ĐẦU RA THIẾU ỔN ĐỊNH
Tại tỉnh Tiền Giang, từ năm 2007 đã thực hiện đề án “Xây dựng vùng SX rau an toàn” quy mô 630 ha nhằm làm tiền đề để nông dân tham gia SX đạt chứng nhận VietGAP. Tới năm 2010, tỉnh đã thực hiện mô hình “SX rau theo VietGAP” tại xã Long Thuận, thị xã Gò Công, quy mô 6,08 ha/28 hộ tham gia, mô hình đã được trao giấy chứng nhận đạt VietGAP vào tháng 5/2012.
Vậy nhưng đầu ra của diện tích rau VietGAP ít ỏi này ra sao? Mặc dù, sản phẩm được Cty Phú Lộc (TPHCM) ký hợp đồng mua với giá cao hơn rau bình thường từ 200-400 đ/kg, nhưng họ chỉ thu mua với số lượng ít nên sản phẩm rau còn lại thường bán đứt bán đoạn cho thương lái. Do vậy, không gắn được trách nhiệm của người trồng đối với người tiêu dùng và cũng chính phương thức tiêu thụ này mà công tác thu hoạch đảm bảo VSATTP ít được chú ý.
Còn tại Đồng Nai, HTX rau ăn lá Trảng Dài (TP Biên Hòa) được cấp chứng nhận VietGAP với diện tích canh tác 1,6 ha. HTX rau Trường An (Xuân Lộc) diện tích 10 ha, được nhận chứng nhận sản phẩm RAT từ SX đến bàn ăn. Mặc dù có đầu ra khá tốt khi được Cty GreenChoice (sự lựa chọn xanh) thu mua 2 tạ rau mỗi ngày, tuy nhiên sản lượng khá lớn còn lại vẫn phải bán cho các thương lái, các cơ sở thu mua với giá khá bấp bênh theo thị trường.
Đầu ra tốt, nông dân sẽ hăng hái mở rộng diện tích rau VietGAP
Riêng tại TPHCM, nơi đi đầu về phát triển diện tích rau VietGAP mới chỉ đạt trên 90 ha có chứng nhận, nhưng đầu ra cũng lắm gian truân. Mặc dù có rất nhiều DN tham gia vào chương trình liên kết tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP cho nông dân như hệ thống siêu thị Coop-mart, Big C, Metro, HTX Thỏ Việt, Cty Hương Cảnh…, nhưng không phải toàn bộ sản phẩm thu hoạch trong ngày đều được tiêu thụ đúng với giá trị thực của nó.
Các DN và HTX trung bình chỉ tiêu thụ từ 30-40%, số còn lại nông dân vẫn cứ phải tự xoay xở và bán như rau thường. Vấn đề khiến những người trồng rau lo lắng không phải bởi việc thành bại trong SX, mà chính là vấn đề tìm đầu ra cho các sản phẩm nông sản của mình.
Có một nghịch lý là trên các phương tiện thông tin đại chúng khuyến cáo rất nhiều về tình trạng ô nhiễm vi sinh vật, hoá chất độc hại, kim loại nặng, thuốc BVTV trên rau; nhưng việc tìm kiếm, lựa chọn để mua được những sản phẩm nông sản an toàn thì người tiêu dùng lại khá thờ ơ. Vì thế, ranh giới giữa rau bình thường và RAT VietGAP vẫn chưa được xác định một cách rõ ràng.
PHẢI CÓ LOGO VIETGAP
Trao đổi với NNVN, TS.Nguyễn Công Thành khẳng định, tại nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Mỹ hay các nước ở Châu Âu đều có chính sách rất rõ ràng, cụ thể để phân biệt sản phẩm đạt chuẩn GAP. Cụ thể nhất là các sản phẩm được chứng nhận an toàn theo hướng hữu cơ hoặc GAP đều có nhãn mác hoặc logo chứng minh trên sản phẩm đó.
Còn tại VN, điều đơn giản này đến giờ vẫn chưa có, sản phẩm VietGAP chỉ được chứng nhận chung chung chứ chưa thiết lập nhãn hiệu (logo) gắn liền với sản phẩm khi được tiêu thụ trên thị trường. Vì vậy, người SX chưa chứng minh được cho khách hàng sản phẩm của mình SX theo tiêu chuẩn VietGAP. Ngược lại người tiêu thụ chưa có gì làm bằng chứng để tin tưởng vào sản phẩm VietGAP vì về mặt hình dạng nhận diện (ví dụ rau xanh VietGAP, chôm chôm, bưởi VietGAP…) cũng tương tự như những sản phẩm khác trên thị trường.
Trong khi đó, tại Thái Lan, Bộ Nông nghiệp & HTX (MOAC) đã ban hành logo GAP cho các sản phẩm đạt chất lượng ThaiGAP. Logo này có biểu tượng chữ Q (Quality) và có màu xanh, được xem như là hộ chiếu thâm nhập khách hàng nội địa cũng như xuất khẩu. Trong biểu tượng Q còn có một số mật mã (code) đặc biệt. Số mật mã này gồm 5 nhóm số với tổng 20 con số hiện diện sát bên dưới gần chữ Q logo nhằm có thể truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xa hơn, tại Mỹ, khi sản phẩm hữu cơ được chứng nhận thì trong SX phải đảm bảo thực hành các phương pháp hữu cơ từ 95 - 100% và được cấp logo gắn trên sản phẩm hữu cơ đó để phân biệt rõ ràng. Hay như tại Châu Âu, luật lệ nhãn mác đã áp dụng từ lâu, buộc người SX sử dụng logo hữu cơ của EU trên tất cả thực phẩm hữu cơ được SX trước khi đóng gói.
Vì vậy, TS.Thành cho rằng, để thúc đẩy việc SX và tiêu thụ sản phẩm rau VietGAP, điều đầu tiên cần gắn trên sản phẩm đó một biểu tượng hay là logo VietGAP. Tuy nhiên, do đặc điểm SX rau quả tươi theo VietGAP của VN chưa có hệ thống hiện đại như các nước phát triển, nên kiểu logo có thể phân thành 2 cấp (mặc dù chất lượng có thể ngang nhau). Đó là cấp địa phương (huyện, tỉnh) và cấp quốc gia với cùng logo do Bộ NN-PTNT ban hành.
“Việc gắn logo trên sản phẩm VietGAP được xem như là một hộ chiếu thâm nhập thị trường nội địa và mở rộng xuất khẩu, giới thiệu quá trình đổi mới và cải thiện sản phẩm nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Đây cũng là điều kiện quan trọng hàng đầu để chúng ta có thể đẩy mạnh phát triển diện tích rau quả VietGAP một cách bền vững trong tương lai” (TS. Nguyễn Công Thành). |
Như vậy sẽ tạo điều kiện thúc đẩy SX theo VietGAP ở khắp nơi (vì để được chứng nhận toàn quốc sẽ khó khăn và mất thời gian cho những sản phẩm trong phạm vi một địa phương nhất định). Tuy nhiên, về lâu dài, dần dần VN sẽ chỉ có logo cho cấp chung toàn quốc.
Với hàng chục năm gắn bó với đồng ruộng của nông dân, TS.Thành kể lại một vài kỷ niệm kém vui trong nỗ nực nâng cao diện tích rau quả sạch. “Tôi đã từng làm dự án giúp nông dân SX RAT tại huyện Long Mỹ (Hậu Giang), sau đó tổ chức hẳn 1 cửa hàng bán rau, có băng rôn quảng bá giới thiệu sản phẩm. Vậy nhưng bà con đi chợ chỉ đi ngang qua, không mấy ai mặn mà hỏi mua dù giá bán chỉ cao hơn chút đỉnh. Thực tế này cho thấy, chúng ta vẫn chưa tuyên truyền tốt để người tiêu dùng thay đổi suy nghĩ và thói quen tiêu dùng có lợi cho sức khỏe”.
Đặc biệt, một số dự án RAT khi triển khai, TS.Thành mang hồ sơ phân tích các chỉ tiêu chất lượng đảm bảo đến các siêu thị, cửa hàng để giới thiệu giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, nhưng hầu hết các DN không mấy mặn mà, chỉ hứa sẽ xem xét rồi thôi. “Vì thế, việc tuyên truyền nâng cao tinh thần liên kết và trách nhiệm kinh doanh của các DN cũng cần được đẩy mạnh, nếu không, việc phát triển RAT sẽ rất khó mở rộng và không thể bền vững”, TS.Thành trăn trở.
BÙI NGUYỄN
Nguồn: nongnghiep.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Tập trung đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Về việc tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chương trình OCOP trong thời gian tới
Hướng dẫn thành lập BCĐ cấp huyện và bộ phận giúp việc BCĐ cấp huyện, BCĐ đạo cấp xã, BQL cấp xã, Ban Phát triển thôn, tổ dân phố
Sửa đổi một số tiêu chí, chỉ tiêu của các Bộ tiêu chí ban hành kèm theo Quyết định số 36 và Quyết định số 37 ngày 09/12/2022 của UBND tỉnh
Giao hướng dẫn thành lập Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG cấp huyện, cấp xã