ô. Do chăm sóc bài bản, môi trường tự nhiên tốt cộng với thị trường tiêu thụ ổn định nên thu nhập cao”.
Từ thành công ban đầu, gia đình ông đã nhân rộng diện tích nuôi. Với giá bán tôm bình quân từ 500.000 – 700.000 đồng/kg, thậm chí có vụ bán giá 750.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, mỗi năm gia đình ông có thu nhập từ 600 – 700 triệu đồng.
Vụ này, gia đình ông nuôi trên 75 ô, với số lượng trên 20.000 con, tôm hùm xanh đang trong giai đoạn sinh trưởng và phát triển tốt.
Theo ông Trung, tôm hùm là loài ăn tạp, dễ ăn, thức ăn rất dễ tìm kiếm ở địa phương, chủ yếu ăn các loại cá liệt, cá nục, cua, ghẹ, nhum... Sản phẩm tôm hùm được thị trường trong cả nước ưa chuộng, được các thương lái bao tiêu ngay tại chỗ, năng suất và sản lượng đạt cao; thu nhập của người nuôi tôm hùm ổn định, gấp 2- 4 lần so với đối tượng thủy sản khác...
Bí quyết nuôi tôm hiệu quả mà ông Trung chia sẻ là thường xuyên làm vệ sinh ao nuôi, luân chuyển ô nuôi, cần phân loại và chăm sóc hợp lý, nuôi theo mật độ 16m2/300 con; nuôi trong thời gian dao động từ 10 – 12 tháng, càng về sau mật độ nuôi càng thưa dần, khi tôm đạt trọng lượng khoảng 3 con/kg thì xuất bán...
Ông Nguyễn Chí Lực (HTX nuôi tôm hùm lồng tại thôn Bình Lập, xã Cam Lập, Cam Ranh, Khánh Hòa) cho biết, tôm hùm là đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế cao và là đối tượng nuôi chủ lực của địa phương. Hiện nay, toàn TP.Cam Ranh có khoảng 30.000 lồng nuôi tôm hùm (bông và xanh), phân bố dọc theo các địa phương ven biển. Riêng xã Cam Lập có khoảng 1.500 lồng nuôi, với 250 hộ nuôi, sản lượng tôm hùm thương phẩm hàng năm đạt 95 tấn.
Ông Lực cho hay, muốn nuôi tôm đạt hiệu quả thì phải quan tâm công tác phòng bệnh. Kinh nghiệm được ông chia sẻ là cứ sau khi kết thúc vụ nuôi đem lồng vào bờ phơi nắng, xử lý rong, hàu bám trên bề mặt lưới và tiêu diệt các mầm bệnh tiềm ẩn trên lồng nuôi.
Năm 2017, với 30 lồng nuôi tôm hùm bông, nuôi theo hình thức thương phẩm thời gian hơn 1 năm, đến nay ông đã thu hoạch được 1,8 tấn. Với giá bán từ 1,7 – 2,2 triệu đồng/kg, trừ chi phí, ông Lực lãi trên 700 triệu đồng.
Hỗ trợ tích cực cho hộ nuôi tôm
Sau khi khảo sát thực tế tại vịnh Nha Trang, ông Kim Văn Tiêu – Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia nhận xét, bà con đóng lồng bè nuôi tôm rất chắc chắn, kỹ thuật chăm sóc cơ bản đã nắm vững. Ông cho rằng, các hộ nuôi do tuân thủ đúng quy trình nên tôm có màu sắc tươi sáng, khỏe mạnh; thu nhập khá cao. Tuy nhiên, một số hộ vẫn nuôi với mật độ khá dày dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh cao, cần phải nuôi có khoảng cách và mật độ hợp lý hơn.
Năm 2017 số lượng lồng nuôi tôm hùm cả nước khoảng 83.000 lồng; sản lượng ước đạt 1.530 tấn; trong đó, tại Phú Yên khoảng 500 tấn, Khánh Hòa 984 tấn, còn lại ở các tỉnh khác. Ảnh minh hoạ
Theo ông Tiêu, để nuôi tôm có hiệu quả và bền vững, cần phải thực hiện 4 giải pháp đồng bộ về nguồn vốn, giống nuôi, khoa học công nghệ, thị trường.
Ông Tiêu nhấn mạnh, theo kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm, mục tiêu giai đoạn 2017 - 2020, giá trị kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 5,5 tỷ USD. Về sản lượng, đến 2020, tôm nước lợ 830.000 tấn, tôm càng xanh 30.000 tấn, tôm hùm đạt 2.500 tấn.
Thời gian tới Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục phối hợp các địa phương tổ chức đào tạo, tập huấn về kỹ thuật nuôi, kỹ thuật thiết kế lồng bè, vị trí đặt lồng, cách chọn giống, khâu thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch, chăm sóc, liên kết thị trường và tổ chức sản xuất.
Trong năm 2018, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tập trung chương trình tái cơ cấu ngành, riêng lĩnh vực thủy sản tập trung các con chủ lực như: Cá tra, tôm sú, tôm hùm - những đối tượng này vừa giúp người dân nâng cao thu nhập, đồng thời tạo được công ăn việc làm cho nhiều hộ dân. Ông Tiêu đề nghị các nghành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để các hộ dân hiểu rõ hơn về nghề nuôi tôm hùm.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã