Ông Ân cho biết, vì nhà ở gần biển nên trước khi bén duyên với con trăn thì ông đã tường nuôi nhiều loại giống hải sản khác nhau như tôm hùm, cá các loại nhưng đa phần đều thất bại. Cho đến khi ông vô tình thấy trên truyền hình phát sóng phóng sự ở miền Nam nổi lên phong trào nuôi trăn phát triển mạnh nên ông quyết định vào một công ty chuyên cung cấp trăn giống để mua về nuôi thử.
Mỗi năm, ông Ân thu được 100 triệu đồng từ bán trăn thương phẩm |
“Thời điểm đó là năm 2009, vì đây là con vật chưa có ai ở Khánh Hòa nuôi cả nên tôi cũng sợ khó mà thành công. Do đó, tôi chỉ mua 2 con trăn giống với giá 600.000 đồng về tự thiết kế chuồng trại rồi học các chăm sóc qua các tài liệu, sách báo. Mấy tháng sau, thấy trăn phát triển rất tốt lại không mất quá nhiều thời gian chăm sóc nên mạnh dạn làm thêm chuồng để mua thêm vài chục con về nuôi một lần”, ông Ân kể.
Càng nuôi, ông Ân dần phát hiện ra những điểm hạn chế trong kỹ thuật chăm sóc của mình như: Việc nuôi nhiều con trong cùng một chuồng khiến cho trăn chậm phát triển do tranh giành thức ăn của nhau; Chuồng nuôi nhiều, cho ăn đại trà không kiểm soát được thời gian cung cấp thức ăn cho mỗi con; Nuôi lồng lưới bằng sắt gặp hơi mặn của nước biển nhanh rỉ sét khiến da trăn bị trầy xước ảnh hưởng đến chất lượng khi xuất bán.
“Các vấn đề này dần dần được tôi khắc phục bằng cách phân ra mỗi con một chuồng nuôi khác nhau và ghi chép cụ thể ngày tháng cho ăn của chuồng đó. Chuồng làm bằng lưới sắt sau đó tôi cũng thay thế dần bằng các phuy nhựa hình vòm có khoét lỗ, bên dưới lót ván gỗ vừa có tuổi thọ cao vừa đảm bảo da trăn không bị trầy xước. Đến bây giờ, tôi vẫn đang áp dụng những biện pháp này và rất hiệu quả”, ông Ân cho biết.
Cũng theo ông Ân thì đối tượng trăn rất dễ chăm sóc lại không hề bị bệnh tật gì. Những thức ăn mà ông sử dụng để nuôi trăn gồm các sản phẩm rất dễ kiếm và giá lại rẻ như đầu gà công nghiệp, chuột... Với một con trăn trưởng thành có trọng lượng từ 5 – 10kg thì mỗi lần tiêu thụ khoảng 1kg thức ăn nhưng 15 ngày mới cho ăn một lần.
Trăn là động vật dễ nuôi, lại ít tốn công chăm sóc, giá bán 300.000/kg |
“Đầu gà công nghiệp thì dễ kiếm lắm, giá lại rẻ chỉ có 15.000 đồng/kg nhưng phần lớn tôi cho trăn ăn chuột là chủ yếu. Trong quá trình nuôi, tôi cũng tự mày mò thiết kế ra một dụng cụ bẫy chuột rất hiệu quả, mỗi lần có thể bắt được vài chục con. Lúc nào đến thời điểm cho trăn ăn thì tôi lại mang bẫy ra chợ bẫy. Mỗi đêm như thế cũng bắt được gần cả trăm kg chuột, đủ cho cả đàn trăn ăn nên hạn chế được chi phí mua thức ăn rất lớn. Ngoài ra, thỉnh thoảng tôi cũng bổ sung thêm cho trăn một số loại chất bổ để trăn khỏe hơn”, ông Ân nói.
Hiện nay, vì diện tích nhỏ nên mỗi lần ông Ân chỉ nuôi khoảng 100 chuồng trăn theo hình thức cuốn chiếu, bán mỗi năm 2 lứa. Trung bình, trăn từ lúc nuôi đến lúc xuất chuồng khoảng hơn 1 năm, thời điểm này, trăn đạt trọng lượng khoảng 10kg mỗi con.
Bên cạnh đó, để tiết kiệm chi phí mua giống, ông Ân còn nuôi thêm 1 cặp trăn bố mẹ cho sinh sản. Kinh nghiệm của ông Ân cho biết, thường thì trăn sẽ giao phối với nhau trong tháng 10 – 11 âm lịch. Đến hơn 4 tháng sau thì sinh sản từ 70 – 80 trứng và đạt tỷ lệ nở khoảng 60 – 80% phụ thuộc vào thời tiết.
Thời điểm chúng tôi đến, ông Ân vừa xuất bán 1 lứa trăn với tổng trọng lượng hơn 300kg và giá 300.000/kg trăn thương phẩm. Ông chia sẻ: “Hiện trăn của tôi đều có đầu mối thu mua ổn định nên không phải lo lắng về đầu ra. Nhìn chung, trăn dễ nuôi, tôi lại chưa hề thấy bệnh tật gì cả. Mỗi tháng mất công cho ăn 2 lần, thời gian còn lại chỉ lên kiểm tra sức khỏe rồi đổ nước đầy đủ cho nó là được".
Bẫy chuột ông Ân tự thiết kế cho hiệu quả rất cao, mỗi lần có thể bắt được vài chục con làm thức ăn cho trăn |
"Tôi bây giờ đã gần 70 tuổi rồi chứ nếu còn trẻ thì tôi sẽ mở rộng diện tích nuôi trăn để tăng thu nhập. Mình già rồi mà mỗi năm còn kiếm được trăm triệu thì còn mong muốn gì hơn nữa”, ông Ân cười nói. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã